Thứ năm 18/04/2024 20:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

TP.HCM với những đóng góp trong xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN

10:35 | 16/06/2021

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trả lời phòng vấn về nội dung liên quan bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

tphcm voi nhung dong gop trong xay dung nen kinh te thi truong xhcn
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. (Nguồn: TTXVN)

Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2021) và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.”

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương về các nội dung liên quan bài viết quan trọng nói trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như những đóng góp của Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thời gian qua.

- Thưa ông, xin ông cho biết cảm nhận về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Ông Phạm Chánh Trực: Đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: “Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản ...” cho nên cảm nhận đầu tiên của tôi là bài viết rất đúng lúc Đảng ta cần có tiếng nói của người Lãnh đạo cao nhất của Đảng, trước hết cho toàn Đảng và toàn dân ta, đồng thời cũng là sự minh bạch, công khai một lần nữa trong bối cảnh quan hệ quốc tế đang diễn ra đa dạng, nhiều chiều, có nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức.

- Xin ông nói rõ hơn về nội dung này?

Ông Phạm Chánh Trực: Thật vậy, một bộ phận hay cá nhân nào đó trong nội bộ Đảng ta đang có sự phân hóa về tư tưởng, thể hiện qua sự phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, “có người bi quan, dao động…,” mang nặng chủ nghĩa cá nhân thực dụng, bị đồng tiền lôi cuốn đến mức tham nhũng, xà xẻo của công, lợi ích nhóm, sống xa hoa vô cảm trước tình trạng khó khăn của đồng bào.

Nhiều cán bộ công chức chưa hết lòng phục vụ nhân dân, chưa “là đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, say sưa một chiều kinh tế thị trường, ít quan tâm định hướng xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng đánh đổi môi trường để có tăng trưởng kinh tế.

Trước diễn biến đó, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc trong công tác xây dựng nội bộ Đảng. Niềm tin của Nhân dân vào Đảng đã bị giảm sút trong thời gian khá dài, vừa mới được củng cố một bước qua thái độ chống tham nhũng quyết liệt của Trung ương và những đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong quá trình tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Nhân dân tin Đảng tức là đồng tình đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, đó là con đường “độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội .”

Trong cộng đồng thế giới, nước ta “muốn làm bạn với các nước,” có quan hệ tốt với các nước, có vai trò, vị trí trong cộng đồng ASEAN và Liên hiệp quốc; đồng thời Việt Nam khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và có đủ quyết tâm, sức mạnh để bảo vệ đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hệ thống ngắn gọn quá trình cách mạng nước ta dẫn tới con đường “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội,” nêu lên những khát vọng của nhân dân ta, phân tích rất khoa học, logic những vấn đề lý luận cơ bản của Chủ nghĩa Marx-Lenin về chủ nghĩa tư bản và về thực tiễn sinh động “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam.

Trên cơ sở làm rõ những mặt tích cực và tiêu cực của chủ nghĩa tư bản, chứng minh xu thế phát triển của lịch sử đi lên chủ nghĩa xã hội và xác định nước ta nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài mà “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ” của Việt Nam hiện nay là một bước quá độ trong thời kỳ quá độ lâu dài đó.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giải đáp câu hỏi “Chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào” một cách thuyết phục, dễ hiểu, dễ chấp nhận.

- Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhấn mạnh đến thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tiên phong, khởi xướng và thực hiện thành công nhiều phong trào đổi mới, sáng tạo, vì cả nước và cùng cả nước phát triển bền vững. Vậy ông đánh giá thế nào thành tựu của Thành phố Hồ Chí Minh sau 35 đổi mới (1986-2021)?

Ông Phạm Chánh Trực: Tròn 35 năm qua từ khi thực hiện đường lối đổi mới (năm 1986), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Trung ương và của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố qua các thế hệ đã làm nên nhiều thành tựu đáng tự hào. Trong số đó, thành tựu lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh trong 35 năm qua là chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Điều này thể hiện trên một số nội dung như chủ trương khuyến khích mọi thành phần kinh tế bung ra sản xuất kinh doanh, làm cho hàng hóa dồi dào trở lại, chấm dứt lạm phát phi mã trước đó; chuyển từ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch Nhà nước sang cơ chế thị trường, các doanh nghiệp hoạt động theo quy luật thị trường, hàng hóa lưu thông tự do, không còn ngăn sông cấm chợ; mở cửa với thị trường nước ngoài, khuyến khích thu hút đầu tư hợp tác quốc tế, Nhà nước không còn độc quyền ngoại thương.

tphcm voi nhung dong gop trong xay dung nen kinh te thi truong xhcn
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đã đi đầu "xé rào," "bung ra" để góp phần làm thay đổi đường lối phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cơ chế mới, cùng cả nước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, tăng trưởng kinh tế của thành phố khá ổn định với tốc độ thường cao gấp 1,5 lần bình quân cả nước, đóng góp 22% trong tổng GDP và 28% ngân sách cả nước.

GRDP bình quân đầu người ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 đạt khoảng 7.000 USD, gấp 2 lần bình quân cả nước. Bên cạnh đó là những thành tựu về văn hóa, xã hội như hoạt động xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, mô hình Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, phong trào Thanh niên xung phong, phong trào tình nguyện xã hội, cứu trợ từ thiện…

- Xin ông cho biết bài học rút ra từ những thành tựu kể trên?

Ông Phạm Chánh Trực: Bài học lớn đầu tiên là đổi mới tư duy. Sau giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh là tiêu điểm của mọi thay đổi, từ chiến tranh sang hòa bình, từ chia cắt phân ly sang thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc, nhưng trước mắt là nạn đói và nạn thất nghiệp đe dọa thành phố hằng ngày.

Cơ chế nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp đang làm suy kiệt đất nước sau chiến tranh. Trong khi đó, cuộc cấm vận bao vây kinh tế càng làm cho nhân dân ta thêm điêu đứng, sản xuất kinh doanh đình đốn, công nhân lao động thất nghiệp tràn lan, gạo và thực phẩm thiếu hụt mặc dù Thành phố nằm trên vựa lúa Nam bộ.

Trước thực tiễn đó, lãnh đạo Thành phố mà tiên phong là các đồng chí Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh đã "xé rào," "bung ra," vượt qua rào cản quy định luật pháp tháo gỡ cho sản xuất lưu thông bằng kế hoạch B, C... Từ đó, ánh sáng "đổi mới tư duy" lan tỏa trong toàn Đảng, toàn dân, chuyển thành quan điểm tư tưởng trong đường lối chiến lược của Đảng ta. Cũng như thế, suốt 35 năm qua, Thành phố đã không ngừng đề ra sáng kiến, không ngừng tổ chức hoạt động, tổ chức phong trào, tổ chức lực lượng, tổ chức chỉ đạo thực hiện.

Quần chúng nhân dân là nhân tố quyết định sự nghiệp cách mạng thành công, đúng như quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” của Đảng ta. Nhân dân thành phố Sài Gòn-Gia Định trước đây và Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay luôn một lòng đi theo Đảng, đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Thành phố với tinh thần “Vì cả nước, cùng cả nước.”

Các thế hệ lãnh đạo trước đây của Thành phố dù có đúng, có sai, nhưng luôn hết lòng vì nước vì dân, thể hiện sáng ngời lời dạy của Bác Hồ "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư," “người lãnh đạo là đầy tớ trung thành của nhân dân.”

Thế hệ lãnh đạo Thành phố hôm nay có thể thể hiện những phẩm chất và năng lực lãnh đạo như các thế hệ đi trước nếu xác định “kiên định, kiên trì Chủ nghĩa Marx-Lenin-Tư tưởng Hồ Chí Minh” và hết lòng thương dân, yêu nước.

- Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hiện nay Thành phố có những thuận lợi cũng như đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?

Ông Phạm Chánh Trực: Thành phố Hồ Chí Minh có mối quan hệ hữu cơ và giữ vai trò trung tâm công nghiệp, khoa học công nghệ, lưu thông phân phối đầu ra cho nông nghiệp, cũng như làm trung tâm đầu mối kinh doanh nông sản thực phẩm trong nước và xuất khẩu cho vùng Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống giao thông vận tải đang còn nhiều bất cập trên toàn Vùng, gây chậm trễ, ách tắc cục bộ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế-xã hội. Đây là điểm yếu cơ bản cần sớm khắc phục bằng các dự án trọng điểm cấp bách nhằm kết nối giao thông liên vùng.

Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế lớn là đông dân, thị trường lớn cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, giai cấp công nhân có truyền thống lâu đời, là nơi tập trung lực lượng trí thức khoa học công nghệ và khoa học xã hội, được đào tạo từ nhiều nguồn và có đẳng cấp quốc tế.

Nhưng mặt khác, mật độ dân cư dày đặc đang đặt ra nhiều yêu cầu cơ bản và cấp bách cần phải giải quyết về việc làm, nhà ở, y tế, học hành, giao thông, diện mạo đô thị. Cùng với đó là biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ngập lụt…

- Vậy đâu là giải pháp để vượt qua các thách thức này, thưa ông?

Ông Phạm Chánh Trực: Để tháo gỡ được điểm nghẽn, thách thức nói trên, trước hết Nhà nước cần đầu tư phát triển liên kết hạ tầng giao thông vận tải cho Vùng, mà trọng tâm là xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, hiện đại từ Thành phố Hồ Chí Minh về Đồng bằng sông Cửu long và đi miền Trung.

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng là vấn đề lớn và lâu dài của Thành phố Hồ Chí Minh vì thế cần có kế hoạch toàn diện, liên ngành mà trước tiên cần nghiêm cấm san lấp ao, hồ, sông, rạch tự phát, khai thác cát, bùn lắng sông ngòi và biển, khai thác nước ngầm; cần khơi thông dòng chảy, cống rãnh, nghiên cứu mở thêm dòng chảy, thoát nước, xây dựng hồ điều tiết, hồ chứa nước và trả lại nguyên trạng các dòng sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè.

Nước ta đã nhanh chóng tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vì thế cần có chủ trương, chính sách, quy định pháp lý để định hướng, khuyến khích, hỗ trợ nhân dân, nhất là giới trí thức khoa học, các doanh nghiệp tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, có thể hướng đến một số ngành, lĩnh vực chọn lọc mà doanh nghiệp trong nước có khả năng tham gia hoặc xây dựng mới doanh nghiệp 4.0, tập trung vào một số lĩnh vực như kinh tế tri thức và kinh tế số, kinh tế dựa trên công nghệ sinh học, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Sau 35 năm đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã có bước phát triển nhanh hơn so mức trung bình của cả nước, song nhìn chung vẫn chưa theo kịp đà tăng trưởng của các thành phố trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á.

Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình đổi mới cả bề rộng và chiều sâu, phát huy cao độ sức sản xuất của mọi thành phần kinh tế, huy động mọi nguồn lực quốc gia và phân bổ mọi nguồn lực công bằng, dân chủ, nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, vì cả nước, cùng cả nước.

-Trân trọng cảm ơn ông!.

Theo TTXVN/Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load