Thứ ba 10/12/2024 22:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

TP.HCM và tỉnh Hyogo của Nhật Bản thúc đẩy hợp tác kinh tế đa ngành

22:47 | 12/04/2017

Phóng viên TTXVN đưa tin từ Nhật Bản cho biết, tiếp tục chuyến thăm làm việc tại Nhật Bản, chiều 12/4 tại tỉnh Hyogo, Đoàn đại biểu cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng dẫn đầu, đã có buổi tiếp Thống đốc tỉnh Hyogo, ông Toshizo Ido, nhằm trao đổi tăng cường hơn nữa quan hệ với các địa phương kết nghĩa ở Nhật Bản, trong đó có tỉnh Hyogo.


Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh dự Hội nghị “Thúc đẩy hợp tác kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Hyogo”. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Theo ông Đinh La Thăng, tham gia cùng Đoàn có các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và du lịch. Do vậy, doanh nghiệp hai bên có thể trao đổi để tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Với lợi thế của hai địa phương về công nghiệp và cảng biển, Hyogo và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng trong tương lai. Ông Đinh La Thăng cũng bày tỏ mong muốn, hoạt động xúc tiến kinh tế, đầu tư giữa hai địa phương sẽ diễn ra thường xuyên hơn.

Ông cũng hy vọng, bên cạnh vai trò người đứng đầu tỉnh Hyogo, đồng thời là Chủ tịch Liên hiệp chính quyền vùng Kansai, Thống đốc Toshizo Ido sẽ giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác ở nhiều lĩnh vực, không chỉ giữa hai địa phương mà còn giữa vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ của Việt Nam và vùng Kansai của Nhật Bản.

Về phần mình, Thống đốc Toshizo Ido nhấn mạnh, tỉnh Hyogo và Thành phố Hồ Chí Minh đã có quan hệ thân tình thời gian qua và đây là nền móng cho sự phát triển quan hệ giữa hai địa phương.

Ông hoan nghênh việc lần đầu tiên diễn ra hội nghị thúc đẩy quan hệ kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh-Hyogo, bày tỏ mong muốn trong tương lai sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ tương tự để thắt chặt và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai địa phương.

Với vai trò là Chủ tịch Liên hiệp chính quyền vùng Kansai, ông Toshizo Ido cho biết đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa vùng Kansai và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, đồng thời mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh, với vai trò đầu tàu kinh tế của Việt Nam, sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai vùng này.

Ngay sau buổi tiếp, ông Đinh La Thăng và ông Toshizo Ido cùng tham dự Hội nghị “Thúc đẩy hợp tác kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Hyogo.”

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng khẳng định, để tăng sức cạnh tranh cũng như đưa Thành phố Hồ Chí Minh bắt kịp với tốc độ phát triển chung của thế giới, bên cạnh nội lực, cần phải kêu gọi hợp tác, đầu tư nước ngoài vào các ngành mà thành phố đang có nhu cầu như sản xuất công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao.

Đây cũng là những lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Hyogo. Tuy nhiên, hiện Hyogo mới có 22 doanh nghiệp đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh, vì vậy thành phố kêu gọi và hoan nghênh các doanh nghiệp Hyogo tới đầu tư, hợp tác nhiều hơn nữa.

Theo ông Đinh La Thăng, một môi trường đầu tư tốt nhất đối với các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ dừng lại ở các ưu đãi, chính sách hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mà trên hết là sự đồng hành và luôn hỗ trợ kịp thời khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Thành phố Hồ Chí Minh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại thành phố.

Trong khi đó, ông Toshizo Ido cho rằng, thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của châu Á, trong đó Đông Nam Á đang là khu vực phát triển năng động và Việt Nam là tâm điểm với nguồn nhân lực trẻ dồi dào, nền chính trị ổn định, an toàn. Đây là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo ông Toshizo Ido, hiện có khoảng hơn 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn tại Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp ở Hyogo. Các hoạt động giao lưu kinh tế, du lịch, văn hóa đã thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Hyogo. Ông cho rằng, hội nghị lần này sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai địa phương nói chung và giữa các doanh nghiệp hai bên nói riêng.

Tại hội nghị, hai bên đã trao đổi thông tin về tình hình kinh tế và chính sách khuyến khích đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh, chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh Hyogo; chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015​-2020 và một số dự án tiêu biểu kêu gọi đầu tư của thành phố...

Bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài các chính sách chung của Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo thêm quỹ đất, chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư lựa chọn thành phố là điểm đến. Hiện thành phố đang phát triển Khu kỹ nghệ Việt-Nhật với diện tích 13ha, dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Nhật Bản hiện đứng thứ 4 về tổng vốn đầu tư cấp mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đạt 3,54 tỷ USD với 1.001 dự án. Các nhà đầu tư Nhật Bản tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 60,74%); buôn bán, bán lẻ (chiếm 19,45%); các lĩnh vực liên quan khoa học và công nghệ (5,62%).

Tối cùng ngày, chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” diễn ra tại Nhà hát Shinkobe Oriental (tỉnh Hyogo), với sự tham gia của hơn 40 văn nghệ sỹ Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai địa phương.

Theo (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • HĐND tỉnh Quảng Ngãi thông qua các Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2025

    (Xây dựng) - Bước vào ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 29 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024), HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã xem xét, đánh giá và quyết định thông qua nhiều Nghị quyết liên quan đến kế hoạch đầu tư công năm 2025.

  • Năm 2025 Vũng Tàu sẽ “cán đích”

    (Xây dựng) - Tại Hội nghị tổng kết kinh tế - xã hội năm 2024 của thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), diễn ra vào ngày 10/12, ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu, nhấn mạnh năm 2025 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Với mục tiêu đột phá và hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo thành phố Vũng Tàu đã đề ra 11 nhiệm vụ chủ chốt để hướng đến sự phát triển bền vững.

  • Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 12%

    (Xây dựng) – Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt tối thiểu 12%, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 57.330 tỷ đồng.

  • Vĩnh Phúc: Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 30.468 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 96% so với dự toán

    (Xây dựng) – Ngày 10/12, dưới sự chủ tọa của các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Quang Tiến và Phạm Quang Nguyên, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 19 nhằm kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

  • Kỳ vọng làn sóng đầu tư mới vào Dung Quất

    (Xây dựng) – Sau hơn 27 năm hình thành và phát triển, Khu kinh tế Dung Quất ở Quảng Ngãi đã nộp ngân sách về Trung ương khoảng 175 nghìn tỉ đồng, được ví như “con gà đẻ trứng vàng”, chiếm 80-90% tổng nguồn thu ngân sách hàng năm của tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây hiện là “nhà” của nhiều nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực, như: Lọc hoá dầu, Thép, Giấy và công nghiệp nặng. Dung Quất hiện đang trở mình thu hút thêm các nhà đầu tư mới về làm ăn.

  • Bí quyết nào tạo nên sức hút FDI mạnh mẽ cho Bắc Ninh

    (Xây dựng) - Trong 11 tháng qua, Bắc Ninh đã khẳng định vị thế "thỏi nam châm" thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi dẫn đầu cả nước với tổng vốn đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Đây là số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load