Trong năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp giữa các bên, xúc tiến thương mại, đầu tư.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN. |
Chiều 21/7, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội nghị công bố Kế hoạch Triển khai Thỏa thuận Hợp tác Phát triển Kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 và giai đoạn 2024-2025.
Việc triển khai thỏa thuận hợp tác nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau, thúc đẩy hợp tác công-tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên.
Thỏa thuận hợp tác còn tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng.
Thỏa thuận hợp tác tạo điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Cụ thể, trong năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương; chương trình kết nối cung-cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư-thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong năm 2024-2025, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung thực hiện 5 lĩnh vực gồm: phát triển hạ tầng giao thông như: triển khai dự án mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận; phối hợp Bộ Giao thông Vận tải triển khai dự án đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ; nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường kết nối đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng bằng sông Cửu Long.
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long hợp tác trong phát triển du lịch như triển khai Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn năm 2021-2025; tổ chức các diễn đàn liên kết phát triển du lịch, các chương trình du lịch liên kết, hội nghị quảng bá sản phẩm du lịch kết nối; xây dựng và công bố trang thông tin điện tử về du lịch, triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Cùng với đó, hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu như trao đổi kinh nghiệm, giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thiên tai; hội thảo hợp tác quốc tế về giải pháp canh tác mới, giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu và các giải pháp chống ngập, thích ứng biến đổi khí hậu.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN) |
Đề xuất các dự án bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các vùng đất ngập nước quan trọng; hình thành hành lang đa dạng sinh học kết nối Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau-sân chim Đầm Dơi-Thạnh Phú-Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ; hình thành trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc.
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long hợp tác trong phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số như: xây dựng đề án khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng phục vụ hoạt động điều phối vùng; hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); xây dựng Quy chế phối hợp trong các hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động như: triển khai đề án hợp tác chuyển giao kinh nghiệm khám chữa bệnh, điều trị chuyên sâu, hội chẩn từ xa, nâng cao năng lực y tế cơ sở; triển khai đề án kết nối các trường đại học, các viện, các trung tâm; đào tạo nhân lực cho vùng; thực hiện chương trình kết nối, chia sẻ thông tin, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hội nghị sẽ thống nhất phối hợp trên bình diện Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với cấp độ chính và bao trùm trên cơ sở dựa vào Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vì thành phố Cần Thơ là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN) |
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có các nội dung phối hợp trực tiếp và song phương với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như là một phần cụ thể chi tiết hơn. Các nội dung trong Kế hoạch thỏa thuận hợp tác chỉ là cái khung mở để các địa phương có thể trao, đổi thảo luận và mở rộng cho phù hợp.
Về phương thức phối hợp hoạt động, các bên đã thành lập được Ban điều phối. Các hợp tác song phương giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long góp phần thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị cho thành phố Cần Thơ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các sở ngành của Thành phố Hồ Chí Minh được giao phối hợp sát sao với các sở của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm khai thác tối đa cơ hội để phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, để đạt được những mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đã đề ra, vai trò liên kết vùng trở nên đặc biệt quan trọng; trong đó, thành phố Cần Thơ cũng như các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long xác định việc hợp tác phát triển với Thành phố Hồ Chí Minh là hướng đi cơ bản, đúng đắn, tạo động lực, sức bật mạnh mẽ thúc đẩy phát triển, cũng như mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư và giữa các địa phương trong vùng với Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau hội nghị này, thành phố Cần Thơ sẽ chỉ đạo các đơn vị tích cực chủ động kết nối cùng các đơn vị của Thành phố Hồ Chí Minh cụ thể hóa các nội dung làm cơ sở để ký kết bổ sung các nội dung cần hợp tác trong thời gian tới.
Với tinh thần cầu tiến, ông Trần Việt Cường mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ phía Thành phố Hồ Chí Minh để tạo điều kiện cho thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới với nhiều lĩnh vực được mở rộng hơn nữa để cùng phát triển bền vững...
Cũng trong ngày 21/7, tại thành phố Cần Thơ, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các sở ngành địa phương các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức chuỗi các sự kiện bên lề như: Hội nghị ký kết Thỏa thuận hợp tác ngành y tế của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2023-2025; Hội nghị Kết nối Giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Cần Thơ; chương trình tọa đàm về Dự án đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ./.
Theo Ngọc Thiện (TTXVN/Vietnam+)