Ông Trần Hoàng Ngân cho biết TP.HCM đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 25% GDRP năm 2025 và 40% vào năm 2030. Đây sẽ là đầu tàu về kinh tế số của cả nước.
Phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM trong 5 năm tới. Thành phố có chủ trương phát triển các ngành công nghệ cao thay vì các ngành công nghiệp truyền thống, thâm dụng lao động như trước kia.
Dự kiến, kinh tế số sẽ chiếm 40% GRDP của TP.HCM sau 10 năm nữa và dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực này.
Zing có cuộc phỏng vấn TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ông Ngân là một trong những thành viên tham gia xây dựng chiến lược phát triển của TP.HCM trong những năm tới.
Phát triển sản xuất trên nền tảng khoa học, công nghệ
- Trong nhiệm kỳ tới, TP.HCM có nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt là tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này sẽ được hiện thực hóa trong dự thảo báo cáo chính trị như thế nào, thưa ông?
- Thành phố xác định chủ đề đại hội năm nay là: “Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tận dụng thời cơ cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng cường hội nhập quốc tế; đảm bảo quốc phòng - an ninh; phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Như vậy, chủ đề lần này đã nhấn mạnh 2 nội dung là đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ. Ngoài ra, TP cũng vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó là những nội dung có mục tiêu rất cụ thể, có phương hướng phát triển trong giai đoạn tới.
Trong phương hướng giai đoạn tới, báo cáo chính trị cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong 5 năm tới, TP.HCM cũng phấn đấu đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500-9.000 USD/năm.
Đến năm 2030, mục tiêu là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000-14.000 USD. Là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045 xác định TP.HCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 40.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
TP.HCM cũng đưa ra các chỉ tiêu về kinh tế số trong báo cáo chính trị trình đại hội, mục tiêu làm sao để kinh tế số chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của TP.HCM. Kinh tế số dự kiến chiếm 25% GDRP năm 2025, chiếm 40% vào năm 2030.
Như vậy, TP.HCM kiên định mục tiêu triển khai nhanh việc ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nền sản xuất của thành phố trên nền tảng khoa học, công nghệ, chứ không phải phát triển trên nền tảng thâm dụng lao động nữa.
Bước đi hiện thực hóa mục tiêu
- Với mục tiêu lớn như vậy, TP.HCM sẽ hiện thực hóa như thế nào?
- Để thực hiện mục tiêu này, TP.HCM đã xác định một số bước đi, đó là thực hiện một số chương trình, đề án cụ thể. Trong đó có chương trình lớn như đề án chính quyền đô thị đang xin ý kiến Quốc hội, hay đề án thành lập thành phố Thủ Đức, là điểm nhấn thể hiện mục tiêu về khoa học công nghệ.
Với thành phố Thủ Đức, đó là đô thị sáng tạo, phát triển trên nền tảng công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao ở Đại học Quốc gia TP.HCM. Tại Thủ Thiêm, dịch vụ tài chính hiện đại và khu đô thị mới sẽ được phát triển.
TP.HCM sẽ chú trọng phát triển đô thị số, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thành phố cũng hình thành thêm những trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghệ sinh thái. Trong khi đó, ngành nông nghiệp được xác định chỉ chiếm 0,8% GRDP nhưng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, phục vụ cho phát triển.
Chương trình chuyển đổi số cũng đang được đẩy mạnh, trong đó có xã hội số, chính quyền số, kinh tế số. Khi 3 yếu tố này phát triển sẽ giúp giải quyết bài toán cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng đô thị thông minh, lúc đó cũng sẽ thu hút vốn khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài.
- Tỷ trọng dịch vụ của TP.HCM luôn chiếm rất cao trong GRDP, tuy nhiên, sắp tới có phải là lúc cơ cấu lại, với định hướng phát triển các dịch vụ tiên tiến?
- Dịch vụ của TP.HCM vốn dĩ là một ngành mũi nhọn, chiếm trọng số 62% GRDP. Tới đây, các dịch vụ sẽ đi theo hướng dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Ví dụ như dịch vụ tài chính - ngân hàng thì fintech sẽ được chú trọng phát triển. Các dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics, giáo dục, ứng dụng giáo dục từ xa, y tế thông minh… cũng sẽ được quan tâm.
Thành phố cũng phát triển các dịch vụ khoa học, công nghệ. Nghĩa là sẽ chuẩn bị đầu tư các viện công nghệ tiên tiến, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, xây dựng để phục vụ chuyển đổi số, phát triển Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Bài toán hạ tầng
- Hạ tầng - vốn là điểm nghẽn khá lớn của TP.HCM - sẽ được giải quyết ra sao trong nhiệm kỳ tới?
- Đúng là hạ tầng của thành phố, so với tốc độ gia tăng dân số, vẫn là điểm nghẽn. Thành phố sẽ tiếp tục xây dựng đề án phát triển hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, theo hướng đô thị thông minh. Trong năm nay sẽ vận hành metro số 1 và triển khai tuyến metro 2, 3, 4, 5 trong các năm sau.
Hạ tầng tại các trục giao lộ, ngã tư, các nút giao quan trọng như Cái Lái, Phú Hữu, An Sương… tuyến kết nối với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Tây Ninh… trục giao thông cửa ngõ sẽ được quan tâm đẩy nhanh.
Hạ tầng giao thông sẽ là một trong những vấn đề được chú trọng trong 5 năm tới. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tuy nhiên, cuối cùng vẫn là bài toán về ngân sách. Bên cạnh vấn đề xã hội hóa thì vẫn cần nguồn lực từ ngân sách. Phải có vốn mồi từ ngân sách Nhà nước nhưng nguồn lực này trong thời gian vừa qua bị suy giảm do tỷ lệ giữ lại ngân sách của TP.HCM giảm từ 33% xuống chỉ còn 18% lúc hiện tại, do đó thiếu nguồn lực.
Theo tôi, phải có sự thay đổi về nguồn lực. TP.HCM đã làm tròn vai trò vì cả nước, nhưng nếu không có sự đầu trở lại thì đầu tàu này đã đuối dần. Thống kê 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GRDP của TP.HCM chỉ đạt khoảng 0,77%, trong khi cả nước là 2,12%. Như vậy, đầu tàu đang đuối dần, ảnh hưởng đến nguồn thu chung của cả thành phố và cả nước.
Do đó, việc đầu tư cho TP.HCM phải được xem xét và hỗ trợ. Lúc đó, thành phố sẽ đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Theo Hiếu Công/Zing.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/tphcm-se-dan-dau-ve-kinh-te-so-post1141861.html