Thứ sáu 26/04/2024 05:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

TPHCM: Nhiều công trình cầu, đường hoàn thành trước Tết Nguyên Đán 2022

10:39 | 30/11/2021

Dự án nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh, cầu Hang Ngoài, nhánh cầu Bưng, cải tạo đường và kênh Nước Đen, cầu vượt ở bến xe Miền Đông mới sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022 giúp giảm kẹt xe, ngập úng nhiều khu vực ở TPHCM.

tphcm nhieu cong trinh cau duong hoan thanh truoc tet nguyen dan 2022
Công trường nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn, TPHCM (ảnh chụp chiều 29.11). Ảnh: MINH QUÂN

Loạt công trình sắp về đích

Ngày 29.11, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM - cho biết, nhánh 1 của cầu Bưng trên đường Lê Trọng Tấn (tiếp giáp giữa quận Tân Phú và Bình Tân) dự kiến được thông xe ngày 5.12 tới. Khởi công năm 2017, dự án xây cầu Bưng có tổng mức đầu tư 514 tỉ đồng. Công trình dài 560m, trong đó cầu dài 212m, rộng 21-24m. Kế hoạch ban đầu, cầu Bưng hoàn thành sau 20 tháng thi công, nhưng vướng mặt bằng, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến công trình trễ hẹn. Từ đầu tháng 10 năm nay, công trình được khởi động lại và đẩy nhanh tiến độ thi công, đến nay đã hoàn thành nhánh 1 để đưa vào phục vụ người dân.

Theo ông Phúc, việc hoàn thành nhánh 1 cầu Bưng có ý nghĩa rất lớn bởi đây là công trình đầu tiên hoàn thành sau thời gian TPHCM khôi phục các hoạt động sau giãn cách xã hội, mang lại tín hiệu vui cho người dân thành phố. Nhánh còn lại dự kiến thông xe vào dịp 30.4 năm sau. Dự án cầu Bưng khi hoàn thành giúp xóa “thắt cổ chai” trên đường Lê Trọng Tấn, góp phần chia tải cho đường Trường Chinh - trục chính cửa ngõ phía Tây Bắc ra vào trung tâm thành phố.

Tương tự, dự án sửa chữa, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9 - huyện Hóc Môn), vốn đầu tư gần 700 tỉ đồng cũng dự kiến hoàn thành trước Tết. Thi công từ năm 2018, công trình cải tạo đoạn dài 5,2km, mở rộng lên 30m. Đường Đặng Thúc Vịnh là một trong trục kết nối TPHCM qua Bình Dương, Long An. Trước đó bề rộng chừng 7-8m không đáp ứng nhu cầu đi lại, vì vậy khi dự án nâng cấp hoàn thành góp phần tạo thuận lợi hơn cho xe chạy; giảm ngập nước, ô nhiễm trên tuyến.

Cầu Hang Ngoài xây trên trục đường Nguyễn Văn Nghi - Lê Quang Định (quận Gò Vấp). Khởi công hồi tháng 9 năm ngoái với vốn đầu tư 404 tỉ đồng, công trình dài 650m, trong đó phần cầu dài 25m, rộng 22,5m chia làm hai nhánh. Hiện, một nhánh đã hoàn thành, nhánh còn lại dự kiến khai thác vào cuối năm nay.

Dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (quận Bình Tân) chiều dài 1,4km, rộng 40m tính cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh. Khởi công hồi quý I/2020, công trình có tổng vốn đầu tư 629 tỉ đồng hoàn thành cuối năm nay giúp việc đi lại được thông thoáng hơn và cải thiện môi trường cho khu vực.

Tại thành phố Thủ Đức, dự án xây dựng cầu vượt, hầm chui trước Bến xe miền Đông mới cũng sắp hoàn thành và đưa vào khai thác. Dự án có tổng mức đầu tư gần 440 tỉ đồng, giúp giảm giao cắt các hướng ra vào Bến xe miền Đông mới.

Giải quyết điểm nghẽn giải phóng mặt bằng

Theo ông Lương Minh Phúc, đến nay Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM đã cho thi công trở lại 45 gói thầu thuộc 27 dự án, với lượng công nhân, kỹ sư hơn 1.000 người.

Để các dự án về đích theo tiến độ đề ra, chủ đầu tư đặt ra nhiều giải pháp nhằm thúc tiến độ như tiếp tục phối hợp tỉnh, thành đưa lao động các tỉnh về TPHCM, tiêm vaccine cho công nhân, phối hợp các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, duy trì họp giao bàn 2 tuần/lần với lãnh đạo thành phố. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nảy sinh. “5 dự án hoàn và đưa vào khai thác cuối trước Tết Nguyên đán năm nay đều là những công trình dân sinh trọng điểm, góp phần tăng năng lực giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho người dân trong khu vực” - ông Phúc nói.

Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, ngoài giải pháp huy động lao động, Sở đã cùng các chủ đầu tư, chính quyền địa phương tập trung giải quyết vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thành các dự án cũ và khởi công các dự án mới.

Theo ông Bằng, thời gian qua có nhiều công trình thi công bị chậm trễ, kéo dài nhiều năm không chỉ gây lãng phí mà còn gây bức xúc trong dư luận. Hầu hết các công trình chậm trễ đều do vướng mặt bằng thi công. Nhiều dự án thi công hoàn thành 95%, thậm chí 99% khối lượng nhưng chỉ vì vướng một, hai hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng mà công trình không thể hoàn tất và đưa vào sử dụng.

“Rõ ràng, khâu giải phóng mặt bằng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng quyết định dự án triển khai có đúng tiến độ hay không. Thời gian tới, cần hạn chế tình trạng dự án vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng. Thay vào đó, dự án nào có mặt bằng sạch mới triển khai thực hiện nhằm chấm dứt tình trạng dự án dây dưa, kéo dài như vừa qua” - ông Bằng nói.

Theo Minh Quân/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load