Trên địa bàn TPHCM hiện có hàng loạt cao ốc được rao bán vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, rất khó mới tìm được người mua… trong thời điểm này.
Bị ngân hàng thanh lý
Tòa nhà của Trường Kỹ thuật Tin học Sài Gòn (Saigon Tech) đang bị Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) rao bán đấu giá quyền sử dụng đất tại lô số 14, Công viên Phần mềm Quang Trung (quận 12, TPHCM). Tòa nhà được xây dựng vào năm 2006, có vốn đầu tư 20 triệu USD và có hạn sử dụng đất đến năm 2056. SCB đã đưa ra giá khởi điểm là 191 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 27/8, SCB cũng tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án khu cao ốc căn hộ và biệt thự cao cấp tại địa chỉ 1323 Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, quận 7. Giá đấu khởi điểm là 2.350 tỷ đồng. Trong đó, giá trị quyền sử dụng đất là 1.980 tỷ đồng còn giá trị công trình xây dựng là 370 tỷ đồng.
Dự án này có tên thương mại là BMC Hưng Long, do Công ty BMC làm chủ đầu tư. Dự án gồm 2 phân khu với tổng cộng 5 tháp cao 22-25 tầng. Tổng diện tích đất là 2 ha, diện tích sàn xây dựng hơn 110.000 m2.
Dự án này được khởi công vào năm 2011, thế nhưng đến nay 5 tháp chung cư vẫn trong giai đoạn hoàn thành. Đối với 5 căn biệt thự có tổng diện tích sàn 1.300m2 trong khuôn viên dự án đã xây dựng hoàn chỉnh.
Ngày 1/9, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất là Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Crystal Palace tại Lô C17-1-2, phường Tân Phú, quận 7, TPHCM với giá khởi điểm 356 tỷ đồng.
Khu đất này rộng 2.675m2, thời hạn sử dụng đến năm 2058. Công trình Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Crystal Palace gồm 2 tầng hầm, 8 tầng nổi và sân thượng với diện tích sàn xây dựng tổng cộng hơn 15.700m2.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty Tài Nguyên |
Tương tự, BIDV cũng thông báo sẽ đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong thương lại thuộc dự án Kenton (huyện Nhà Bè, TPHCM) của Công ty TNHH XD-SX-TM Tài Nguyên để giải quyết nợ gốc, lãi phát sinh tạm tính đến tháng 3/2020 hơn 4.063 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đang rao bán tài sản thế chấp lớn tại Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TPHCM) để xử lý, thu hồi nợ. Tuy nhiên, bất động sản này thuộc đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nên việc bán đấu giá đang tạm dừng theo yêu cầu của UBND thành phố nhằm tiến hành rà soát các vấn đề pháp lý theo quy định.
Ngoài các cao ốc, tòa nhà được rao bán, thời gian qua các “bank” cũng thường xuyên phát mại tài sản là các căn hộ chung cư từ diện tích nhỏ cho đến lớn hoặc các bãi xe ô tô, xưởng may… để giải quyết nợ xấu, thu hồi nợ.
Nhọc nhằn tìm người mua
Dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc trả nợ ngân hàng, buộc các “bank” phải rao bán tài sản thế chấp.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên tới 2,27 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ toàn hệ thống và tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Qua tìm hiểu, dù được các ngân hàng mang ra phát mại nhưng nhiều cao ốc vẫn chưa tìm được chủ mới. Điển hình như dự án Kenton, sau khi được BIDV mang ra đấu giá nhưng vẫn chưa tìm được người mua.
Tương tự, cao ốc Sài Gòn One Tower (quận 1, TPHCM) được Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đưa ra bán đấu giá hơn 6 ngàn tỷ đồng. Tuy kết quả không được công bố nhưng nhiều thông tin cho rằng dự án vẫn chưa có bến đỗ mới. Hiện cao ốc này vẫn chưa hoàn thiện khiến cho bộ mặt trung tâm thành phố bị ảnh hưởng.
Dự án Kenton Node được BIDV rao bán vì chủ đầu tư nợ hơn 4.000 tỷ đồng |
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Cấn Văn Lực nhận định, trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường bất động sản đang trầm lắng thì việc bán đấu giá, phát mãi các dự án lớn quy mô hàng ngàn tỉ đồng sẽ rất khó.
Những tổ chức, cá nhân có sẵn lượng tiền lớn để mua lại các dự án này là không nhiều. Đó là chưa kể nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc đến giá cả, vị trí, khả năng phát triển... có đáng để họ rót tiền mua lại hay không.
Theo một số chuyên gia, vấn đề xử lý nợ xấu, rao bán các cao ốc hiện nay của ngân hàng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước đây, các ngân hàng đã quá kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ còn tăng giá nên kéo dài tiến độ rao bán. Nhưng hiện nay thị trường đang gặp khó khăn, nợ càng để lâu sẽ dẫn đến gia tăng nợ xấu.
Trong khi đó, đề án Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã cận kề nên buộc nhiều ngân hàng phải đẩy nhanh rao bán các tòa nhà, cao ốc…
Theo Quế Sơn/Dantri.com.vn