Đó là ý kiến của tiến sĩ Trần Du Lịch tại Hội thảo khoa học Quốc gia chủ đề "Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam" mới diễn ra ở TP.HCM.
Tiến sĩ Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo do Đại học Kinh tế TP.HCM chủ trì (Ảnh: Đại Việt). |
Tại hội thảo, ông Trần Du Lịch cho biết, Việt Nam đang còn "bối rối" với những sản phẩm công nghệ tài chính mới như Fintech, công nghệ số…
Theo kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia sẽ chọn một thành phố để làm "trung tâm thí nghiệm". Những sản phẩm mới, hiện đại trên thế giới sẽ được đưa về thành phố đó để thử nghiệm. Chính vì vậy, những thành phố này luôn hấp dẫn nhà đầu tư, điển hình như thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).
"Xu hướng thị trường tài chính trong nước và quốc tế muốn phát triển được hay không là tùy thuộc năng lực hấp thụ, áp dụng và triển khai sáng tạo về số hóa nền kinh tế", ông Lịch nói.
Theo ông Lịch, nếu bàn về chính sách tài chính quốc gia, tồn tại lớn nhất của thị trường tài chính Việt Nam chính là thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Hiện nay, nền kinh tế chủ yếu tạo vốn dựa vào các ngân hàng. Ngân hàng thương mại cung cấp vốn cho nền kinh tế chứ không phải là cung cấp trên thị trường vốn.
"Nghe những con số về thị trường vốn có vẻ rất sướng nhưng thực chất thị trường vốn cung cấp được bao nhiêu? Thị trường vốn chủ yếu là ra ngân hàng thương mại. Trước đây, tôi cũng từng nói, cày là bắt con trâu đi cày chứ không phải để con chó cày. Ngân hàng thương mại cũng là thị trường vốn ngắn hạn, còn thị trường lâu dài phải là thị trường vốn", ông Lịch chia sẻ.
Cũng theo ông Lịch, Việt Nam có vốn hóa lớn nhưng các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô thì có đến 70 - 90% cổ phần do Nhà nước nắm giữ, vốn "chết một chỗ", không có thanh khoản. Tính quy mô thì tính cho ngân hàng nhưng ngân hàng không có nhiều giao dịch. Đây chính là những tồn tại của ngành tài chính Việt Nam.
Tuy nhiên, gần đây, ngành tài chính Việt Nam cũng có những điểm đáng mừng khi đề xuất xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
TP.HCM xứng đáng là Trung tâm tài chính của Việt Nam (Ảnh: T.L). |
Theo ông Lịch, để hình thành Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM thì cần phải chia ra 3 giai đoạn.
2021 - 2025 là giai đoạn khẳng định vai trò của trung tâm tài chính quốc gia. Hiện nay, quy mô thị trường tài chính tại TP.HCM là cực lớn. Và quy mô này đang ngày càng tăng lên mạnh mẽ.
Giai đoạn thứ hai là 2026 - 2030, nâng vai trò của TP.HCM lên trung tâm tài chính khu vực. Giai đoạn 15 - 20 năm tiếp theo, tự do hóa tài sản vốn, chuyển đổi đồng tiền. Tại Văn kiện Đại hội đại biểu lần XIII, về chiến lược 10 năm của Vùng Đông Nam Bộ có nêu, thúc đẩy TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế.
Gần đây, Đà Nẵng và một số địa phương khác cũng đưa ra đồ án quy hoạch trung tâm tài chính quốc tế. Nhưng những đề xuất này chỉ là dạng trung tâm tài chính "ký sinh" kiểu như Singapore hay Hồng Kông phát triển dựa theo nền kinh tế toàn cầu và không dựa vào nền kinh tế của quốc gia đó.
"Đà Nẵng muốn làm trung tâm tài chính vì Đà Nẵng muốn tập trung phát triển các sản phẩm tài chính cho công nghệ số, không phải đi theo mô hình tài chính truyền thống. Công nghệ số thì gắn với khởi nghiệp sáng tạo, thành ra xây dựng trung tâm khởi nghiệp sáng tạo là gắn liền với công nghệ số và gắn liền với sản phẩm tài chính", ông Lịch nói.
Ông Lịch cho rằng cần cho doanh nghiệp tự do phát triển trước, sau đó mới áp các quy định quản lý vào thực tiễn, không nên chờ đợi đưa ra quy định mới cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới (Ảnh: Đại Việt). |
Cũng theo ông Lịch, muốn TP.HCM trở thành trung tâm tài chính, cần "mở đường" cho các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Khi doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới, hãy để doanh nghiệp làm trước rồi Nhà nước quản lý, giám sát song song.
Trong quá trình phát triển sản phẩm mới đó, nếu sản phẩm có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay các vấn đề khác thì mới đưa ra các quy định để dễ dàng kiểm soát, quản lý. Không nên ngồi chờ hoàn chỉnh các quy định, thể chế rồi mới cho doanh nghiệp làm. Như vậy, rất khó để có những sản phẩm đổi mới, sáng tạo và phát triển.
Ngoài ra, muốn trở thành một trung tâm tài chính quốc tế thành công thì nơi đó phải là nơi đáng sống cho các nhà đầu tư quốc tế, các chuyên gia tài chính quốc tế. Vì vậy, TP.HCM phải làm được điều này, ngoài những chính sách chung.
"Tôi nghĩ rằng, phải có chương trình hành động mạnh mẽ. Phải coi đây là chương trình của quốc gia chứ không phải là chương trình của địa phương thì mới làm được. Quan điểm của tôi là không nơi nào ở đất nước này đủ điều kiện để hình thành trung tâm tài chính như điều kiện ở TP.HCM. Nếu TP.HCM không làm được thì không có nơi nào ở Việt Nam có thể làm được", ông Lịch khẳng định.
Theo Đại Việt/Dantri.com.vn