Vụ cháu Phạm Thế Đạt (4 tuổi) rơi từ tầng 7 chung cư Lý Thường Kiệt (P.7, Q.11, TP.HCM) xuống đất tử vong một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự mất an toàn trong thiết kế lan can chung cư.
Người dì để cháu bé ở nhà một mình
Ngày 8/12, công an phường 7, quận 11, TPHCM cho biết, đã xác định được nguyên nhân vụ cháu bé rơi từ tầng 7 chung cư xuống đất tử vong. Theo đó, bé Phạm Thế Đạt trong lúc vui chơi đã trèo qua lan can rồi té xuống đất. Khi tiếp đất, nạn nhân bị tổn thương não, phổi… dẫn đến tử vong.
Hiện trường nơi cháu Đạt rơi từ tầng 7 chung cư xuống đất tử vong
Trước đó vào khoảng 8 giờ 15 sáng 7/12, người dân sống trong chung cư Lý Thường Kiệt, đường Vĩnh Viễn bàng hoàng khi phát hiện một bé trai rơi xuống đất nằm bất động. Người dân báo cho công an, đồng thời chở bé đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau 40 phút cấp cứu với mọi nỗ lực, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy xác định bé Đạt đã tử vong.
Theo cơ quan công an, bé Đạt đang ở cùng người dì ruột tại căn hộ trên tầng 7, chung cư Lý Thường Kiệt. Cha mẹ cháu Đạt đang công tác ở Mỹ, gửi cháu cho người dì này chăm sóc tạm. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, người dì đi chợ, để cháu ở một mình. Bé Đạt đã ra ngoài lan can chơi và rơi xuống đất.
Lan can nhiều chung cư vẫn thiếu an toàn
Không phải đến bây giờ báo chí mới lên tiếng cảnh báo về những tai nạn tương tự như thế này. Còn nhớ vào tháng cuối năm 2012, báo chí rộ lên nhiều tin trẻ ngã từ ban công tầng cao xuống đất tử vong như trường hợp bé H. (5 tuổi) ngã từ tầng 5 chung cư Ngô Gia Tự (quận 10, TPHCM), bé Đ. (4 tuổi) ngã từ tầng 9 ở chung cư 21 khu đô thị Pháp Vân (Hà Nội), bé L.A (4 tuổi) ngã từ tầng 15 chung cư Phú Mỹ Thuận (Nhà Bè, TPHCM), bé 4 tổi ở khu đô thị bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội)…
Hiện nay nhiều lan can chung cư vẫn thiếu an toàn
Đảo qua một số cao ốc, chúng tôi ghi nhận nỗi bất an của nhiều người dân về sự mất an toàn của các lan can chung cư tại TPHCM. Cao ốc Phúc Thịnh (đường Cao Đạt, quận 5) có lan can khá cao nhưng vẫn thiết kế các thanh sắt theo kiểu song ngang... cho trẻ trèo chơi!, rất nguy hiểm. Tương tự lan can chung cư Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, các lan can cao chưa tới 1m làm các hộ dân lo sợ vì trẻ có thể nhoài người ra ngoài. Chị Cao Thị Huệ, sống ở lô A2, lo lắng: “Nhà có ba cháu nhỏ rất hiếu động. Mỗi khi chúng bước ra chơi là ông bà hoặc ba mẹ phải thay phiên dán mắt theo dõi, chỉ sợ chúng leo trèo thì rất nguy hiểm vì lan can quá thấp”.
Nhiều lan can quá thấp trở nên nguy hiểm cho trẻ nhỏ
Trước tình trạng nguy hiểm này, người dân các cao ốc hiện đại không được tự chỉnh sửa xây dựng thì chỉ còn cách cố gắng không rời trẻ. Riêng những chung cư cũ quản lý thoáng hơn, người dân "tự xử" bằng cách thiết kế lại lan can, gắn thêm nhiều tấm lưới sắt để bảo vệ con em mình.
Nhiều gia đình tự bảo vệ con em mình bằng cách này.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều khu đô thị mới, khu nhà cao tầng hiện nay của TPHCM, độ an toàn của các loại lan can đang là dấu hỏi lớn. Hầu hết lan can tại các chung cư đều được thiết kế cao hơn 1m, nhưng thực sự không an toàn đối với những gia đình có trẻ nhỏ. Nhiều chung cư, hệ thống lan can được thiết kế phía dưới là tường xây, phía trên được gắn thêm 2 hoặc 3 thanh sắt nằm ngang, mỗi thanh cách nhau khoảng 10 cm. Với kiểu thiết kế thanh ngang, trẻ nhỏ có thể bám và trèo lên rất nguy hiểm.
Nhiều em nhỏ hiếu động trèo lên lan can rất nguy hiểm.
Ngoài ra, cũng có một số nguyên nhân chủ quan của người ở chung cư như kê giường ngủ, bàn làm việc gần cửa sổ không có chấn song bảo vệ. Đặc biệt, việc tận dụng ban công làm chỗ để máy giặt, phơi phóng hay mắc võng, kê bàn ghế ngồi hóng mát sẽ tạo thêm điều kiện cho trẻ trèo qua lan can, rất nguy hiểm. Trong số các vụ tai nạn trẻ nhỏ rơi từ nhà cao tầng xuống đất tử vong, đa số là lỗi do sự bất cẩn của các bậc phụ huynh.
Theo Dantri
Theo