Trong khi mùa mưa đang tới và triều cường diễn biến ngày càng phức tạp thì nhiều dự án chống sạt lở tại các quận, huyện ở TPHCM thi công cầm chừng và không thể hoàn thành đúng tiến độ, khiến người dân bất an.
Hàng loạt dự án chống sạt lở tiến độ ì ạch
Theo Sở GTVT TPHCM, năm 2019, thành phố có 42 vị trí nguy cơ sạt lở, trong đó phần lớn đều có các dự án kè được triển khai.
Tuy nhiên, khó khăn ở các công trình chống sạt lở vẫn là công tác giải phóng mặt bằng chậm. Tại một số vị trí có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, phải thi công công trình khẩn cấp, phương án ưu tiên được các cơ quan thực hiện là vận động, di dời người dân. Tuy vậy, có những nơi, các hộ dân đồng tình song vẫn không ít trường hợp không chịu di dời. Chưa kể hiện nay, với tình trạng lấn chiếm bờ sông, kênh rạch, trách nhiệm xử lý vi phạm liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.
Qua khảo sát trực tiếp, ven sông Sài Gòn đoạn qua các quận 2, Thủ Đức, Bình Thạnh..., nhiều nơi dù đã có những bảng cảnh báo khu vực sạt lở nhưng quanh đó, việc sinh hoạt, thậm chí kinh doanh, vẫn diễn ra bình thường. Từ cầu Bình Lợi chạy dọc về phía thượng lưu sông Sài Gòn (quận Thủ Đức), hàng trăm căn nhà, hàng quán vẫn xây dựng sát mép sông.
Nhiều căn nhà, hàng quán xây dựng sát mép sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Lợi về phía thượng lưu thuộc địa bàn quận Thủ Đức. Ảnh: Minh Quân |
Tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất hiện nay diễn ra dọc bờ sông Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Đây cũng là khu vực có nhiều gói thầu thi công bờ kè “ì ạch”, chậm tiến độ nghiêm trọng. Đơn cử, một trong những công trình cấp bách nhưng dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2 có tổng chiều dài toàn tuyến kè là 2.797 m đã hơn 5 năm vẫn chưa thể “về đích”.
Tương tự, dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (đoạn 3, từ Bình Quới, Cây Bàng, Rạch Chùa), công trình xây dựng tuyến kè 3.241 m với tổng mức đầu tư trên 300 tỉ đồng hiện vẫn còn 3 gói thầu đang mời thầu và thi công cầm chừng.
Phấp phỏng lo khi mùa mưa đến
Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư các dự án trên), các dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa chậm tiến độ thi công vì vướng mặt bằng.
Ông Phúc cho biết, Ban đang phối hợp chặt chẽ với UBND quận Bình Thạnh, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, UBND phường 27, 28 tổ chức vận động các hộ dân và tổ chức nằm trong phạm vi dự án có nguy cơ sạt lở cao sớm bàn giao mặt bằng để triển khai thi công dự án.
Chị Hoàng Thị Lành (người dân khu vực kênh Thanh Đa) thấp thỏm lo sợ vì nhà và tài sản có thể đổ ập xuống sông bất cứ lúc nào. "Cứ nghĩ lại cảnh tượng sạt lở những năm trước, tôi lại lo lắng. Chỉ mong sao dự án sớm hoàn thiện cho người dân được yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống, nhất là mùa mưa đã đến” - chị Lành nói
Theo Sở GTVT TPHCM, công tác giải phóng chậm thật nhưng không phải địa phương thiếu trách nhiệm mà do cơ chế chính sách hiện nay phải qua từng bước vận động, trình giá đền bù T1, trình lên UBND TPHCM. Nếu TPHCM đồng ý mới quay lại thỏa thuận với người dân. Trường hợp người dân không đồng ý lại phải xây dựng giá T2.
Liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM vừa đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường của các dự án kè chống sạt lở để thi công dứt điểm.
Theo Minh Quân/Laodong.vn