(Xây dựng) – Nhằm đẩy mạnh Chương trình phát triển nhà ở xã hội đạt được hiệu quả cao theo Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các Sở, ngành và UBND các quận, huyện thực hiện tốt các nội dung trong Chỉ thị này.
Là một địa bàn lớn trên cả nước, hiện TP.HCM đang cần rất nhiều nguồn cung cấp nhà ở đặc biệt đối với nhà ở xã hội.
Sở Xây dựng được giao tham mưu và trình UBND TP trong quý II/2017 về Kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2017; Kế hoạch phát triển nhà ở cho công nhân từ nay đến năm 2020.
Ngoài ra, TP cũng yêu cầu Sở này chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho thành phố các cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy các dự án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, tối ưu hóa chi phí đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm hạ thấp giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia đầu tư xây dựng phát triển nhà ở xã hội; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và Chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện thực hiện rà soát quỹ đất, hoặc điều chỉnh Quy hoạch phân khu 1/2000 để xác định cụ thể vị trí, diện tích các khu vực dự kiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (đặc biệt là nhà ở cho công nhân), đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy định; trình UBND thành phố trong quý III/2017.
Thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan tham mưu UBND TP giải quyết nhanh các vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án nhà ở xã hội.
Các đơn vị như: Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM cần phối hợp với Cục Thống kê TP và các đơn vị liên quan thực hiện điều tra định kỳ về nhu cầu nhà ở của người dân trong từng giai đoạn 5 năm; tham mưu, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thiện cơ chế chính sách về tín dụng liên quan đến nhà ở xã hội, nguồn vốn hỗ trợ cho Ngân hàng chính sách xã hội, mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở, hợp tác xã tín dụng, cũng như kế hoạch về vốn cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước để cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.
Mạnh Cường
Theo