Thứ sáu 29/03/2024 16:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

TP Thủ Đức phát triển 'nhạt nhòa', không khác gì Cần Giờ, Củ Chi

16:18 | 07/01/2022

Chuyên gia đánh giá sau một năm, TP Thủ Đức vẫn phát triển nhạt nhòa do thiếu cơ chế. Lãnh đạo thành phố thì mong được phân cấp thẩm quyền như đặc khu hoặc cấp tỉnh.

"Khi TP Thủ Đức mới ra đời có nhiều âm hưởng, nhưng sau một năm, hầu như chỉ giải quyết tinh giản biên chế, kinh tế xã hội tại chỗ chứ chưa thấy tầm vóc mới", tiến sĩ Nguyễn Thị Thiện Trí thẳng thắn đánh giá tại Hội thảo khoa học cơ chế, chính sách phát triển TP Thủ Đức ngày 7/1.

Theo nữ tiến sĩ đến từ Đại học Luật TP.HCM, với cơ chế nhỏ giọt hiện nay, TP.HCM không đủ sức bật và TP Thủ Đức vẫn "nhạt nhòa" như huyện Cần Giờ hay Củ Chi.

"Trung ương cần nhìn thấy vấn đề này và mạnh dạn đưa ra giải pháp", bà góp ý.

Nhiều khu vực đang "đô thị hóa giả tạo"

Gợi mở giải pháp, tiến sĩ Thiện Trí cho rằng trước hết phải thay đổi quan điểm lý thuyết, cụ thể là tiếp thu có chọn lọc học thuyết về phân quyền, tự quản tại địa phương và áp dụng tương thích với cơ chế, truyền thống, pháp lý của Việt Nam. Mô hình có thể không áp dụng đồng loạt mà trên quy mô nhỏ như đô thị vệ tinh để bật dậy, tạo điểm nhấn về kinh tế. Trung Quốc cũng thực hiện như vậy và có kết quả rất tốt.

Bà nhận định Thủ Đức hiện có xu hướng nhạt nhòa, để phát triển thì cần xác định rõ TP Thủ Đức là gì - thành phố vệ tinh hay chỉ là sáp nhập 3 quận lại và gọi là thành phố.

"Gọi là thành phố mới, cực tăng trưởng mới nhưng không có cơ chế thì không hợp lý", bà nói.

tp thu duc phat trien nhat nhoa khong khac gi can gio cu chi
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thiện Trí (Đại học Luật TP.HCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thu Hằng.

Chuyên gia này cũng cho rằng vấn đề đô thị liên quan mật thiết đến quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, quy hoạch hiện nay chủ quan, máy móc, thiếu liên kết giữa các vùng. Nhiều khu vực đang đô thị hóa giả tạo, tức là một lãnh thổ không có lõi của đô thị nhưng bỗng dưng trở thành "thành phố" chỉ sau một quyết định.

Nghiên cứu thẩm quyền đặc khu hoặc cấp tỉnh

Tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, gửi gắm nhiều mong muốn như: Làm sao để mô hình chính quyền đô thị tập trung, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhưng trong vận hành vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng; đủ thẩm quyền, nhân lực để ra quyết định, vận hành; có bản sắc văn hóa riêng biệt...

Bí thư Hiếu đặc biệt bày tỏ kỳ vọng vào một quy hoạch có tầm nhìn, khát vọng và được sự đồng thuận cao của người dân.

"Nhiều bản quy hoạch khi xem lại thì thấy nhiều khi là chủ quan của nhà quản lý. Quy hoạch cần có tầm nhìn, có khát vọng và tính thực tiễn, người dân được thụ hưởng. Còn đẩy người dân ra bên lề quy hoạch thì không ổn", ông nói.

Lãnh đạo Thủ Đức nhấn mạnh dù muốn làm gì mới thì đều phải có đất nên nhiệm vụ quy hoạch làm sao tận dụng được giá trị của đất đai, tạo giá trị gia tăng. Ông lấy ví dụ Cảng Cát Lái chỉ hơn 20 ha nhưng tổng nguồn thu xuất - nhập khẩu chiếm 70% tổng nguồn thu xuất - nhập khẩu của TP.HCM và 50% của quốc gia. Nếu phát huy lợi thế, vị thế về giao thông đường thủy tốt thì tạo giá trị gia tăng rất tốt.

Ông Hiếu cho biết TP Thủ Đức đang nghiên cứu đặc thù thẩm quyền theo 2 hướng: Đặc khu hoặc cấp tỉnh. Bí thư Hiếu nghiêng về hướng đề xuất lấy thẩm quyền cấp tỉnh để vận hành, dựa trên sự chấp thuận của TP.HCM và Trung ương.

Dù phân cấp cho Thủ Đức, TP.HCM vẫn có thể kiểm soát bằng 2 vấn đề là nguồn tài chính (kiểm soát định chế về tài khóa, tài chính theo chu kỳ phát triển); và quản lý đội ngũ cán bộ chủ chốt (bổ nhiệm, quản lý).

Ngoài ra, TP Thủ Đức cũng đang nghiên cứu, đề xuất thẩm quyền mới. Ông Hiếu gợi mở Thủ Đức có thể phối hợp với các địa phương khác có cùng mục tiêu như Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội.

tp thu duc phat trien nhat nhoa khong khac gi can gio cu chi
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh: Thu Hằng.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, nhận định TP Thủ Đức đã thành lập một năm nhưng cơ chế chính sách vẫn chưa phù hợp, còn không ít lúng túng.

Về giải pháp, bà đồng tình với phương án Thủ Đức có thẩm quyền tương đương cấp tỉnh thì thuận lợi hơn là như một đặc khu.

"Thẩm quyền Chủ tịch TP Thủ Đức tương đương chủ tịch tỉnh, các hệ thống khác cũng tương đương như tỉnh. Như vậy vận dụng sẽ nhanh. Còn đặc khu cũng chưa có cơ chế rõ ràng", bà nói.

Ngoài ra, biên chế, thù lao cho cán bộ công chức phải được thay đổi theo hướng phù hợp với quy mô dân số tại phường. Về hạ tầng, cửa ngõ phía đông phải được ưu tiên đầu tư thông thoáng càng sớm càng tốt để phát triển.

8 nhóm đề xuất phân cấp cho TP Thủ Đức

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết Sở Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức và phấn đấu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022). Khung đề án có 8 nhóm đề xuất gồm:

- Tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua phân cấp, ủy quyền từ TP.HCM cho TP Thủ Đức.

- Gỡ bỏ điều kiện hạn chế gia nhập thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực tại TP Thủ Đức.

- Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn TP Thủ Đức; dự án nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách TP.HCM tại TP Thủ Đức.

- Đấu thầu đất công, cung cấp dịch vụ công.

- Cơ chế tiếp nhận khoản hỗ trợ, đóng góp của người dân, doanh nghiệp về đầu tư hạ tầng.

- Tách dự án bồi thường ra khỏi dự án xây lắp.

- Thẩm quyền về bộ máy quản lý Nhà nước và chính sách nhân sự.

Theo Thu Hằng/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load