(Xây dựng) - Trong những năm qua, quá trình đô thị hóa của TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên diễn ra mạnh mẽ. Tính từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ đô thị hóa đã tăng 10%, từ 70,08% lên 80%. Có 35 khu đô thị, khu dân cư đã và đang được đầu tư xây dựng. Hệ thống giao thông đô thị không ngừng được mở rộng, đã có trên 600km đường được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% các tuyến đường, phố chính được đầu tư đèn chiếu sáng, cây xanh đô thị, cấp điện, thông tin liên lạc, kiên cố hóa hệ thống thoát nước. Phương tiện giao thông tăng nhanh về số lượng, năm 2002 có trên 30 nghìn xe máy, trên 2 nghìn ôtô, đến hết năm 2013 đã có trên 100 nghìn xe máy và gần 10 nghìn ôtô được đăng ký. Dịch vụ thông tin, truyền thông không ngừng phát triển, trên địa bàn TP hiện đã có 5 đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin, truyền thông (điện thoại, truyền hình số, truyền hình cáp, internet…) với hàng triệu thuê bao các loại.
Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, kinh tế TP Thái Nguyên có những bước phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm liền luôn duy trì ở mức trên 10%. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực, tỷ trọng GDP các ngành dịch vụ - thương mại - công nghiệp, xây dựng - nông, lâm nghiệp lần lượt là 48,42% - 47,78% - 3,8%. Kết cấu hạ tầng thương mại không ngừng mở rộng, số lượng, chất lượng DN tăng lên đáng kể. Tính đến hết năm 2013, toàn TP Thái Nguyên có 27.096 hộ gia đình và 2.598 DN được đăng ký kinh doanh, trung bình cứ 120 người dân có 1 DN, 11 người dân có 1 người kinh doanh.
Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, không gian đô thị không ngừng mở rộng cùng với sự tăng trưởng kinh tế của TP Thái Nguyên cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự, đặc biệt là sự gia tăng các vi phạm trật tự đô thị, từ đó đặt ra các yêu cầu ngày càng cao cho chính quyền các cấp phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị; đồng thời đòi hỏi mỗi người dân sống trong đô thị phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nếp sống văn minh để đô thị phát triển bền vững.
Căn cứ vào các văn bản pháp quy của Trung ương và của tỉnh, UBND TP Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Riêng lĩnh vực quản lý đô thị, hằng năm, UBND TP xây dựng và ban hành Kế hoạch quản lý trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường để tổ chức triển khai thực hiện.
Theo đó, công tác cấp phép xây dựng và giấy phép trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật luôn được đảm bảo. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm TP cấp từ 1.300 - 1.500 giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ đô thị và nông thôn, trong đó số công trình trên các tuyến đường, phố chính đô thị được cấp giấy phép và thi công xây dựng khoảng 120 - 150 công trình/năm. Ngoài ra, hằng năm TP cấp trên 70 giấy phép liên quan đến giao thông, hạ tầng kỹ thuật như: Giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè để tập kết VLXD, giấy phép thi công trên đường đô thị, giấy phép di chuyển cây xanh… Nhìn chung, việc cấp các loại giấy phép đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về chất lượng hồ sơ, thời gian, quy trình thụ lý.
Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng được TP chú trọng. Hằng năm TP chỉ đạo tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý cấp cơ sở, nâng cao ý thức người dân. Riêng trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hai năm 2012 và 2013 TP đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị, Công an TP tổ chức 35 hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật tại trụ sở UBND TP và các xã, phường trên địa bàn. UBND các xã, phường cũng chủ động mời tuyên truyền viên các cấp triển khai nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng, giao thông tại địa phương. Việc tuyên truyền, phổ biến còn được triển khai thường xuyên, rộng khắp bằng pano áp phích, trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Mặt khác, TP Thái Nguyên và các phường, xã cũng tích cực phát động và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp”, “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”…; xây dựng và duy trì tốt một số mô hình như: “Thứ bẩy tình nguyện”, Chủ nhật xanh”, “Đoạn đường văn minh đô thị”, “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Phụ nữ và nhân dân TP không vứt, đổ rác ra đường và nơi công cộng”, “Phụ nữ tự quản về an toàn giao thông và trật tự mỹ quan đô thị”… huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Để tăng cường lực lượng trực tiếp quản lý trật tự đô thị ở cơ sở, đảm bảo việc kiểm tra được tiến hành thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường ngay từ khi mới phát sinh, tháng 02/2011 TP đã quyết định thành lập các Tổ quản lý trật tự đô thị tại 28 xã, phường đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của Đội Quản lý trật tự xây dựng và giao thông TP. Sau hơn 2 năm các tổ thành lập và đi vào hoạt động, đến nay công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ vi phạm bị xử lý tăng, số vi phạm ngày càng giảm. Trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị đã cơ bản được tăng cường.
Nguyễn Thành Vân
Theo