(Xây dựng) - Đô thị Việt Trì là Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Phú Thọ. Từ lợi thế từng là kinh đô của Nhà nước Văn Lang thời Vua Hùng lập quốc – nơi có Đền Hùng một Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên để tạo được diện mạo của một đô thị văn minh, hiện đại nhưng vẫn mang trong mình những nét đặc trưng riêng của thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam và thu hút được du khách trong nước và quốc tế như thế nào?
Để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và đại diện cho một vùng đất cội nguồn dân tộc hay không, thì bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của cấp vĩ mô cần có sự vào cuộc một cách triệt để của cấp ủy và chính quyền thành phố, của các cấp, các ngành và người dân với các nguồn lực, trong đó trí lực phải được xem như một vai trò chủ đạo.
Công viên Văn Lang TP Việt Trì.
Từ kinh đô Văn Lang đậm dấu ấn lịch sử
Thứ nhất, nói đến Việt Trì – TP lễ hội là nhắc đến một thời là kinh đô của nước Văn lang, đó là vẻ đẹp chiều sâu, bề dầy lịch sử vì thế mới có “cội nguồn” ẩn chứa trong lòng thành phố một kho truyền thuyết, các di tích lịch sử như Làng Cả, đồi Kam, các tên đất tên làng như: Minh Nông (Nơi Vua Hùng dạy dân cấy lúa), Thậm Thình (nơi dân giã gạo cho vua), Tiên Cát (nơi Vua lập lầu kén rể), Lâu Thượng (nơi Vua làm việc), Dữu Lâu (là vườn trầu của Nhà Vua) còn nguyên dấu tích thời tiền sử rất cần được tái hiện, khôi phục kiến trúc xây dựng như thế nào để vừa giữ được vẻ đẹp của vùng đất đặc trưng cố đô hàng ngàn năm tuổi, mà vừa mang một bản sắc riêng không lẫn với các nơi khác, đồng thời lại hiện đại văn minh, công nghiệp, hội nhập quốc tế.
Về địa lý (phong thủy): Việt Trì còn được gọi là TP ngã ba sông, nơi giao thủy của ba con sông (sông Lô, sông Thao, sông Đà) tạo nên “Dòng biếc lẫn dòng đào” trong bài “Ngã ba hạc phú” nổi tiếng của Tiến sĩ thượng thư Nguyễn Bá Lân – đây chính là vẻ đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho Việt Trì, nhưng chúng ta hình như chưa nghĩ đến khai thác lợi thế này như những TP khác đã làm (Huế bên bờ sông Hương, Đà Nẵng bên bờ sông Hàn, Bắc Giang bên bờ sông Thương…). Ở những nơi đó, các nhà quản lý thiết kế, xây dựng đã biết tận dụng vẻ đẹp của dòng sông để quy hoạch đô thị. Còn tại đây, hai bên bờ sông Lô, sông Thao hiện là những ống khói nhà máy và nhiều chất thải công nghiệp, lò gạch gây ô nhiễm môi trường.
Một thực tế nữa là, sau hòa bình lập lại (1954) Việt Trì được chọn xây dựng khu công nghiệp đầu tiên của miền Bắc, một loạt các nhà máy ra đời như: Dệt, Đường, Điện, Giấy, Mỳ chính, Hóa chất, Bê tông… đi cùng đó là hàng loạt các nhà cao tầng cho công nhân ở tập thể, chứ không có quy hoạch cho khu dân cư, khu đô thị. Vì thế mới có “phố trong làng, làng trong phố” và đến nay những công trình lạc hậu xuống cấp này vẫn tồn tại, nguy cơ mất an toàn cao và làm mất vẻ đẹp mỹ quan của thành phố. Mặt khác, Việt Trì lại trải qua cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ rất ác liệt nên tốc độ đô thị bị chậm lại. Mấy năm gần đây, được sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều Nghị quyết chuyên đề về TP để đưa Việt Trì xứng đáng là đô thị loại I, tsrung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, là TP cội nguồn dân tộc Việt Nam. Bộ mặt đô thị của TP Việt Trì mới thực sự rõ nét, tiếp sau những tuyến đường mới mở như đường Nguyễn Tất Thành, Hòa Phong kéo dài, cây cầu Hạc Trì mới hoàn thành nổi lên như một biểu tượng với những ai lần đầu đến với Phú Thọ, đến với Việt Trì để rồi gặp một siêu thị Big C hiện đại, tấp nập. Nút giao thông IC7 của đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai xuống trung tâm TP cũng mới được hoàn thành kịp đưa vào sử dụng phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay góp phần tạo sự thông thương tấp nập của Việt Trì.
Các công trình như sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu thể thao, nhà văn hóa lao động, Bảo tàng Hùng Vương. Mới đây là Quảng trường Hùng Vương to đẹp, phía Bắc có khách sạn Mường Thanh tiêu chuẩn 5 sao, 28 tầng; phía nam là tòa nhà Vincom Plaza... tất cả đều là những tổ hợp thương mại, nhà hàng, khách sạn hiện đại. Có thể nói là điểm nhấn quan trọng cho TP, cộng với đó là những tuyến đường Trần Phú, trục chính nối quảng trường Hùng Vương với đường Nguyễn Tất Thành bỏ phần phân cách làn đường… Hai bên vỉa hè và lề đường được sử dụng vật liệu quý trông rất đẹp mắt, đường Châu Phong đang làm lại cũng vậy. Đây có lẽ là những tuyến đường đẹp nhất TP tính đến thời điểm này. Hiện tại đoạn đường từ Ủy ban TP đến khách sạn Công đoàn của trục đường Hùng Vương cũng đang được điều chỉnh như đường Trần Phú.
Như vậy, trung tâm TP sẽ có những trục đường rộng đẹp, thoáng mắt và có công năng sử dụng cho những hoạt động văn hóa, thể thao và lễ hội đường phố khi cần thiết. Chỉ tiếc rằng Quảng trường Hùng Vương phần tiếp giáp với Đại lộ Hùng Vương nếu không bị tụt xuống quá như hiện nay thì đẹp biết bao. Bởi trong một không gian lớn như Quảng trường Hùng Vương thì hoàn toàn cho phép tạo mặt phẳng cho dù là mặt phẳng nghiêng. Giống như ở Quảng trường Đỏ Mátxơcơva cũng vậy còn ghồ ghề cao thấp và hẹp hơn quảng trường Hùng Vương rất nhiều nhưng họ vẫn tạo ra một quảng trường đẹp có độ phẳng nghiêng theo địa thế không gian rất hợp lý.
Ngoài ra, còn phải kể đến công viên Văn Lang, công viên có ý tưởng hình thành đã từ lâu nhưng khi TP bước vào tuổi 55 thì công viên mới dần thực sự là một công viên. Từ lợi thế của một hồ nước rộng, uốn lượn theo 3 trục đường của trung tâm TP (đường Tần Phú, Nguyễn Tất Thành, Hai Bà Trưng). Công viên không chỉ tạo cảnh quan, giải phóng tầm mắt cho mọi người, mà còn điều hòa không khí cho thành phố. Được biết, nguồn lực đầu tư cho công viên là rất lớn. Nhưng theo tính toán của chuyên gia thì không hẳn cứ nhiều kinh phí là đẹp. Công viên hiện đại cần những khoảng không lớn, những thảm cỏ uốn lượn theo địa hình chứ không phải can thiệp quá sâu của con người vào địa hình như việc bổ ngang xây dựng những trục bậc lớn xuống phía mặt hồ với các cấp độ rất cứng. Trông xa như những lưỡi cưa dựng ngược trong khi những công viên ở những quốc gia lớn (ví dụ: như công viên thủ đô Washington D.C ở Mỹ, công viên ở thủ đô Vác Xa Va ở Ba Lan…) chỉ là những thảm cỏ đẹp, những con đường lát bê-tông mỏng ăn theo địa hình cho người đi bộ thưởng ngoạn hít thở không khí trong lành. Thỉnh thoảng là những cụm cây xanh, vườn hoa chỗ mau, chỗ thưa, chỗ chỉ là khoảng trống, như thế mới thoáng đẹp mà lại không tốn nhiều kinh phí. Đặc biệt không bị làm vụn công viên.
Điều không thể không nói nữa là gò đất mà giờ đây ta gắn cho cái tên là đồi Sơn Tinh, lẽ ra phải được san phẳng ngay từ đầu quy hoạch để không bị cản tầm mắt, mà lại tạo ra một không gian rộng tạo tụ điểm ở đó trước khi khách bước lên cầu thưởng ngoạn cảnh sắc xung quanh. Bên cạnh đó, tượng công viên là rất cần thiết, mỗi pho tượng là một điểm xuyết thẩm mỹ cho công viên. Điều này thì ở các công viên lớn ở Đà Nẵng, Vũng Tàu, Huế, Hải Phòng, Tuần Châu – Quảng Ninh… đã sử dụng rất hiệu quả. Công viên Văn Lang thừa hưởng một khối lượng tượng vườn từ hơn 30 pho của Trại điêu khắc quốc tế năm 2005. Nhưng khi lắp đặt sang công viên, phía thi công đã không làm đúng thiết kế đặt tượng quá gần đường nên chưa mang lại hiệu quả thẩm mỹ thật sự.
Điều đáng nói nữa là tuyến đường ôm công viên từ Bảo tàng Hùng Vương đến cây cầu ếch quy hoạch rất hẹp cần phải được mở rộng hơn, vỉa hè nối đường với lối đi công viên quá cao và đang rất xấu, rất quê mà đáng lẽ với số kinh phí đó ta lại có thể làm rất đẹp được.
Điều này có lẽ phải xem lại hiểu biết và đổi mới trong cách nghĩ của những người thiết kế và giám sát thi công. Vấn đề này không thể không nói thêm ở nhiều tuyến đường khác của thành phố kể cả những quy hoạch đô thị mới từ lòng đường lên hè cũng quá cao, người dân cứ phải mỗi nhà đổ thêm tấm bê-tông bắc cầu mới cho phương tiện đi lại. Như vậy nhiều chỗ chiếm xuống lòng đường hàng mét, thâm chí có chỗ đến gần 2 mét làm cho con đường đã không rộng lại càng hẹp hơn, mà khi nheo mắt lại nhìn con đường cứ như những cái gai âm bản (Trục đường Nguyễn Tất Thành, khu đô thị Trầm Sào, đường Hòa Phong kéo dài… đặc biệt hiện tại đường Hùng Vương đoạn từ khu chợ nhà tầng đang thay thế phần vỉa hè để lát mới hè đường chưa làm xong thì thì người dân đã bắc những tấm bê tông, những cầu sắt nối lòng đường và hè đường là những ví dụ điển hình). Trông rất mất thẩm mỹ và khó có thể chấp nhận được bên cạnh đó những điểm hố ga thu nước cũng rất xấu, vô tình trở thành nơi chứa rác. Đây có lẽ lỗi của những nhà quản lý, thiết kế đã quá lạc hậu không chịu đổi mới, không chịu quan sát, học hỏi từ các đô thị lớn.
Thứ hai, chúng tôi cũng rất băn khoăn về một đô thị loại I. Đó là vấn đề cây xanh trong các tuyến phố. Ai cũng biết cây xanh trong tuyến đường là hết sức quan trọng không chỉ là bóng mát cho con đường mà còn là phổi xanh cho cư dân trong phố. Nhưng trên thực tế, đã đến lúc TP Việt Trì phải có dự án về cây xanh, mang đặc trưng trung du và vùng Đất Tổ. Chứ như hiện nay, các loại cây trên các tuyến phố đều lôm côm nhiều chủng loại khác nhau, đáng nói nữa là cây xanh trồng không đúng quy hoạch quá mau không có hàng lối, phần lớn do người dân tự trồng theo ý thích.
Cây xanh tại đây mọc rất tự nhiên, không hề có sự can thiệp thường xuyên của con người, như cắt tỉa đảm bảo thẩm mỹ. Những chỗ quá mau, cây nghiêng đổ phải được chặt bỏ bớt. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng thấy Cty đô thị có cắt tỉa nhưng còn tùy tiện và hầu như chỉ cắt phần chìa ra đường còn bên trong thì không tỉa trông như người chỉ cắt tóc một bên, trông mất thẩm mỹ.
Cây xanh rậm che kín các công trình.
Cây xanh mau và dậm đến nỗi che kín cả công trình kiến trúc, trụ sở một số cơ quan Nhà nước, chẳng hạn, muốn tìm đến Sở Nông nghiệp, hoặc Ngân hàng Nông nghiệp, công an phường Gia Cẩm chắc sẽ rất khó vì ở những vị trí này cây cối che kín cả cổng vào. Thực tế chỉ phía trước các siêu thị, cửa hàng kinh doanh, họ tự cắt tỉa hoặc bỏ hẳn mới thông thoáng.
Bên cạnh đó là do thiếu sự quy hoạch từ ban đầu, nên các khu dân cư đan xen với nhiều công sở xây dựng tùy tiện nhô ra, thụt vào, vỉa hè cao thấp lô nhô, không có người quản lý, không có chế tài, mạnh ai nấy làm, người này lấn chiếm được thì người sau lại lấn chiếm nhiều hơn cũng không thấy cơ quan nào xử lý. Sơn màu lòe loẹt, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè không còn chỗ cho người đi bộ (điển hình là đườngTân Bình, đường Lê Quý Đôn)
Thứ ba, nói đến TP Lễ hội, không thể không nói đến Đền Hùng, vì Đền Hùng chính là mấu chốt điểm nhấn quan trọng nhất để có tên gọi nơi đây là TP Lễ hội. Chúng ta rất vui mừng về sự thay đổi đáng kể của đô thị Việt Trì với những công trình mới như đã nói ở trên, thì Đền Hùng cũng được lãnh đạo tỉnh quan tâm đặc biệt. Đền đài, lăng tẩm đều được đầu tư, tôn tạo đẹp nhất là trục hành Lễ, khu trung tâm Lễ hội. Từ cổng chính to đẹp đến chân núi Hùng uy nghi hoành tráng, đường lên xuống đều được mở rộng thay thế hoàn toàn bằng đá khối đẹp.
Không gian lễ hội còn có khu vực Đền Mẫu, Đền lạc long Quân, cùng với những khuôn viên có không gian rộng đẹp, thoáng đãng. Đồng thời vẫn tiếp tục triển khai nhiều công trình dự án văn hóa, thương mại dịch vụ… Đền Hùng thật sự xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, khu vực ngã 5 Đền Giếng cần phải quy hoạch lại, ở đây không gian rộng cho phép làm đẹp nhưng thực tế đang rất tức mắt vì đường ở đó quá hẹp. Không còn chỗ cho người đi bộ. Nhất là mỗi khi sau Lễ Dâng hương 10/3 hàng năm, người người chen lấn xô đẩy đông đúc gây tắc nghẽn giao thông rất lộn xộn. Cả khu vực khoảng trống phía trước, bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong, đang là không gian chết vì không có giá trị sử dụng gì. Quy hoạch trồng cây, tiểu cảnh đang rất xấu. Bên cạnh đó, cả một không gian rộng lớn phía bên hồ Khuôn Muôi và sau khu vực nhà kính để quá nhiều cây xanh, che hết tầm nhìn của du khách gây ức chế về không gian. Và theo đó là 32 tác phẩm của các nghệ sỹ có uy tín về nghệ thuật từ 11 quốc gia khắp các châu lục tham dự trại sáng tác điêu khắc năm 2009 tặng lại cho tỉnh cũng bị cây cỏ che kín.
Hố ga thu nước lộ thiên rất Xấu về mặt thẩm mỹ
Đến đô thị loại 1 đẹp và hiện đại bậc nhất miền Bắc
Bản quy hoạch tổng thể đô thị TP cần được xem xét với một tầm nhìn chiến lược, có sự tham gia góp ý kiến của những người có kinh nghiệm tâm huyết và năng lực chuyên môn như kiến trúc sư, nhà văn hóa, văn nghệ sỹ… cần tính đến lợi thế địa hình bên bờ của ngã ba sông, cân nhắc kỹ việc bán đấu giá đất, cho thuê 50 năm ở những vị trí đẹp, không vì tăng thu ngân sách trước mắt mà sau này không còn quỹ đất cho các công trình văn hóa, nghệ thuật…
Điều này đã là bài học nhãn tiền đắt giá từ các đô thị lớn. Tỉnh cũng phải sớm quan tâm để xây dựng nhà hát hiện đại, vì đây còn là điều kiện, tiêu chí của đô thị loại I. Tích cực mời gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào những công trình quy mô, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, văn minh hoặc đầu tư những khu vui chơi giải trí cao cấp liên hoàn nhằm giữ chân du khách góp phần phát triển du lịch; Cần phải có kế hoạch xây dựng một số tượng đài với những đặc tính riêng của đất cội nguồn dân tộc như tượng Quang Trung, tượng Lý Thái Tổ ở Hà Nội, Trần Hưng Đạo ở Nam Định, Lê Lợi ở Thanh Hóa...
Như vậy, tượng đài Hùng Vương dự kiến đặt tại Đền Hùng, nếu đưa về Quảng trường Hùng Vương sẽ hợp lý hơn, tượng sẽ là biểu tượng cho tỉnh Phú Thọ và sẽ tạo được ấn tượng mạnh cho mọi du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến với TP Lễ hội – Đất Tổ Hùng Vương mà không lẫn với những nơi khác.
Bên cạnh đó cũng cần kêu gọi đầu tư, huy động mọi nguồn lực xã hội hóa hoặc mời gọi đầu tư để xây dựng được tháp Hùng Vương tại Đền Hùng hoành tráng và độc đáo xứng tầm của thời đại Hồ Chí Minh, tri ân công đức Tổ tiên. Đồng thời là biểu tượng tâm linh của dân tộc. Đây sẽ là nơi thu hút khách du lịch nhiều nhất mang lại nguồn thu lớn cho phát triển kinh tế, như tháp truyền hình ở Đông Phương – Minh Châu (Trung Quốc), tháp truyền hình ở Tokyo – Nhật Bản, Tháp Bút Chì ở Mỹ…
Cần giải phóng khu vực ngã 5 đền Giếng, hạ thấp nền thiết kế thành một sân rộng có không gian thoáng đãng mở rộng thêm phần đường nhựa để nơi đây cũng tổ chức được những hoạt động văn hóa; chuyển toàn bộ cây xanh phía khu vực hồ Khuôn Muồi và sau nhà hàng Cổ tích đến nhà hàng Mai An Tiêm, chỉ quy hoạch những thảm cỏ với những lối đi bằng bê tông mỏng cho du khách dạo bộ thưởng ngoạn quang cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây.
Cần phải có ngay một cuộc cách mạng về vỉa hè và hè đường đảm bảo thẩm mỹ cho tuyến đường. Vấn đề cũng đang là nhược điểm lớn nhất của đô thị Việt Trì (vỉa hè cao, đường phố cao thấp, lở loét, lô nhô). Vỉa hè phải có độ cao và vát cho phù hợp với nhu cầu dân sinh. Loại bỏ những cây xanh trồng mau và không có hàng lối, cây ngả nghiêng cắt tỉa cây xanh ở mặt phố đảm bảo thẩm mỹ (tỉa cành phải sát thân cây). TP Việt Trì cũng cần nghĩ ngay đến một biểu tượng (logo) như những TP khác, việc tuy nhỏ không mấy người quan tâm nhưng nó lại rất cần thiết cho quảng bá hình ảnh TP, giao tiếp quốc tế nhất là trong thời kỳ đảy mạnh hội nhập. Vì nó biểu hiện của xã hội văn minh.
Hy vọng và mong muốn TP ở tuổi 55 của chúng ta với đặc thù từng là kinh đô của nhà nước Văn Lang, sẽ nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự cố gắng của các cấp ủy, lãnh đạo chính quyền TP, cùng nỗ lực và cả ý thức của mỗi công dân TP, để Việt Trì thật sự giàu đẹp, văn minh, xứng tầm đô thị loại I, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Phú Thọ - Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Đỗ Ngọc Dũng
Theo