Nhận thức được vấn đề phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, TP Hạ Long luôn xác định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thành uỷ, HĐND thành phố có nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường. UBND thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng, đất đai; quy hoạch phát triển bảo vệ rừng; bố trí đủ vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật về môi trường đô thị.
Bên cạnh đó, thành phố luôn chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân về chấp hành và thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, các quy định của địa phương về vệ sinh môi trường đô thị, đồng thời có thái độ cương quyết trong việc kiểm tra, xử lý về môi trường đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về môi trường theo quy định. Hiện thành phố đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch để quản lý và đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật về môi trường đô thị, như: Quy hoạch xây dựng đô thị, giao thông, cấp thoát nước, khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khu chôn lấp và xử lý rác thải, nước thải, nghĩa trang; quy hoạch bảo vệ và phát triển các loại rừng.
Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Vịnh Hạ Long dọn vệ sinh môi trường tại bãi tắm Soi Sim nhân ngày Môi trường thế giới (5-6) năm 2012.
Việc bảo vệ, phát triển rừng cũng luôn được thành phố quan tâm. Từ năm 2005 đến nay, TP Hạ Long đã trồng được hơn 1.000ha rừng, đồng thời mỗi năm huy động người dân, doanh nghiệp trồng trên 1 triệu cây xanh tại các khu vực để hoàn nguyên môi trường sau khai thác than. Bên cạnh đó, thành phố còn phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long để giữ gìn cảnh quan môi trường trên Vịnh. Thành phố đã phối hợp xây dựng quy chế quản lý Vịnh Hạ Long, quyết liệt thực hiện Đề án di dời nhà bè, làng chài trên Vịnh, vận động nhân dân thay phao xốp bằng các loại phao bền vững không phát tán rác ra môi trường; tổ chức thu gom rác thải trên Vịnh để đưa lên bờ xử lý đúng quy trình. Đến thời điểm này, TP Hạ Long đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch để quản lý và đầu tư hạ tầng kỹ thuật môi trường đô thị, đặc biệt là quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống cảng vận chuyển than, nhà máy sàng tuyển than ra xa khu dân cư; kết thúc khai thác than lộ thiên vào năm 2015... Bên cạnh đó, thời gian qua, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ đảm bảo môi trường đô thị cũng được thành phố tích cực đầu tư, như: Hệ thống giao thông, vỉa hè, cây xanh đường phố, hệ thống thoát nước... Hiện nay, TP Hạ Long có bãi rác ở Đèo Sen và Hà Khẩu với công suất 450 tấn/ngày, nhà máy xử lý rác thải tại Hà Khánh công suất 150 tấn/ngày và 2 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất 10.700m3/ngày, đêm, góp phần đưa tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn đạt hơn 10,2%. Cùng với đó, thành phố còn triển khai đồng bộ các dịch vụ vệ sinh môi trường, trung bình mỗi ngày thu gom, vận chuyển và xử lý 200 tấn rác, đạt tỷ lệ thu gom 98% đối với khu vực trung tâm và 85% với các khu vực xa trung tâm. Với những nỗ lực của mình, Hạ Long đã được công nhận là “Thành phố bền vững về môi trường” của các nước ASEAN vào năm 2008 và nhiều giải thưởng về môi trường khác.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó nguyên nhân quan trọng là do thời gian gần đây, tốc độ phát triển của Hạ Long quá nhanh, đặc biệt là hoạt động khai thác than, khoáng sản, xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp, sự gia tăng dân cư, đô thị hoá… đang là những thách thức không nhỏ đối với TP Hạ Long. Riêng ngành Than, hằng năm sản lượng khai thác, chế biến, tiêu thụ than của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt khoảng trên 10 triệu tấn. Các hoạt động khai thác than đã tác động, ảnh hưởng lớn đến môi trường đô thị như bụi, tiếng ồn, sạt lở đất đá, nước thải ô nhiễm…
Ngoài ra, việc quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy với mật độ cao, dù tất cả nhà đầu tư đều đã cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, nhưng những tác động tiêu cực tới Vịnh Hạ Long vẫn không tránh khỏi. Lưu lượng khí thải từ các nhà máy xi măng và nhiệt điện ước tính khoảng 4-5 triệu m3/h phát tán ra môi trường làm ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh khu vực Vịnh Cửa Lục. Ngoài ra, Vịnh Hạ Long cũng là nơi tiếp nhận từ 2.000 đến 3.000m3/ngày, đêm nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp. Các dự án lấn biển hình thành các khu đô thị mới, những năm qua đã gây biến đổi đường bờ biển, thay đổi môi trường tự nhiên, suy giảm diện tích rừng ngập mặn. Các tuyến đường vận chuyển vật liệu san lấp chủ yếu trên QL 18A, tỉnh lộ, đường nội thị, gây bụi và tiếng ồn trong các khu dân cư.
Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của nhiều chủ doanh nghiệp còn thấp, tỷ lệ các đơn vị thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường còn ít; nhiều cơ sở sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa được bổ sung kịp thời. Kinh phí chi đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nguồn vốn xã hội hoá còn rất thấp. Nhiều dự án về bảo vệ môi trường triển khai còn chậm, một số dự án đã được phê duyệt trong kế hoạch nhưng chưa được bố trí vốn, nên hiệu quả đạt được chưa cao… Những bất cập trên đòi hỏi TP Hạ Long cần phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để khắc phục.
Theo Baoquangninh
Theo baoxaydung.com.vn