(Xây dựng) - Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Điện Biên Phủ đã cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và điều kiện vệ sinh môi trường, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao mức sống cho người dân ở thành phố của vùng Tây Bắc Tổ quốc.
Dự án hồ điều hòa sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cải thiện vệ sinh môi trường và tạo cảnh quan khu vui chơi giải trí cho người dân. |
32,18 triệu USD và 9 hạng mục đầu tư
Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án tại Quyết định số 189/QĐ-TTg ngày 25/01/2014. Bộ Xây dựng phê duyệt văn kiện dự án tại Quyết định số 370/QĐ-BXD ngày 16/4/2014. Chương trình được triển khai thực hiện tại 7 tỉnh thành phố phía Bắc, bao gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái. UBND các tỉnh làm cơ quan chủ quản đầu tư, Bộ Xây dựng là cơ quan thực hiện điều phối Chương trình và thực hiện hợp phần 2 - Xây dựng chính sách, hỗ trợ, giám sát và xây dựng năng lực cho các địa phương tham gia.
Mục tiêu chính Chương trình là cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và điều kiện vệ sinh môi trường của các thành phố, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững để nâng cao mức sống cho người dân. Thời gian thực hiện Chương trình là 6 năm kể từ ngày Hiệp định số 5476-VN ngày 17/7/2014 có hiệu lực, dự kiến bắt đầu từ 2015 và kết thúc năm 2021. Sau đó, thời gian thực hiện được gia hạn thêm 18 tháng đến tháng 6/2022.
Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn ODA (vốn vay WB) và vốn đối ứng. Tổng số vốn được phân bổ từ Chương trình để thực hiện tiểu dự án “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Điện Biên Phủ” theo Quyết định số 189/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ là 32,18 triệu USD. Trong đó, vốn ODA là 26,66 triệu USD, còn vốn đối ứng là 5,52 triệu USD.
Cầu mới vào xã Thanh Minh bắc qua sông Nậm Rốm. |
Đối với dự án này, UBND tỉnh Điện biên là cơ quan chủ quản, UBND TP Điện Biên Phủ làm chủ đầu tư, còn Sở Xây dựng đóng vai trò cơ quan tham mưu về chuyên môn, giúp đỡ thành phố hoàn thành dự án đúng tiến độ và đảm chất lượng. Dự án được phân kỳ thành 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất diễn ra từ năm 2015 - 2017 với 3 hạng mục đầu tư. Dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật khu LIA 1 đã xây dựng đường kết nối QL279 với xã Thanh Minh. Dự án xây dựng cầu vào xã Thanh Minh xây mới cầu bắc qua sông Nậm Rốm, còn dự án cải tạo suối C13 đã nạo vét, nắn chỉnh tuyến, xây dựng kè 2 bên suối và cống thu gom nước đổ vào suối.
Dự án cải tạo suối C13 đã giúp giảm thiểu tình trạng ngập úng và ứ đọng rác thải, cải thiện đáng kể điều kiện vệ sinh môi trường. |
Giai đoạn hai của dự án diễn ra trong khoảng thời gian 2017 - 2022 với 6 hạng mục đầu tư. Dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các khu LIA 2, LIA 4 và LIA 5 đã nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật về đường giao thông, hệ thống thoát nước và mạng lưới điện chiếu sáng tại các khu dân cư thu nhập thấp của TP Điện Biên Phủ. Dự án cải tạo suối Hồng Lứu đã kiên cố hóa dòng suối trên cơ sở hướng thoát nước tự nhiên của suối, xây dựng đường vận hành quản lý theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thu nước từ nhà dân vào suối và hoàn trả công trình dân sinh trên tuyến. Dự án đã giúp giảm thiểu tình trạng ngập úng và ứ đọng rác thải, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường; từng bước thích ứng với việc ứng phó biến đổi khí hậu và tạo cảnh quan môi trường cho TP Điện Biên Phủ.
Dự án đã giúp xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ có một trường tiểu học mới khang trang hơn. |
Trong khi đó, dự án xây dựng khu tái định cư Him Lam đã hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật (san nền, đường giao thông, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải) tại khu tái định cư phường Him Lam. Dự án nâng cấp hồ điều hòa sau bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cải thiện vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan khu vui chơi giải trí và tăng cường an toàn giao thông cho TP Điện Biên Phủ.
Dự án xây dựng đường từ cầu A1 xuống cầu C4 giúp kết nối khu vực đô thị cũ với khu đô thị mới, tăng tính tiện nghi và kết nối giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội với quy mô đường phố gom cấp IV đô thị miền núi.
Cuối cùng, dự án các công trình hạ tầng xã hội đã xây dựng thêm cho TP Điện Biên Phủ 1 trường tiểu học, 1 trường mầm non và 3 nhà văn hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển tromg khu vực. Dự án mang đến cơ hội học tập cho 360 - 600 học sinh, đồng thời xây dựng thêm 3 nhà văn hóa với tổng diện tích khoảng 2.100 m2.
Cải thiện cơ sở hạ tầng, hướng tới đô thị loại II
Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Điện Biên Phủ là một dự án quan trọng. Trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều nội dung phức tạp, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và hoàn thiện thủ tục pháp lý. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Điện Biên, Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND TP Điện Biên Phủ triển khai thực hiện dự án, hoàn thành đúng tiến độ và hoàn thành sớm nhất trong 7 tỉnh thực hiện Chương trình.
Dự án hoàn thành đã đạt được các mục tiêu đầu tư của dự án, góp phần nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành Xây dựng. Đặc biệt, các dự án rất phù hợp với định phát triển thành phố tương lai được xác định trong Quy hoạch chung TP Điện Biên Phủ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Có thể nói, 9 dự án thành phần có vai trò rất thiết yếu đối với tỉnh miền núi như Điện Biên. Các dự án đã giúp nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai khi kiên cố hệ thống kè, cải tạo các dòng suối, đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng cuộc số của người dân. Học sinh trong khu vực được hưởng lợi trực tiếp từ hệ thống đường giao thông thuận lợi và cơ sở vật chất khang trang tại trường học. Chất lượng cảnh quan môi trường, cây xanh, công viên và mặt nước được nâng cao, điều kiện sinh sống của người dân trong khu vực cũng được nâng lên.
Đặc biệt, sự thành công của các dự án đã góp phần cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng thiết yếu cho khu vực mới của TP Điện Biên Phủ, kết nối đô thị Điện Biên Phủ với các huyện khác của tỉnh Điện Biên và kết nối tỉnh Điện Biên với các địa phương khác. Kết quả này sẽ giúp thành phố hướng đến việc phát triển bền vững theo định hướng Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyế t phát triển hạ tầng kỹ thuật gắn với phát triển đô thị hiện đại, bền vững của địa phương, từ đó phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nâng loại đô thị loại II.
Có thể nói, dự án đã tạo tiền đề và động lực cụ thể hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc quy hoạch và phát triển đô thị. Việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Điện Biên Phủ về lâu dài sẽ mang đến sự phát triển ổn định, bền vững và phát huy tốt nhất các lợi thế của thành phố để phát triển kinh tế - xã hội, đón đầu sự phát triển về quy mô dân số và vấn đề đô thị hóa của thành phố trong tương lai. Như vậy, dự án đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đến những khu vực còn khó khăn ở nước ta.
Phương Trang
Theo