(Xây dựng) - Những năm gần đây, TP Cẩm Phả như một nàng tiên ngủ quên bên bờ vịnh Bái Tử Long bổng trở mình thức dậy. Đâu đâu người ta cũng thấy phố phường tấp nập, nhộn nhịp. Một thành phố phồn vinh, sạch đẹp đang thay da, đổi thịt từng ngày, từng giờ chứ không nhuốm bụi than như xưa. Để có những thành tựu đó, Cẩm Phả phải tìm mọi cách đầu tư bằng nội lực một cách hiệu quả nhất, đó là quy hoạch, xây dựng khu nhà ở Cao Sơn 3 để bán đấu giá đất bù tiền cho ngân sách.
Khu đô thị Cẩm Sơn 3 sẽ được tọa lạc bên bờ vịnh Bái Tử Long thơ mộng (ảnh Lê Phương).
Theo đó, UBND TP Cẩm Phả ban hành Quyết định số 5640 ngày 22/11/2016 phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Dự án Nhóm nhà ở tại khu Cao Sơn 3, phường Cẩm Sơn. Đây là khu đất ven bờ biển vịnh Bái Tử Long xinh đẹp và thơ mộng với một rừng đảo nổi trên mặt nước xanh rì… Tổng diện tích quy hoạch của Dự án gần 26.600m2, trong đó diện tích đất ở gần 10.500m2, còn lại là nhà văn hóa và các công trình, hạ tầng giao thông phục vụ cho khu dân cư. Tổng vốn đầu tư cho Dự án Cẩm Phả chỉ cần trích ngân sách khoảng 16 tỷ đồng là đủ vốn đáp ứng toàn bộ xây dựng cơ sở hạ tầng. Đổi lại, thành phố bán đấu giá 10.500m2 đất ở. Trung bình giá hiện thời rẻ nhất cũng phải 6 triệu đồng/m2. Tức là ít nhất Cẩm Phả cũng thu về cho nguồn ngân sách địa phương khoảng 63 tỷ đồng. Đúng là một vốn, bốn lời trong khi chưa kể lãi như cho không nhà văn hóa công cộng, sân vui chơi giải trí…
TP Cẩm Phả được thiên nhiên ban tặng một rừng biển đảo tạo nên một bức tranh sơn - thủy hữu tình (ảnh Đỗ Kha).
Cho dù biết rõ rằng đất bãi bồi ven biển là đất “vàng son, mật mỡ” các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tư nhân thèm khát lắm… Thu hồi đất này không phải hoặc ít phải bồi thường. Hơn nữa có bồi thường cũng như là cho không. Trong khi đây là một vị trí sơn thủy hữu tình nói về phong thủy thì không nơi nào sánh được. Chính vì vậy mà nhiều nơi chính quyền thường “ngại” đổ ngân sách địa phương ra đầu tư như Cẩm Phả. Cách mà họ thường làm là đùn, đẩy “cái khó” này cho tư nhân kinh doanh đất ở. Và như vậy tức là mức lãi khủng tuột khỏi tay Nhà nước…
Thực ra cách làm của Cẩm Phả cũng không ai lạ gì nên có người nói có gì mà hay! Đúng vậy, không lạ thì tất không hay! Nhưng, cái hay ở đây là Cẩm Phả biết “đi trước, đón đầu” biết hy sinh những lợi ích cá nhân tầm thường để vì một tập thể chung đó là: Chính quyền và nhân dân được cùng hưởng lợi!
Nói về vấn đề này nhà báo lão thành Trọng Trung cho biết: “Nếu như hiện nay TP Hạ Long đang đầu tư cả ngàn tỷ đồng vào chỉnh trang đô thị mà họ làm như Cẩm Phả đang làm. Tức là lấy 1.000 tỷ đồng đầu tư vào xây dựng dự án khu đô thị ven biển rồi bán đấu giá đất thì nguồn ngân sách sẽ tăng lên từ vài nghìn tỷ đến vài chục nghìn tỷ đồng chứ chả ít! Đủ để xây dựng toàn bộ hạ tầng giao thông đô thị toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ trong một năm”.
Đồng quan điểm, nhà báo Vũ Hùng – Trưởng đại diện Báo Nhân đạo và Đời sống tại Quảng Ninh cho biết: “Đúng vậy, người dân Hạ Long đều thấy một khu đô thị ven biển do những doanh nghiệp tư nhân mới xây dựng xong mà người khắp nơi đổ xô về mua hết trong chỉ một năm. Mỗi căn nhà liền kề 3 tầng có diện tích mặt nền chỉ có 90 m2 giá chuyển nhượng hiện nay tới cả chục tỷ đồng. Nếu những dự án như thế này mà Nhà nước dùng tiền ngân sách xây dựng đưa vào đầu tư chắc chắn một vốn sẽ lên tới vài chục, vài trăm lần lời là cái chắc!”.
Một số cán bộ lão thành cũng cho rằng, giải “ bài toán” nguồn ngân sách xây dựng hạ tầng cơ sở của các địa phương không có gì khó. Cái khó chỉ là nó có trở thành phương châm chủ đạo, thành phong trào nhân rộng trên toàn quốc hay không. Bởi bất động sản luôn là “miếng bánh” mà nó càng ở nơi vị trí đắc địa “bờ xôi, ruộng mật” thì nguy cơ Nhà nước “giành” được là rất khó!
Thực tế Quốc hội đã có lần nêu rằng, thu hồi đất ruộng của nông dân cho doanh nghiệp, đền bù với giá 15 triệu đồng/sào ( 1 sào Bắc Bộ = 360m2 - PV), trong khi doanh nghiệp đầu tư một chút hạ tầng rồi bán ra đến 20 triệu đồng/m2. Lãi ròng như thế ai hưởng?
Tại TP Uông Bí có Dự án của Cty Giày Sao Vàng nhìn thấy mà xót xa, mà chạnh lòng… Ở đây chính quyền thu hồi đất trồng lúa của nông dân với giá rất rẻ, giao cho Giày Sao Vàng bỏ hoang từ năm 2005 đến nay. Mỗi lần đến “hẹn” họ lại xoay sang động tác gọi là “điều chỉnh quy hoạch” thật đáng nghi vấn? Thay vì Dự án đã quá chậm thì phải thu hồi lại thì không biết thế nào họ được điều chỉnh tiếp từ dự án nhà để xe công nhân sang khu đô thị dành cho cán bộ, công nhân viên? Không biết “ưu tiên” này được áp dụng theo quy định nào? Những ai được hưởng lợi? Giá như Uông Bí đề nghị thu hồi Dự án để làm như Cẩm Phả tại sao không?
Rõ ràng, ai ai cũng biết nếu các địa phương trên toàn quốc biết cách dành những diện tích đắc địa rồi dùng ngân sách xây dựng địa phương để đầu tư xây dựng thành dự án bất động sản như Cẩm Phả đang làm là rất hiệu quả.
Nhưng dám nghĩ, dám làm, dám “hy sinh”, dám chịu trách nhiệm như thành phố Cẩm Phả đã làm để Nhà nước và nhân dân cùng hưởng lợi vẫn đang cần một phong trào nên được nhân rộng.
Văn Nguyễn
Theo