(Xây dựng) - Từ một đơn vị chỉ chuyên chế tạo, cung cấp thiết bị, phụ tùng thay thế cho ngành vật liệu xây dựng, nắm bắt được vận hội đổi mới, phát huy nội lực của một DN giàu truyền thống, COMA đã vươn lên, tham gia nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia: Chế tạo, lắp đặt các thiết bị siêu trường, siêu trọng, thiết bị phi tiêu chuẩn, kết cấu thép phức tạp cho các ngành công nghiệp xi măng, điện, dầu khí, thủy điện, hóa chất, thực phẩm, đường dây tải điện, xây dựng ..., chiếm lĩnh được thị trường trong nước, thay thế một phần hàng nhập khẩu.
Nhiều sản phẩm trong số đó đáng được xem là kỳ tích và đằng sau những nụ cười thành công là lấp lánh mồ hôi hòa với những giọt nước mắt vỡ òa vì hạnh phúc!
Lắp đặt hệ thống cung cấp than Nhà máy nhiệt điện Hồng Sa (Lào).
1. Chế tạo và lắp đặt bồn bể Thạch Thành
Đây có thể coi là công trình đánh dấu sự phát triển vượt bậc của COMA bước vào giai đoạn 1996 khi lần đầu tiên từ thi công tại nhà xưởng bước ra các công trường. Việc chế tạo bồn bể nhà máy đường Thạch Thành đạt kỷ lục về sản phẩm có khối lượng lớn thời điểm đó, dung tích 12.000m3, thi công trong địa bàn chật hẹp. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên COMA áp dụng việc hàn tổ hợp bảo đảm yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt cho sản phẩm đặc thù, chịu áp lực lớn.
Sau này chính COMA tự phá kỷ lục khi chế tạo thành công chiếc máy lốc tôn cỡ lớn dày 30mm, bản rộng 3.000mm phục vụ chế tạo bồn bể Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ giá thành 300 triệu đồng trong khi nhập khẩu chiếc máy tính năng tương tự phải mất tới... 70 nghìn USD.
2. Chế tạo lọc bụi tĩnh điện
15 năm trước, mạng Internet đã thông tin rộng rãi với toàn thế giới phát biểu của lãnh đạo Tập đoàn Lugi Lẹntjes AG - CHLB Đức đánh giá năng lực của COMA là “nhà chế tạo hàng đầu của Việt Nam”. Đây không phải là đánh giá mang tính chất đối ngoại mà là kết quả của sau 02 năm thực hiện cuộc khảo sát nghiêm túc và kỹ lưỡng về năng lực chế tạo của COMA, qua một loạt các công trình nhà máy đường, nhà máy kính nổi, nhà máy bia, các KCN… Sau sự nhận diện đối tác ấy, Lugi Lentjes đã tin cậy phối hợp với COMA thực hiện hợp đồng “chìa khóa trao tay” trị giá hơn 4 triệu USD cung cấp, chuyển giao kỹ thuật và chế tạo lọc bụi tĩnh điện cho hai tổ máy mới Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại II công suất 300MW. Đó cũng là những thời điểm đánh dấu bước tiến của COMA từ chỗ sản xuất các mặt hàng truyền thống sang chế tạo những sản phẩm mới, giành “chỗ đứng” trong các công trình liên doanh nước ngoài xây dựng các nhà máy xi măng Bút Sơn, Bỉm Sơn, Hoàng Mai… Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Phả Lại… thủy điện Hương Sơn, Srok Phu Miêng, Cao Ngạn…
Sau thành công gói thầu chế tạo bộ lọc bụi tĩnh điện Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại II, Tập đoàn Lugi Lentjes AG đã tin cậy giới thiệu với đối tác và những thiết bị lọc bụi tĩnh điện thương hiệu COMA đã xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ, Úc.
3. Giàn không gian
Câu chuyện bắt đầu từ sự kiện đoàn lãnh đạo TCty, vào khoảng năm 2000, trong một chuyến đi công tác mang về một quả cầu thép 8 lỗ chịu lực nhiều chiều trong không gian và ý tưởng thiết kế giàn không gian (GKG) cho các công trình kiến trúc phù hợp đặc thù Việt Nam mà không phải nhập ngoaị. Bắt tay vào công việc mới thấy hết sự phức tạp trong khi ta chưa hề có một tài liệu kỹ thuật nào về GKG. Đi học tập nước ngoài, nhưng thú thực lúc đó TCty tổ chức đi thăm quan để học công nghệ, chứ không chủ trương nhập khẩu thiết bị. Đoán được ý đồ, bạn không hề cho ta được “mục sở thị” nhất là công nghệ chế tạo các quả cầu thép cùng các thiết bị gá đỡ… bởi đây là khâu khó nhất khi phải khoan nhiều lỗ mà mỗi lỗ gia công chịu lực theo một yêu cầu khác nhau, rồi các thiết bị gá đỡ, định vị đương nhiên cũng phải khác nhau…
Không nản chí, anh em phòng kỹ thuật và cán bộ có tay nghề cơ khí giỏi vào loại bậc nhất của TCty cùng với sự gíup đỡ của một số cán bộ, giảng viên Trường Đại học Xây dựng đã nghiên cứu thành công thiết kế, chế tạo các quả cầu và những thanh giằng thép đảm bảo chất lượng, mô phỏng theo mô hình kết cấu hạt phân tử hoá học của Natri, Các bon, Kim cương…
Sự táo bạo đầu tiên mà COMA dám nhận là thử sức với công trình Sân khấu biểu diễn cá heo đảo Tuần Châu - Hạ Long, công trình du lịch sinh thái đẳng cấp quốc tế. Lãnh đạo TCty không đặt vấn đề kinh tế lên hàng đầu mà quan trọng là ghi danh trên bảng vàng thương hiệu đứng đầu một lĩnh vực lắp đặt công nghệ hiện đại của thế giới. Nhờ có hệ thống quản lý chất lượng phần mềm cơ khí mà 9000 quả cầu, mỗi quả có 16 góc nghiêng theo thiết kế công nghệ 3D đảm báo chính xác tuyệt đối. Đồng thời hàng vạn thanh giàn thép hầu như không trùng lặp…tất cả đều được gia công xong mới mạ kẽm rồi sơn để chống sự ăn mòn của nước biển.
Chế tạo và lắp đặt giàn không gian nhà thi đấu Indoor Game.
Một công trình không thể không nói tới là giàn không gian nhà thi đấu Indoor Game - giàn kết cấu thép phức tạp, khẩu độ lớn vượt không gian (120 x 70m, độ cao của giàn là 5,1 m với 9 nhịp ngang, 15 nhịp dọc), lại hàn trên độ cao hơn 20m. Những quả cầu rỗng, chia ra 18 lỗ cần được khớp nối với 18 cánh tay đòn phải được chế tạo cũng như hàn chính xác, điều này thoạt tiên ngay cả những người thợ dày dặn kinh nghiệm chiến trận nhất trên công trình cũng… nghi hoặc, thậm chí nhiều ý kiến nói thẳng muốn thuê lại bên Trung Quốc. Thế nhưng COMA đã chứng minh một sự thật hoàn toàn trái ngược. Những mối hàn qua siêu âm kiểm tra đều đạt độ chính xác cao nhất.
4. Chế tạo vỏ biến áp ABB xuất khẩu
Một dấu mốc quan trọng là cú bắt tay với Tập đoàn ABB nổi danh toàn cầu, thông qua hợp đồng ký kết với Cty TNHH ABB Việt Nam cung cấp vỏ biến áp ABB xuất khẩu, bắt đầu từ năm 2006. Để trở thành 01 trong 4 DN Việt Nam thực hiện lĩnh vực này, COMA đã đầu tư riêng một xưởng chế tạo hiện đại, chịu sự giám sát, đánh giá hàng tháng, hàng quý, tổng kết hàng năm dựa trên các chỉ tiêu ngặt nghèo: Tiến độ giao hàng, sai lỗi sản phẩm, khả năng thích ứng môi trường làm việc và an toàn máy móc, con người, sự sắp xếp vị trí mặt bằng trong xưởng, thiết bị và sản phẩm, kế hoạch tự cải tiến của Công ty…
Trong năm 2013, Tập đoàn ABB đánh giá COMA là đối tác số 1 tại Việt Nam đáp ứng các chỉ tiêu và điều đó bảo đảm cho COMA tăng thêm 1,5 lần giá trị sản lượng qua các hợp đồng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 60 lao động bậc cao, mang lại doanh thu khoảng 15 tỷ đồng/năm. Điều đáng nói là sự hợp tác này đã đem thương hiệu COMA vươn xa, có mặt tại những công trình hiện đại trên khắp thế giới.
5. Chế tạo thiết bị Dự án dây chuyền 3 Nhà máy xi măng Bỉm Sơn
Năm 2008, COMA nhận thầu chế tạo thiết bị cho dự án dây chuyền 3 Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, trong đó có gói thầu vô cùng quan trọng: chế tạo vỏ máy nghiền nguyên liệu công suất 230 tấn clinke/ngày, mà hóc búa nhất là chế tạo chân đỡ máy nghiền con lăn. Trên thị trường lúc ấy, các chân đỡ kích thước cấu kiện lớn đều phải nhập khẩu từ Đức, Nhật Bản với giá thành cao, chi phí đầu tư lớn. Chiếc máy nghiền nhà máy xi măng Bỉm Sơn được thiết kế bởi hãng LOESCHE (CHLB Đức), tổng khối lượng thiết bị khoảng gần 200.000kg, trong đó ưu tiên khối lượng chế tạo thiết bị nội địa trên 180.000kg. Số còn lại là thiết bị nhập khẩu, được chủ đầu tư cấp cho COMA dưới dạng thành phẩm để tổ hợp trong quá trình gia công thiết bị. Việc chế tạo, tổ hợp toàn bộ kết cấu thép vỏ máy nghiền được thực hiện như các kết cấu thép thông thường. Chỉ khác, để thỏa mãn độ chính xác vị trí tương quan giữa các cụm chi tiết và sẽ lắp ghép với các thiết bị tiêu chuẩn nhập khẩu có chuyển động tương ứng nhau như: trục vít, bánh vít, bánh răng, quả nghiefn, động cơ, hộp giảm tốc, quạt… thì mọi bước công nghệ trong quy trình chế tạo buộc phải tuân thủ giám sát chặt chẽ. Việc gia công lỗ phi 190H8 là thách thức vô cùng lớn.
Ban đầu COMA đã có phương án thuê gia công chế tạo trong nước nhưng nếu như vậy giá thành (trên 4 tỷ đồng) doa 4 lỗ chân đế nghiền cũng đã ngốn gần như trọn vẹn phần lời lãi và chi phí nhân công. Nếu nhập khẩu thiết bị nước ngoài, tổng giá thành 4 chân đỡ khoảng trên 12,5 tỷ đồng. “Cái khó ló cái khôn”, COMA liều mình đưa ra phương án thiết kế và chế tạo bộ đồ gá đặc biệt kết hợp máy phay vạn năng để gia công. Ban đầu khi phương án lập lên, không chỉ chủ đầu tư, chuyên gia Nhật cũng không tin có thể thực thi được. Nhưng khi biết đó là “nước cờ cuối” của COMA trước nguy cơ thua lỗ trắng tay vì gói thầu, chuyên gia Nhật đã chấp nhận triển khai sáng kiến. Kết quả, chỉ với chi phí trên 2,1 tỷ đồng COMA đã hoàn thành xuất sắc công việc, đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu kỹ thuật như sản phẩm nhập khẩu.
6. Chế tạo, lắp đặt thiết bị cho Nhà máy kính VG3
Năm 2013, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh của các DN ngành Xây dựng thì DN COMA vẫn cầm cự được bằng những hợp đồng sở trường: Gia công, lắp đặt thiết bị cho nhà máy kính nổi VGI 3 tại thành phố Vũng Tàu, do Tập đoàn NSJ (Nhật Bản) chuyên kinh doanh các Nhà máy kính phục vụ công nghiệp xây dựng đầu tư, tổng giá trị hợp đồng khoảng 60 tỷ đồng. COMA không quá khó khăn để được chọn lựa làm đối tác tin cậy bởi trươc đó, giai đoạn 2006 – 2008, COMA đã là đối tác triển khai công việc tương tự tại Nhà máy kính VGI 1. Tuy nhiên, sang đến VGI 3 – dự án có tính đặc thù cao, yêu cầu kỹ thuật phức tạp hơn hẳn – có thể khẳng định COMA là nhà thầu “có 1 không 2” tại Việt Nam đáp ứng được. Khó khăn tập trung lớn nhất ở hạng mục chế tạo bể thiếc, đòi hỏi độ chính xác cao, diện tích thiết bị 24m nhưng cho phép dung sai chỉ được 0,5 ly, đòi hỏi sử dụng toàn bộ thợ cơ khí tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm. Thời điểm này COMA đã hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc, được nhà thầu nghiệm thu bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
7. Lắp đặt Thủy điện Bản Vẽ
Thành công lớn nhất trong năm 2009 và đầu năm 2010 là lần đầu tiên COMA đã lắp đặt thành công 02 tổ máy Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, là kết quả của sự phối hợp giữa Cty COMA 2 già dặn và COMA 17 non trẻ, vốn là một doanh nghiệp địa phương, tình nguyện về với “ngôi nhà chung COMA”, nhờ sự hợp sức, sự bền bỉ theo đuổi hướng đi cơ khí trọng điểm họ đã vươn lên thành đơn vị chủ lực của COMA. Với COMA việc lắp đặt thành công tổ máy thủy điện Bản Vẽ có ý nghĩa rất lớn vì nếu như trước đây COMA mới chỉ dừng lại ở việc chế tạo thiết bị thủy công hoặc chế tạo từng phần thì đến Bản Vẽ đã bước lên nấc thang mới: lắp đặt tổ máy và hệ thống điện tự động hóa. Hơn thế, khi đã thành công với Nhà máy thủy điện công suất trên 300 MW COMA có thể tự tin đảm nhận các nhà máy công nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác: luyện kim, hóa chất… Ngay sau thành công này, COMA đã có thêm những hợp đồng giá trị như: thủy điện Sông Tranh và là nhà thầu chế tạo thiết bị thủy công cho 7 nhà máy thủy điện khác. Ông Trần Quang Hải - Trưởng Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 cho biết: chúng tôi đã đề xuất COMA trong vai trò nhà thầu lắp đặt toàn bộ các gói lắp đặt thiết bị máy móc và hệ thống điện của Nhà máy, là đặt niềm tin tuyệt đối chứ không hề có tính chất thử nghiệm! Tôi cho rằng quyết định này đánh dấu một bước đột phá vô cùng quan trọng, đó là tạo lập một thị trường cạnh tranh trong ngành lắp máy vốn dĩ từ lâu chỉ có một cực duy nhất!
Lắp đặt Roto Nhà máy thủy điện Bản Vẽ.
8. Thi công Trung tâm Hội nghị Quốc gia
Theo sự phân công nhiệm vụ TCty COMA được giao chế tạo và lắp đặt dầm trục A và một góc kèo cong của toà nhà chính. Cả hai phần việc này kết cấu không khó nhưng lại phá kỷ lục về thiết bị siêu trường, siêu trọng mà COMA từng đảm nhận. Nếu như trước đó, chiếc dầm kết cấu tương tự của Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ nặng 20 tấn, dài 12m thì chiếc dầm của TTHNQG nặng tới... 185 tấn, dài 96m. Tuy nhiên, nhờ phân đoạn công nghệ hợp lý nên khi đưa vào tổ hợp, hạng mục được lắp đặt chính xác hoàn hảo. Thử thách lớn nhất là việc chế tạo kèo cong. Để đón đầu công việc này, Cty đó đầu tư nhập khẩu chiếc máy uốn thập hình công nghệ của Nhật nhưng là hàng đó qua sử dụng, giá thành chỉ bằng 2/3 so với chiếc máy cùng tính năng công nghệ Hàn Quốc. Cái giá cho hàng tỷ đồng “tiết kiệm” là thay vì được chuyên gia hướng dẫn, COMA phải bỏ công mày mò nghiên cứu mất gần hai tháng trời để vận hành được chiếc máy ấy!
9. Thi công Nhà Quốc hội
Ở công trình Dự án Nhà Quốc hội, người COMA đã ghi dấu ấn bằng thành tích về thi công hạng mục siêu cột thép. Đây là thành công của việc khai thác ngoại lực, mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, chuyển giao công nghệ trên quan điểm cân bằng lợi ích giữa các bên. Việc thi công 8 siêu cột có kết cấu đặc biệt, dạng tổ hợp cao 15m, thiết diện 3,8x2,2 m, nặng 78 tấn là một nhiệm vụ phức tạp, lạ và hiếm gặp tại các công trình Việt Nam. Để hoàn thành nhiệm vụ này, TCty COMA đã đề xuất giải pháp sử dụng cẩu 1.250 tấn (cẩu có sức nâng lớn nhất từng được sử dụng trong công trình dân dụng ở Việt Nam). Mặc dù chi phí cho việc di chuyển thiết bị đặc biệt này không nhỏ nhưng so với hiệu quả của việc sử dụng cẩu mang lại: bảo đảm tiến độ thi công, bảo đảm an toàn và chất lượng công trình…thì đây thực sự là bài toán kinh tế nổi trội. Người COMA nhận định kết cấu thép mái nhà Quốc hội không quá khó nhưng có đặc thù là hình thù phức tạp, kích thước lớn, nhiều mối hàn đòi hỏi kỹ thuật cao, dung sai tương đối khắt khe. Phần khó nhất của công tác tổ hợp và lắp dựng sẽ tập trung ở 2 chi tiết: vòng trung tâm khối lượng 20 tấn là điểm giao cuối cùng của 32 vì kèo. Nếu không quyết tâm cao và có phương án triển khai chặt chẽ thì với khối lượng công việc này thời gian triển khai có thể tăng gấp rưỡi so với tiến độ đặt ra.
Nối tiếp thành công đó, COMA tiếp tục gánh trọng trách chế tạo và lắp đặt mái phòng họp chính.
10. Lắp đặt tại Nhà máy Nhiệt điện Hồng Sa (Lào)
Sau khi khẳng định năng lực thi công các công trình thủy, nhiệt điện trong nước, năm 2013 COMA giành thắng lợi khi vượt qua các nhà thầu trong khu vực, ký kết Hợp đồng hợp tác giữa TCty COMA và Cty Công ty Sandvik Mining & Construction (Cộng hòa Áo) tại Cộng hòa Áo. Phía Cty Sandvik Mining & Construction đồng ý giao cho TCty COMA triển khai lắp đặt hệ thống cung cấp than và chuyển thải vật liệu cho nhà máy nhiệt điện Hồng Sa tại Lào, (bao gồm các máy đánh đống, máy rải liệu, thiết bị nâng-chuyển, hệ thống băng tải than và phế thải…).
Gói thầu “lắp đặt hệ thống cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện Hồng Sa” là gói thầu có địa bàn thi công trải dài trên 15km, tổng khối lượng thiết bị 21.500 tấn, trị giá 16,5 triệu USD, yêu cầu một lượng lớn kỹ sư và công nhân lao động lành nghề (khoảng 500 người) cùng với hệ thống trang thiết bị thi công tương ứng (khoảng 10 - 15 cần trục từ 20 - 200 tấn) và các thiết bị phụ trợ khác.
Một trong những hạng mục “đau đầu” của COMA là triển khai lắp kết cấu nặng cho máy giải speader. Theo phương án thi công nhà thầu chính duyệt thì phải dùng cẩu 200 tấn bánh xích để thi công. Trên công trường sẵn có một số phương tiện trong đó cẩu lớn nhất và thông dụng là trọng tải là 150 tấn. Cần phải nói thêm rằng việc đưa một thiết bị lớn từ Việt Nam sang đến công trường vô cùng khó khăn, phức tạp. Ngoài việc tốn kém thời gian và tiền bạc còn một trở ngại nữa là thủ tục nhập cảnh, yêu cầu kiểm định chất lượng gắt gao… COMA trình phương án sử dụng cẩu 150 tấn và phương tiện phụ trợ đề thi công. Cuộc thương lượng, thuyết phục diễn ra không mấy dễ dàng nhưng sự kiên trì, quả quyết, tự tin của COMA đã được chấp nhận. Bài toán lắp từng phần các cấu kiện nặng được COMA giải thành công, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tuyệt đối an toàn.
Trong quá trình triển khai công việc những người thợ COMA sớm lấy được lòng tin cậy cũng như khẳng định được trình độ của mình một cách thuyết phục với nhà thầu chính – tập đoàn SANDVIK danh tiếng. Người COMA cầu thị, học hỏi sự linh hoạt từ chuyên gia bạn. Ngược lại, đối tác nước ngoài rất tôn trọng tinh thần vượt khó của người COMA.
Dương Hồng Diên
Theo