Thứ bảy 20/04/2024 08:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tổng cục Hải quan kiến nghị về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam

11:34 | 04/11/2020

(Xây dựng) – Trong quá trình xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản góp ý nhưng chưa được tiếp thu. Mới đây nhất, qua rà soát, Tổng cục Hải quan nhận thấy tại dự thảo mới nhất Luật Biên phòng Việt Nam trình Quốc hội thảo luận vẫn còn nhiều điểm mâu thuẫn, chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng.

tong cuc hai quan kien nghi ve du thao luat bien phong viet nam
Lực lượng Hải quan bắt giữ, xử lý nhiều hàng hóa vi phạm (Ảnh: Internet).

Ngày 3/11, Tổng cục Hải quan có Công văn số 7059/TCHQ-ĐTCBL gửi lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV và Bộ Tư pháp kiến nghị về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.

Theo đó, căn cứ quy định, trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trong địa bàn hoạt động, cơ quan hải quan được Luật Hải quan giao chịu trách nhiệm chính, chủ trì xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, các cơ quan khác phát hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan thì phải báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý.

Do đó, để thực hiện nhiệm vụ nhiệm vụ trên, cơ quan hải quan phải kiểm tra, giám sát, kiểm soát phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện chính sách quản lý Nhà nước về ngoại thương và thực hiện chức năng thu thuế cho ngân sách Nhà nước (Chức năng, nhiệm vụ này chỉ cơ quan hải quan có, biên phòng không có).

Qua rà soát, Tổng cục Hải quan nhận thấy tại dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng đang trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan.

Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 5, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định nhiệm vụ của biên phòng “đảm bảo việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu”. Thế nhưng, Tổng cục Hải quan cho rằng, việc quy định như dự thảo có phạm vi rất rộng, chưa rõ ràng. Tại khu vực cửa khẩu có nhiều lực lượng thực thi pháp luật như hải quan, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch y tế, công an…

Việc quy định như trên được hiểu Biên phòng là lực lượng giám sát, đảm bảo thi hành pháp luật ở tất cả các lĩnh vực của các lực lượng khác tại khu vực biên giới, cửa khẩu, trong khi chức năng này chỉ do Quốc hội, HĐND các cấp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện và không phải chức năng của Bộ đội Biên phòng.

Vì vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị Ban soạn thảo Luật rà soát, nghiên cứu chỉ rõ giới hạn, phạm vi, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng của Bộ đội biên phòng là đảm bảo thi hành pháp luật biên phòng. Tổng cục Hải quan kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung trên thành “đảm bảo việc thi hành Luật này ở khu vực biên giới, cửa khẩu”.

Bên cạnh đó, tại Điểm d, khoản 2, Điều 10, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định nguyên tắc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng “Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước thì xử lý theo quy định của pháp luật”. Theo Tổng cục Hải quan, quy định này không phù hợp, trùng chéo, mâu thuẫn với quy định của Luật Hải quan.

Bởi, theo quy định tại Luật Hải quan: “Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan phù hợp với pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải chưa đưa ra khỏi phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý.”

Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã giao hải quan trong địa bàn hoạt động hải quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Việc dự thảo Luật Biên phòng quy định như trên là không phù hợp, trùng chéo với Luật Hải quan.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan đề nghị sửa đổi Điểm d, khoản 2, Điều 10, dự thảo Luật như sau: “d. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan theo quy định của pháp luật được giao chủ trì sẽ chịu trách nhiệm chính kiểm tra, xử lý. Cơ quan, tổ chức, lực lượng phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng không phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính, chủ trì hoặc không có thẩm quyền xử lý thông báo ngay và phối hợp với cơ quan chịu trách nhiệm chính, có thẩm quyền xử lý để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật; trường hợp cần thiết để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, sau khi áp dụng các biện pháp cần thiết phải chuyển giao hồ sơ, người, phương tiện, tang vật vi phạm pháp luật cho cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền giải quyết. Cơ quan tổ chức, lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý cho cơ quan, tổ chức, lực lượng chuyển giao biết.”

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng kiểm soát xuất nhập cảnh, kiểm soát qua lại biên giới (là nội dung mới bổ sung nhưng không giới hạn phạm vi, đối tượng kiểm soát) được hiểu là kiểm soát toàn bộ các hoạt động qua lại biên giới trong đó bao gồm hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh. Điều này trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan đã được quy định tại Luật Hải quan 2014.

Trường hợp dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam với những quy định trên được thông qua sẽ dẫn đến 02 cơ quan (hải quan và biên phòng) cùng thực hiện một nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, giám sát, kiểm soát cho 01 phương tiện xuất nhập cảnh; hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan cho rằng, điều này dẫn đến không phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về tạo thuận lợi thương mại và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan đang thực hiện theo quy định của Luật Hải quan, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông quan, phiền hà cho doanh nghiệp, phát sinh thêm chi phí (vì hải quan đã làm thủ tục hải quan, thu phí, thuế thì biên phòng lại làm thủ tục, kiểm tra lại), phát sinh trường hợp cơ quan hải quan đã cho phép thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất, nhập cảnh nhưng biên phòng chưa kiểm tra thì cũng chưa được thông quan.

Đặc biệt, không phù hợp với thông lệ quốc tế, theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia (Công ước Quốc tế về đơn giản hoá và hài hòa thủ tục hải quan 1999 (Việt Nam là thành viên của Công ước) quy định: “Mọi hàng hóa, kể cả phương tiện vận tải, nhập vào hay rời khỏi lãnh thổ Hải quan, bất kể là có phải chịu thuế hải quan và thuế khác hay không, đều là đối tượng kiểm tra Hải quan”.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load