Thứ sáu 13/12/2024 18:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Tổng Bí thư: Không để cơ quan nhà nước là 'vùng trú an toàn' cho cán bộ yếu kém

13:55 | 01/12/2024

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, không để cơ quan nhà nước là 'vùng trú an toàn' cho cán bộ yếu kém.

Tổng Bí thư: Không để cơ quan nhà nước là 'vùng trú an toàn' cho cán bộ yếu kém
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 11 tháng của năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025; các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển, bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, thành phố Hà Nội kết hợp với trực tuyến tới các điểm cầu của các cơ quan Trung ương, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu cấp xã...

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy; lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể cán bộ, đảng viên được triệu tập tại các điểm cầu.

Tại Hội nghị, các đại biểu nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả."

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế." Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề “Tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025."

Khơi thông mọi nguồn lực, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh từ sau Hội nghị Trung ương 10 ngày 20/9/2024 đến nay, cả hệ thống chính trị đã có những chuyển động mạnh mẽ, vận hành với tinh thần mới, vận tốc mới nhằm tạo ra những động lực mới, hiệu năng mới cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói," phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình. Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang tập trung giải quyết những điểm nghẽn và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể "cất cánh," nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế phát triển, thủ tục hành chính...

Tổng Bí thư yêu cầu cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế phát triển, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Đổi mới thể chế phát triển không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật. Phải có "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, "hành dân," "hành doanh nghiệp," có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…

Nhấn mạnh các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội đã khá đầy đủ, bây giờ là lúc phải hành động, Tổng Bí thư đề nghị trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ "trên chính mảnh đất của mình," phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước.

Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển.

Tổng Bí thư nhấn mạnh ngoài nỗ lực của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, cần sự hưởng ứng, vào cuộc của người dân. Phát triển kinh tế cần gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát... thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Đóng góp vào mục tiêu chung của đất nước

Về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV, Tổng Bí thư nhấn mạnh Đại hội đảng các cấp từ các chi bộ cơ sở, đến cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương phải là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, thảo luận về tầm nhìn và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước vươn mình giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng đã được Trung ương xây dựng công phu, kỹ càng, khoa học. Nhiệm vụ của cấp ủy các cấp là sớm tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các Văn kiện trên.

Tổng Bí thư lưu ý điều quan trọng là từ nội dung Dự thảo các Văn kiện của Đại hội XIV, cấp ủy các cấp lấy đó làm cơ sở xây dựng nội dung báo cáo chính trị, phương hướng nhiệm vụ công tác cho các văn kiện của cấp mình; xác định cụ thể những mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, đóng góp vào mục tiêu chung của đất nước trong giai đoạn tới.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức đảng, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp nhân dân để bổ sung, hoàn thiện các Văn kiện để trình Đại hội XIV với tinh thần Văn kiện phải bám sát hơi thở cuộc sống, phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Văn kiện phải trở thành "sách giáo khoa," thành "từ điển" để khi cần thì "tra" vào đó và sẽ thấy ngay "ánh sáng soi đường." Hạn chế tối đa việc phải tiếp tục ban hành các nghị quyết, chỉ thị tiếp theo để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV.

Tổng Bí thư: Không để cơ quan nhà nước là 'vùng trú an toàn' cho cán bộ yếu kém
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tổng Bí thư yêu cầu cấp ủy các cấp cần tập trung chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới theo đúng các nội dung đã được hướng dẫn, chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để "nâng mình lên" đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước, nếu không đáp ứng được thì tự nguyện đứng sang một bên để người khác làm.

“Phải hết sức lưu ý khắc phục những "căn bệnh" của công tác cán bộ trước Đại hội như: người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới; nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; tính toán cho người thân, người quen, người "cánh hẩu" với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng "thủ thuật tổ chức" để gạt người mà mình không thích... Công tác tổ chức cán bộ là công tác của Đảng, do vậy các cấp ủy đảng phải thực hiện thật nghiêm túc Điều lệ Đảng cũng như các quy định của Đảng, của pháp luật về công tác cán bộ," Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị

Về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.

Các đồng chí cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở"; "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng."

Từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ (bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12/2024); hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý 1/2025.

Tổng Bí thư lưu ý triển khai thực hiện khẩn trương nhưng bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, tiếp thu ý kiến từ tổng kết thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả kinh nghiệm nước ngoài... để đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy tối ưu nhất.

Tổng Bí thư: Không để cơ quan nhà nước là 'vùng trú an toàn' cho cán bộ yếu kém
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu, cũng phải rà soát đề xuất sắp xếp lại bên trong; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian; cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống lãng phí, chuyển đổi số quốc gia, xã hội hóa các dịch vụ công...

Yêu cầu chung là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...

Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan nhà nước là “vùng trú an toàn” cho cán bộ yếu kém. Với yêu cầu cao hơn khi triển khai tổ chức mới, phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại cán bộ trước và sau khi sắp xếp lại tổ chức.

Tổng Bí thư đề nghị từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy; bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, không để phát sinh phức tạp. Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn (trừ những trường hợp thật sự cần thiết); tạm dừng việc tuyển công chức từ ngày 01/12/2024 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương.

Các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong Nhân dân về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy trong tình hình mới. Đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc việc thực hiện chủ trương này; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng việc sắp xếp tổ chức, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cơ quan, tổ chức.

Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các đồng chí từ Trung ương đến cơ sở, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành sớm việc tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị; góp phần tăng tốc, bứt phá vượt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII; chuẩn bị thật tốt đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Tổng Bí thư: Không để cơ quan nhà nước là 'vùng trú an toàn' cho cán bộ yếu kém
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Phát biểu định hướng công tác tuyên truyền nội dung Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Hội nghị sâu rộng hơn nữa, nhanh chóng đưa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương thành hành động cụ thể, bảo đảm đúng tiến độ, lộ trình và có kết quả rõ rệt./.

Theo Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load