Đây là vấn đề được đề cập khá đậm nét tại cuộc họp báo đầu năm do KTS Việt Nam tổ chức ngày 13/02 tại Hà Nội. Theo đó, trong năm 2012, Hội sẽ tập trung vào một số nội dung hoạt động chính như kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4; tuyển chọn và công nhận các công trình kiến trúc xanh Việt Nam; triển lãm kiến trúc quốc tế Viet-arc, tuyển chọn Giải thưởng Kiến trúc quốc gia (GTKTVN)… Điều đáng nói là trong các nội dung hoạt động trên, Hội đặc biệt chú trọng đến việc tôn vinh kiến trúc xanh.
Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc sẽ được trẻ hóa
Cụ thể, ở GTKTQG tổ chức 2 năm một lần, GTKTQG năm 2012 có cơ cấu giải thưởng tương tự như các năm trước đó, gồm Giải thưởng lớn dành cho các tác phẩm đặc biệt xuất sắc và các bộ giải thưởng (Nhất, Nhì, Ba…) dành cho công trình kiến trúc, đồ án quy hoạch và các tác phẩm nghiên cứu lý luận, phê bình kiến trúc. Tuy nhiên, trong tiêu chí xét giải 2012, Hội đồng Giải thưởng ưu tiên đối với các tác phẩm ứng dụng công nghệ mới, kiến trúc xanh. Trong đó kiến trúc xanh sẽ được ghi nhận ở những tác phẩm chú trọng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, sử dụng vật liệu mới…
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn nhấn mạnh: Với tiêu chí xét giải này, Hội đồng Giải thưởng bày tỏ thái độ ủng hộ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kiến trúc xanh ở Việt Nam.
Liên quan đến GTKTQG năm 2012, ông Vạn cũng cho biết: Hội đồng Giải thưởng có sự thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn. Tham gia thành viên hội đồng phải là những tác giả không có tác phẩm dự thi. Bên cạnh những chuyên gia có uy tín, nhiều thành tựu, giàu kinh nghiệm, thành viên Hội đồng Giải thưởng sẽ còn gồm những KTS trẻ có thành tựu, có tri thức, nắm bắt được xu hướng hành nghề của KTS trẻ. Nói cách khác, Hội đồng xét GTKTQG sẽ được trẻ hóa.
Một điểm mới nữa của GTKTQG 2012 là Hội đồng sẽ công bố các tác phẩm dự giải trên mạng điện tử của Hội để đông đảo quần chúng nhân dân cùng bình chọn cho tác phẩm họ yêu thích. Thông qua hình thức bình chọn của cộng đồng, một mặt, Hội đồng giải thưởng đưa tác phẩm kiến trúc lại gần với cộng đồng và nhất là có thể nắm bắt được nhận thức của xã hội, tư tưởng, mong muốn, ước vọng của cộng đồng đối với công trình kiến trúc. Mặt khác, Hội đồng cũng có thể định hướng lại công chúng…
Tuyển chọn công trình kiến trúc xanh Việt Nam lần thứ nhất
Cũng theo Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, kiến trúc xanh là một xu hướng phát triển của thế giới, Việt Nam đang đi sau và càng đi sau càng thiệt thòi. 2 năm qua, Hội KTS Việt Nam cổ súy rất nhiều xu hướng phát triển kiến trúc xanh ở Việt Nam. Năm 2012 Hội chính thức tổ chức tuyển chọn công trình kiến trúc xanh lần thứ nhất vào dịp kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4.
Theo đó, điều kiện dự giải là các công trình, cụm công trình kiến trúc (các thể loại như công trình công cộng, nhà ở, trùng tu tôn tạo, nội ngoại thất, công trình công nghiệp, đồ án quy hoạch…) đã được xây dựng, đưa vào sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam từ năm 2000 đến nay. Tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc xanh Việt Nam gồm địa điểm bền vững; môi trường sống bên trong công trình có chất lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; hòa nhập môi trường nhân văn; kiến trúc hiện đại, có bản sắc.
Ông Vạn nhấn mạnh: Thế giới có những tiêu chí khác nhau về công trình kiến trúc xanh. Những tiêu chí đề cập ở trên là tiêu chí của Việt Nam, không quá thiên về sử dụng công nghệ hiện đại (công nghệ hóa công trình) mà chú trọng tìm kiếm các giải pháp thông minh nhằm kết hợp tư tưởng kiến trúc truyền thống với công nghệ hiện đại nhằm tạo ra những môi trường sống, công trình cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong tương lai, sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả…
Trước đó, trong Ngày Kiến trúc Việt Nam năm 2011, Hội KTS Việt Nam đã ra tuyên bố về kiến trúc xanh Việt Nam: “Kiến trúc xanh là con đường để tạo lập môi trường sống bền vững cho con người. Đó là hướng phát triển của kiến trúc Việt Nam vì cuộc sống tốt đẹp hôm nay, không tổn hại đến cuộc sống ngày mai và vì sự phát triển trường tồn của đất nước”. Hội KTS Việt Nam cam kết đi tiên phong và phối hợp với toàn xã hội thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về kiến trúc xanh; nghiên cứu, xây dựng và phổ biến các tiêu chí về kiến trúc xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam, thúc đẩy ứng dụng trong thiết kế kiến trúc, quy hoạch, xây dựng, sản xuất vật liệu và phát triển công nghệ thích hợp; tổ chức đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về kiến trúc xanh cho KTS và cộng đồng; thực hiện tư vấn phản biện xã hội theo nguyên tắc kiến trúc xanh; tôn vinh các tổ chức, cá nhân có ý tưởng, giải pháp và tác phẩm về kiến trúc xanh…
Tiểu Vũ
Theo baoxaydung.com.vn