Tôi xin được bắt đầu từ chuyến tàu nhanh từ sân bay Narita về trung tâm Tokyo. Tàu của họ rộng, sạch, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Thích nhất là sự đúng giờ, chính xác đến từng phút. Thứ đến là đúng điểm, chính xác đến từng xen-ti-mét. Nghĩa là khi tàu dừng ở ga, số toa với số đánh bằng sơn trên hành lang lên xuống trùng khít nhau, toa số 1 đúng vạch sơn số 1, toa số 2, số 3… cho đến cuối, cứ là sóng đôi.
Ở ta hay dùng từ sân ga. Ở Nhật không có khái niệm ấy. Họ tiết kiệm đất nên chỗ dành cho khách lên xuống tàu chỉ được gọi là hành lang thôi. Thế nhưng quan sát kỹ, ở ga nào, hành lang cũng được lát một loại gạch màu vàng, có gờ, giống nhau theo một quy định nghiêm ngặt.
Ông bạn già người Nhật ra đón tôi từ sân bay về, giải thích khi tôi hỏi: Gạch ấy để những người khiếm thị dùng gậy nhận biết, thì họ hiểu là giới hạn an toàn, không được đi quá vào trong.
Dứt lời, tôi thấy ngay một cảnh tượng thật lạ: Một chú chó to lớn, đang dắt một người khiếm thị. Chú chó được huấn luyện, là người trợ giúp đắc lực cho người khiếm thị, nó như người bạn thân thiết, như người đầy tớ trung thành. Trung thành với nhân dân!
Tàu dừng ở ga Nippori để chuyển tàu. Tôi thật sự thích thú cái hành lang bằng phẳng. Nó được người thiết kế đặt nó cao ngang với cửa ra vào vào toa. Ở ta phải gọi là cửa lên xuống, vì sàn tàu cách mặt đất hơn một mét. Khách đi tàu ở ta cứ lên xuống toa là như leo núi vậy. Việc đơn giản thế mà chưa một ông thiết kế trưởng, thiết kế viên, duyệt thiết kế… Và cả người thi công, phụ trách thi công các bến đỗ, nhà ga xe lửa nào, của ta, để ý, đề suất... vân vân và vân vân, thay đổi cái độ cao hơn một mét kia cho bằng phẳng để hành khách lên xuống tàu được ra vào tàu nhỉ?
Chuyển tàu. Hành lý cồng kềnh trong chuyến đi của tôi được di chuyển thật dễ dàng. Từ toa tàu ra hành lang thật bằng phằng, chẳng phải lên xuống, mang vác gì. Vào toa tàu ở đường ray khác, đầu mỗi toa đều có khu để hành lý riêng, các va ly có bánh xe, tay kéo có chỗ đứng thật ngay ngắn, tiện lợi.
Tôi và ông bạn già người Nhật, mỗi người một túi nhỏ đeo vai, nhẹ nhàng tìm chỗ ngồi trong toa. Đây là tàu nhanh, ông nói thế. Ông nói tiếng Việt khá sõi. Ông đã gần bảy mươi tuổi mà còn nhanh nhẹn lắm, vẫn ham học tiếng Việt chỉ dùng để đi du lịch Việt Nam và làm phiên dịch cho vợ - ông nói vui với tôi thế.
Ngồi vào hàng ghế bên cửa sổ, tôi có dịp quan sát toa tàu. Toa có khu dành riêng cho người tàn tật, phụ nữ có thai, con mọn, người già. Không cần biết tiếng Nhật, tiếng Anh, cứ nhìn hình vẽ dán ở khu vực đó là hiểu ngay. Tàu chạy nhanh, êm, toa đông người mà không có lấy một tiếng nói to, mọi người nói với nhau nhẹ nhàng đủ nghe, ai cũng thế.
Và dường như mỗi người đều thả mình vào một thế giới riêng. Không một tiếng chuông điện thoại cầm tay nào bất cẩn kêu trong toa tàu. Chỉ thấy họ lặng lẽ bấm nhanh bàn phím nhắn tin, tai thì đeo đôi tai nghe nhỏ nhắn.
Tất cả điện thoại khi đi tàu, hay các phương tiện giao thông khác, người tham gia giao thông ở Nhật đều đặt ở chế độ rung! Không có chuông. Dứt khoát là không đổ chuông khi có cuộc gọi tới!
Chuyến đi ấy có một chuyện mà tôi nhớ mãi: Lần đầu sang Nhật, lần đầu thấy sự khác lạ, tôi cũng như mọi người đi tàu, để hành lý nhẹ trên giá để hành lý gọn gàng, xinh xắn. Khi xuống tàu, tôi để quên túi hành lý nhỏ trên giá để hành lý. Hốt hoảng khi nhận ra tàu đã chạy. Tôi nói với ông bạn già người Nhật. Ông bình thản, vào gặp người phụ trách ga vừa xuống và nói vài câu. Tôi thấy hai người gật đầu, vẻ mặt thật tự tin. Một người thì vừa hứa một điều gì, một người thì nhận và nghe lời hứa ấy. Lời hứa sau nửa giờ nữa, trong chuyến tàu ngược lại, nhân viên sẽ mang túi xách bỏ quên của tôi trả lại tại ga tôi vừa xuống. Thật kinh ngạc!
Trước khi tàu tàu tới ga, bao giờ cũng có một giọng nói nữ thật nhẹ nhàng trên hệ thống âm thanh đặt trên tàu, một lần bằng tiếng Nhật, sau đấy là tiếng Anh, thông báo ga tới là ga tên gì, cửa toa tàu sẽ mở bên trái hay bên phải để hành khách ra vào thuận tiện.
Thông tin được lặp lại hai lần. Ngay trên mỗi cửa ra vào, đều có bảng chữ điện tử, hiện một lần bằng tiếng Nhật, một lần bằng tiếng Anh tên toa sắp đỗ, cửa mở phía nào. Nghĩa là thông tin đến hành khách có cả ánh sáng có cả âm thanh. Thật hoàn hảo!
Trong một chuyến đi khác từ Tokyo xuống cố đô Kyoto, chúng tôi đi trên tàu cao tốc (người Nhật gọi là Shikansen). Đoàn tàu thật sang trọng. Bên ngoài nhìn nó như máy bay không có cánh, cả đoàn tàu được thiết kế kiểu dáng tôn trọng luật khí động học giảm bớt ma sát khi chuyển động với tốc độ cao. Vật liệu là những thứ bền chắc, không rỉ, như: Hợp kim nhôm, Inốc… Trong toa tàu trải thảm, hai hàng ghế sát hai hàng cửa sổ hai bên.
Đặc biệt, chiếc ghế ba chỗ ngồi có thể quay 360 độ. Hai hàng ghế liền nhau có thể quay lại với nhau thành một khu riêng, sáu chỗ ngồi, tròn mâm, ấm cúng. Chuyến đi ấy, chúng tôi cũng có sáu người: vợ chồng ông bạn già người Nhật, tôi và con gái đang học ở Nhật và hai mẹ con một du học sinh khác học cùng con gái tôi.
Chỉ cần một động tác nhẹ, đạp chân vào cần hãm dưới chân ghế, ông bạn người Nhật đã quay 180 độ chiếc ghế ba chỗ ngồi. Chúng tôi có một không gian riêng ấm cúng, thân thiện. Sáu người chúng tôi được quay mặt vào nhau, nói vừa đủ nghe và không có một tiếng chuông điện thoại nào… Tàu lao đi vun vút với tốc độ chóng mặt, lúc cao nhất nó đạt tới vận tốc 320km/h! Choáng.
Trong toa, thật bình thản, các cửa sổ được lắp kính giảm tốc. Tôi ngắm nhìn phong cảnh đất nước Nhật: cũng ruộng đồng, cũng sông núi như ta mà cái gì cũng ngay ngắn, mạch lạc, sạch sẽ. Tàu tới cố đô Kyoto sau hai giờ bốn mươi nhăm phút. Chỉ ngần ấy thời gian mà chúng tôi đã vượt chặng đường gần bốn trăm cây số. Ga tàu nào cũng có hệ thống thang máy và thang cuốn. Thang máy cho người tàn tật đi xe lăn, cho trẻ nhỏ nằm xe nôi, cho người già không muốn di chuyển theo thang cuốn đặt dốc, chênh chênh…
Tới Kyoto, chúng tôi được ông bạn người Nhật hướng dẫn mua vé ngày để dùng trong ngày với tất cả các phương tiện giao thông cần dùng để đi theo lộ trình riêng. Tính kinh tế của vé ngày thật cao, nó tiết kiệm được 50% chi phí nếu đi vé lượt (đi chuyến nào trả tiền chuyến ấy, đi lượt nào trả tiền lượt ấy).
Xe bus ở Kyoto được sản xuất từ những năm 90 thế kỷ trước hoặc xa hơn, nhưng chiếc nào chiếc nấy vẫn sạch sẽ, sáng bóng. Xe của hãng tư nhân mà. Không những thế, xe bus ở đây còn có một động tác cũng gây ngạc nhiên: khi dừng xe tại bến đỗ, xe tự nghiêng thêm một chút để khoảng cách cửa lên xuống so với mặt đường khoảng hơn mười phân.
Với khoảng cách này, người già bước xuống thật thoải mái, tự tin khi đặt chân xuống đất. Xe bus nào ở Nhật cũng được trang bị thêm 1 tấm ván gấp đôi, treo sát vách cửa xuống xe. Khi có người đi xe lăn xuống xe, lái xe chủ động xuống, sau khi mở cửa sau, lấy tấm ván, mở rộng, đón chiếc xe lăn như đón người thân.
Xong việc, họ “aligatô” (cám ơn) nhau thật thân thiện. Đặc biệt xe bus ở Nhật không có phụ xe, mọi việc chỉ có lái xe giải quyết. Và không bao giờ lái xe được nghe điện thoại khi đang lái, mặc dù công nghệ điện thoại ở Nhật phát triển và phổ cập hơn ta nhiều.
Xe bus nào cũng có một thiết kế tiêu chuẩn: một cửa lên, một cửa xuống. Cửa lên phía trên đầu xe, có máy thu tiền. Bạn có thể cho tờ tiền giấy mệnh giá lớn (lớn nhất là 1 vạn yên) máy vẫn trả lại bạn tiền thừa chính xác đến từng đồng yên.
Hoặc bạn có thẻ đi tàu, xe, đã nạp tiền sẵn, thì máy sẽ trừ 1 khoản tiền chính xác khi bạn đập thẻ vào mặt máy thu tiền. Cửa xuống nằm khu vực giữa xe, hơi lệch về phía sau, nó có thể nghiêng thêm một chút cho gần mặt đất hơn, cho người bước xuống dễ hơn như tôi đã nói. Cách thu tiền tự động này được áp dụng ở tất cả các nhà ga, ở cả hai loại phương tiện tàu điện và xe bus.
Trong chuyến thăm Nhật lần sau, tôi được đi cùng nhà thơ Vân Long khả kính. Ông bạn già người Nhật ra đón chúng tôi từ sân bay Narita. Theo chỉ dẫn của con gái tôi, nhà thơ và tôi chuyển hành lý cồng kềnh gửi một công ty chuyên ngành, chuyển về tận nhà, với chi phí thật hợp lý. Chúng tôi có thể bắt đầu hành trình ngắm mùa lá đỏ ngay từ Narita, nơi có một cánh rừng với sắc thu sặc sỡ, vàng đỏ đan xen.
Mùa lá đỏ ở Nhật thật đẹp. Rừng cây lá đỏ ở gần sân bay Narita quá hấp dẫn với người lạ như chúng tôi. Tôi chụp khá nhiều bức ảnh lá đỏ mà phong cảnh ở đây đã làm tôi mê mẩn.
Chụp ảnh một hồi, ông bạn già người Nhật và nhà thơ Vân Long hút thuốc. Mặc dù đang hút thuốc giữa rừng, trên đường đá lát phẳng dành cho du khách, ông bạn người Nhật vẫn một tay cầm điếu thuốc, một tay cầm cái túi giấy nhỏ nhắn đựng tàn thuốc. Túi giấy này không cháy, nó sản xuất ra dùng riêng để đựng tàn thuốc lá. Ông lặng lẽ đưa nhà thơ Vân Long một cái túi như thế, làm nhà thơ của ta thoáng một chút ngạc nhiên, thoáng một chút đăm chiêu.
Sau gần một ngày đi ngắm lá đỏ khắp vùng, chiều tối về đến nhà con gái tôi ở, đã thấy hành lý gửi được mang đến an toàn, đủ đầy.
Khi trở về với chiếc túi nhẹ đeo vai và nặng trĩu những bức ảnh lá đỏ, chúng tôi đi cùng ông bạn người Nhật, ông chỉ cho chúng tôi những ký tự dập nổi trên mỗi tay vịn của thang cuốn khi lên xuống ga tàu điện ngầm. Đấy là các ký hiệu dành cho người khiếm thị, khi họ chạm tay để đọc chữ, họ biết là thang cuốn đi lên hay đi xuống!
Ra khỏi ga tàu điện cuối cùng trong chuyến hành trình ngắn trong ngày, chúng tôi tản bộ trên đường phố Tokyo rực ánh đèn màu. Qua ngã tư, ngoài tín hiệu đèn xanh, đỏ, còn có cả âm thanh nhẹ như tiếng chim hót không véo von lắm, chỉ đủ nghe, hoặc như tiếng cuốc kêu gọi bạn. Trên ngã tư có một người khiếm thị, tay gậy của ông đập nhẹ vào những viên gạch chứa thông tin riêng cho ông. Lúc có tiếng chim hót, ông hiểu rằng, đèn xanh đã bật, tay gậy ông lia nhẹ lên mặt đường. Ông sang đường đúng vùng sơn “ngựa vằn” dành cho người đi bộ.
Tôi cứ ước ao mãi: Bao giờ thì giao thông và người tham gia giao thông ở ta được như thế.
Vân Đình Hùng
Theo