Thứ hai 09/12/2024 18:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

GS.TS Nguyễn Lân Dũng:

"Tôi rất buồn khi nghe xin việc vào nhà nước phải chạy chọt số tiền lớn!"

18:20 | 26/07/2014

Đề án gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học làm một với mục đích hạn chế tiêu cực và giảm sự cồng kềnh, tốn kém trong công tác thi cử của Bộ GD-ĐT đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Báo điện tử Một Thế Giới xin được gửi đến bạn đọc góc nhìn của GS. NGND Nguyễn Lân Dũng về vấn đề này.

Xin ông cho biết quan điểm của mình trước đề án gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp và Đại học làm một?

Quan điểm của tôi là học gì phải thi nấy, có học thì phải có thi, học mà không thi thì học sinh không chịu học học. Như vậy, không thể gộp hai kỳ thi làm một như phương án đề ra gần đây. Cần phải thi nhưng thi như thế nào lại là chuyện khác.

Theo tôi, hai kỳ thi như hiện nay là không hợp lý. Không nước nào trên thế giới có hai kỳ thi Quốc gia gần nhau như ở ta hiện nay. Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay hầu như học sinh đỗ gần hết, vậy thì tổ chức thi làm gì cho tốn kém.

Hiện nay điểm tổng kết của học sinh THPT thường được các thầy cô ưu ái cho toàn 7 trở lên (!). Vậy thi nếu chỉ có 3 điểm thì vẫn đỗ tốt nghiệp như thường. Cái bằng tốt nghiệp THPT tương đương với bậc Tú tài đời xưa, vậy thì người nhận bằng phải xứng đáng.

Thi cử như vừa qua thì cái bằng ấy còn có giá trị gì nữa, khi không phản ánh đúng được học lực của từng học sinh.


Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng kỳ thi "ba chung" không hề đem lại lợi ích như chúng ta đang mong đợi

Vậy theo ông, nên giải quyết tình trạng này như thế nào?

Bằng cấp như tôi đã nói phải có giá trị, phại đạt được trình độ chuẩn nhất định nào đó. Thi cử nhằm đánh giá học sinh, nhưng hai kỳ thi Quốc gia gần nhau như hiện nay vừa quá nặng nề, vất vả, lại dễ tiêu cực, rất tốn kém mà đáng tiếc lại là không đáp ứng được những mục tiêu cần có. 

 Tôi rất buồn khi nghe nói còn tới 70 nghìn sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng, Đạị học đang thất nghiệp. Đâu phải chúng ta đang thừa trí thức, mà có lẽ do đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội, do sinh viên muốn bám giữ ở thành phố, đô thị mà không có ý thức về quê hương mình để góp phần đổi mới cuộc sống của bà con quê mình. Tôi càng buồn hơn khi nghe nói việc xin vào các cơ quan Nhà nước cần phải chạy chọt với những số tiền lớn đến mức khó hình dung nổi.

Để giải quyết tình trạng này, theo tôi người đánh giá chính xác nhất từng học sinh THPT chính là các giáo viên và Hội đồng giáo dục của từng nhà trường. Việc đánh giá thông qua quá trình giảng dạy, và được thể hiện trên học bạ của mỗi học sinh. Những năm tháng học phổ thông là thời gian quý giá nhất đối với mỗi đời người. Đó là thời cơ để được tiếp nhận một nền tảng kiến thức toàn diện làm cơ sở cho việc vận dụng và phát triển thêm trong suốt cuộc đời.

Một điểm khó khăn nữa của chúng ta là lâu nay hình như không có chuyện để học sinh kém lưu ban. Lớp nào cũng vậy, kể cả lớp12, nếu không đủ yêu cầu về học lực thì cần phải để lưu ban. Thời xưa khi chúng tôi đi học thì đây là chuyện rất bình thường. Nay vì không có lưu ban nên học sinh nếu cứ được lên lớp hết thì sẽ mất căn bản và học càng ngày càng kém.

Trượt tốt nghiệp THPT mà không được lưu ban thì thật bi đát. Các em còn đâu tâm trí để tự học và năm sau theo tiêu chuẩn thí sinh tự do. Chính vì thương các em và thông cảm với hoàn cảnh gia đình của số đông các em còn khó khăn về kinh tế nên các thầy cô giáo có khuynh hướng cho các em tốt nghiệp THPT một cách quá dễ dàng và không thực chất. Kết quả là tạo ra một kỳ thi vừa tốn kém, vừa mệt mỏi mà thật là rất ít ý nghĩa.

Nếu giao việc đánh giá tốt nghiệp học sinh cho các trường, liệu có xảy ra sự gian lận, nể nang, móc ngoặc… trong đánh giá học sinh không, thưa ông?

Phải tin tưởng ở đội ngũ giáo viên và làm cho họ có trách nhiệm với tương lai của từng học sinh. Để học sinh lưu ban là tạo điều kiện cho các em có đủ mặt bằng kiến thức để vào đời hay học lên các bậc cao hơn.

Tại nhiều nước kinh tế phát triển nhưng đâu phải mọi học sinh tốt nghiệp THPT đều muốn thi Đại học. Gia đình các em ấy cũng không gây áp lực gì khi thấy để đi học nghề rồi làm công nhân kỹ thuật phù hợp hơn với con cái của mình. Có điều là tại những nước ấy công nhân kỹ thuật có điều kiện nâng cấp dần căn cứ vào năng lực làm việc, do đó lương bổng không hề thua kém tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học, mà có khi còn cao hơn nhiều sau một quá trình phấn đấu trong nghề nghiệp của mình.

Việc đánh giá học sinh đừng ngại tiêu cực khi thường xuyên có kiểm tra và ghi điểm vào học bạ. Học sinh sẽ phải học đều các môn và cố gắng để không có điểm xấu trong học bạ. Điều quan trọng là học sinh và phụ huynh học sinh cần hiểu lưu ban là để đảm bảo chất lượng đích thực cho quá trình đào tạo và ủng hộ việc cho lưu ban của nhà trường. Khó khăn duy nhất là cơ sở vật chất còn quá thiếu thốn. Chính vì vậy mà cả thầy lẫn trò phải gắng sức dạy tốt, học tốt để số phải lưu ban không quá nhiều.

Ở góc độ tuyển sinh Đại học, theo ông chúng ta nên có điều chỉnh thế nào?

Thi đại học là cần thiết, không thể không có. Nhưng chúng ta nên trao quyền tự quyết cho các trường, nghĩa là để các trường tự tuyển sinh theo đúng đặc thù và tiêu chí của trường mình.

Tôi không thấy chuyện “Ba chung” có gì hay mà cần phải duy trì. Bộ chỉ nên giao chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào thực lực đội ngũ thầy cô giáo và cơ sở vật chất của từng trường. Các trường phải tự giữ uy tín cho trường mình trong công tác tuyển sinh. Nếu "vơ bèo vợt tép" cả những học sinh yếu kém thì uy tín trường ấy đâu còn được tôn trọng và sau khi tốt nghiệp sinh viên rất khó xin được những chỗ làm thỏa đáng.

Công việc của Bộ là kiểm tra chất lượng đào tạo của từng trường và hướng dẫn chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với nhu cầu xã hội.

Tôi rất buồn khi nghe nói còn tới 70 nghìn sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng, Đạị học đang thất nghiệp. Đâu phải chúng ta đang thừa trí thức, mà có lẽ do đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội, do sinh viên muốn bám giữ ở thành phố, đô thị mà không có ý thức về quê hương mình để góp phần đổi mới cuộc sống của bà con quê mình. Tôi càng buồn hơn khi nghe nói việc xin vào các cơ quan Nhà nước cần phải chạy chọt với những số tiền lớn đến mức khó hình dung nổi.


Việc tổ chức một kỳ thi Quốc gia chung từ năm 2015 đã nhận được khá nhiều ý kiến đồng thuận

Nếu vậy thì chúng ta phải quay lại đề án đổi mới giáo dục toàn diện của Bộ Giáo dục mới đây, có điểm nào chưa hợp lý không?

Đây là chuyện dài, khó có thể trả lời ngắn gọn. Trong buổi trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong chương trình Chuyện đương thời trên VTV1 vừa qua tôi đã mạnh dạn đưa ra mấy kiến nghị sau đây:

Thứ nhất: Cần phát huy tối đa vai trò các Hội khoa học chuyên ngành trong việc trực tiếp thảo luận Chương trình giáo dục phổ thông dựa trên ba tiêu chí: Hội nhập quốc tế, Phù hợp với hoàn cảnh Việt nam và có thể sử dụng lâu dài. Chúng tôi muốn trực tiếp tham gia dưới sự lãnh đạo của Bộ chứ không phải chỉ góp ý kiến qua loa những thứ do Bộ đã biên soạn xong hết rồi.

Thứ hai: Hoan nghênh chủ trương có nhiều bộ sách giáo khoa và đây là việc của các nhóm tác giả và các Nhà xuất bản. Nhà nước không cần bỏ một đồng tiền nào vào việc này. Bộ sách nào không theo Chương trình chuẩn thì không được in. Bộ sách nào kém thì tự chịu thua lỗ.

Thứ ba: Nên dùng các sách tham khảo nổi tiếng của nước ngoài (phần lớn đã được dich) để khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng (Thư viện cho giáo viên mượn lâu dài). Tránh tập trung tốn kém để bồi dưỡng rất ít hiệu quả như cách làm lâu nay.

Thứ tư: Chớ vội ảo tưởng về việc áp dụng đại trà công nghệ thông tin trong đổi mới giáo dục. Ngay nơi giàu nhất nước là TP.HCM mà việc chuẩn bị sử dụng sách giáo khoa điện tử còn đang chưa được đồng thuận, nói gì đến vùng sâu, vùng cao, vùng xa.

Việc dạy tiếng Anh từ lớp ba là quá tốt nhưng liệu có sớm triển khai được không, khi chưa có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và khi các tỉnh biên giới thấy nếu học ngoại ngữ của nước giáp biên sẽ có lợi hơn. Việc dạy Công nghệ thông tin thì cần làm ngay vì học sinh hiện nay đã thường xuyên tiếp xúc với các phương tiện kỹ thuật số.

Thứ năm: Đừng hiểu nhầm tư duy giáo dục ngoài Dạy chữ còn phải Dạy làm người mà tăng giờ dạy môn học Đạo đức - Công dân và phân khúc ra dạy theo từng cấp học.

Tôi cũng mong gửi ý kiến của mình tới đông đảo bạn đọc Một Thế Giới, là một tờ báo uy tín trong cả nước đóng góp thêm thật nhiều ý kiến vào vấn đề này.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Theo Bùi Lâm/motthegioi.vn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load