Tháng 6/2010, dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Cty CP Xây dựng Công nghiệp Toàn Phát, tên gọi tắt là TOPACO, người đứng đầu DN này đã có bài phát biểu đề xướng định hướng phát triển của đơn vị phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt mức doanh thu 2.000 tỷ. Từ năm 2011 cho đến nay, tình hình kinh tế khủng hoảng, BĐS đóng băng, các loại vật liệu xây dựng ế ẩm, các dự án đều teo tóp khiến cho nhà thầu xây lắp kể cả những nhà thầu có thâm niên cũng bị chới với, lận đận, huống hồ một Cty Toàn Phát vừa mới “ngo ngoe” bước vào thương trường vài năm thì đứng sao nổi? Nói đến TOPACO là nghĩ ngay đến bước đột phá đầy mạo hiểm, chông gai do một nhóm trí thức còn rất trẻ đang ở lứa tuổi đầu 3. Họ là những kỹ sư xây dựng, thủy lợi, một vài cử nhân kinh tế cùng hợp sức để mở ra một Cty mới. Giấy phép hành nghề và trụ sở chính đều đặt ở Hà Nội, nhưng ngay sau khi ra mắt thì toàn bộ quân - tướng khoảng dăm, bảy chục người cùng với một số xe máy, thiết bị cần thiết kéo lên Sơn La tìm kiếm việc làm. Cương lĩnh và sách lược đầu tiên của họ là “mèo bé bắt chuột bé”, nhưng tinh thần lao động phải xác định tiêu chí đầu tiên là kỹ thuật - chất lượng và đảm bảo tiến độ. Từ làm thầu phụ cho những hạng mục nhỏ, đơn chiếc, đến khối lượng lớn và chỉ sau 1 năm, TOPACO đã có uy tín, chiếm được thị phần tại những dự án vừa và nhỏ trong khu vực như: Dự án thủy điện Nậm Chiến 1 (công suất 200MW); Thủy điện Nậm Chiến 2 (28MW); tiếp đến là các công trình tận Sông Mã, Xốp Cộp (nằm ở vùng cuối của tỉnh Sơn La sát biên giới Việt - Lào), sau đó là Dự án thủy điện Nậm Ly (Hà Giang). Lính thợ TOPACO lúc này đã trưởng thành, dũng mãnh tiến đến đảm đương rất nhiều công trình chính, và hoàn thành tiến độ ở mức chính xác chất lượng cao. Nếu những năm đầu số công nhân của Cty mới chỉ trên dưới 100, thì những năm tháng tiếp sau đó Cty đã chiêu mộ thêm được nhiều thanh niên công nhân đã qua các trường nghề và những kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và thợ giỏi từ các nơi khác tụ về TOPACO lập nghiệp.
Với một ban lãnh đạo trẻ trung, năng động trong đó người đứng đầu là Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Vinh - một kỹ sư xây dựng có bản lĩnh, sáng tạo và quyết đoán, đồng thời ông còn thường xuyên gần gũi, chia sẻ với đồng nghiệp và đặc biệt rất quan tâm đến cuộc sống, công việc cho người lao động. Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Vinh cùng Ban lãnh đạo Cty đã xác định tầm nhìn chiến lược là lấy sự phát triển toàn diện của con người làm nền tảng, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại nhằm đưa Cty trở thành Tập đoàn xây dựng đứng ở tốp đầu của Việt Nam. Từ định hướng đó, TOPACO chú trọng việc xây dựng đội ngũ công nhân vững mạnh, có tay nghề thành thạo, có ý thức trách nhiệm với công việc, đồng thời TOPACO cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo lại, tận dụng thợ bậc cao kèm cặp rèn giũa cho thợ mới vào nghề. Nhờ vậy mà với bất cứ dự án nào thợ TOPACO thi công đều được chủ đầu tư an tâm và tin cậy. Mấy năm gần đây, cả nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, gây không ít khó khăn cho tất cả các DN xây lắp kể cả những anh cả trong ngành, trong khi một đơn vị nhỏ nhoi, chông chênh như TOPACO không chỉ khó khâu xoay xỏa việc làm cho công nhân mà còn gánh chịu những thất thoát bởi một số chủ đầu tư và nhà thầu chính nợ đọng nhiều khoản tiền về nhân công và mua sắm thiết bị, vật liệu cho công trình của họ. Ngay từ đầu năm 2010, bằng uy tín và sự nhanh nhạy của mình, Ban Lãnh đạo TOPACO đã liền một lúc nhận được 2 gói thầu lớn, được làm B chính cho cả 2 dự án: đó là công trình xây lắp Nhà máy thủy điện Sông Bạc (Hà Giang) và thủy điện Tà Cọ (40MW) tại một vùng sâu ở huyện Xốp Cộp - tỉnh Sơn La. Với 2 năm lao động cật lực trong bối cảnh khó khăn chung, TOPACO đã lẳng lặng dồn quân - cán, tập trung phương tiện thi công với cường độ cao để chiến thắng trong cả hai mùa lũ cho đến thời điểm này, cả 2 dự án trên đều đã được bàn giao, dự kiến đưa vào nghiệm thu chạy thử và phát điện nhân dịp cả nước mừng Quốc khánh mùng 2/9/2012. Tháng 8 này, TOPACO không chỉ mừng công thắng lợi hoàn thành 2 dự án lớn mà còn đúng vào dịp kỷ niệm 7 năm thành lập Cty.
Toàn Phát xác định tầm nhìn chiến lược là lấy sự phát triển toàn diện của con người làm nền tảng. |
Thực hiện nỗi khát khao và ước vọng của mình, TOPACO đang tự làm mới mình bằng sự chuyển giao sang mô hình mới. Đây sẽ là kết quả bước đầu mang tính khả thi trong việc thực hiện định hướng, chiến lược đến năm 2015, TOPACO sẽ đạt được ước mơ 2.000 tỷ giá trị tổng sản lượng. TOPACO đã bắt tay với một Cty CP TaiYu Kensetsu (Nhật Bản) - một DN đang kế thừa 84 năm truyền thống về lĩnh vực xây dựng giao thông - cầu cống tại Nhật Bản và một số nước trên thế giới. Cty Kensetsu sẽ góp 40% vốn điều lệ đồng thời cung cấp thiết bị công nghệ và kỹ thuật cùng với TOPACO hợp tác đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông ở Việt Nam.
Nguyễn Tất Lộc
Theo baoxaydung.com.vn