Thứ tư 09/10/2024 22:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Tọa đàm trực tuyến: Tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế với người có công

15:08 | 25/07/2019

(Xây dựng) – Kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2019), vào 14h00 ngày 25/7/2019 tại Hà Nội, Báo điện tử Xây dựng tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế với người có công”.

Công tác Thương binh liệt sĩ và chính sách đối với những người có công với cách mạng chính là thể hiện tính ưu việt và bản chất của Đảng và Nhà nước ta. Qua đó nhằm phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cách mạng và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, lãnh đạo.

Với các doanh nghiệp thương binh, người có công làm kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích và có chính sách hỗ trợ người có công vươn lên làm giàu, nếu thành lập doanh nghiệp sẽ được ưu đãi vay vốn, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, miễn giảm thuế, chuyển giao công nghệ... Với mong muốn trở thành diễn đàn trao đổi về những vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ người có công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng là hoạt động thiết thực Kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2019); Báo điện tử Xây dựng tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế với người có công”.


Ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng biên tập Báo Xây dựng, ông Nguyễn Sơn Tùng - Phó Tổng biên tập tặng hoa các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Mã Lương - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam; Anh hùng Lao động Trần Hồng Quảng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam, Tổng Giám đốc Xí nghiệp Tập thể Thương binh Quang Minh; ông Lê Văn Hùng – Tổng Giám đốc Cty CP May Lê Trực.

BTV: Câu hỏi đầu tiên dành cho Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam.

Xin ông cho biết hiện nay Nhà nước đã có những chính sách như thế nào để giúp đỡ cho người có công (NCC) với cách mạng đặc biệt là các thương bình, khuyết tật trong phát triển sản xuất kinh doanh?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Từ năm 1947 cho đến nay Đảng, Nhà nước đã có hơn 1400 văn bản từ Pháp lệnh, Chỉ thị từ Ban Bí thư, Bộ Chính trị, đến các Thông tư, quyết định và hàng loạt văn bản khác về chính sách đối với người có Công. Số lượng văn bản đó có tác động tích cực đến NCC, thương binh, các gia đình chính sách…

Việt Nam là đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh với điều kiện vô cùng ác liệt. Khi chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, trong bối cảnh xây dựng đất nước, cần có rất nhiều chính sách để khắc phục hậu quả từ chiến tranh để lại.

BTV: Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam đã có những hỗ trợ như thế nào đối với những hội viên là  thương binh, người khuyết tật tham gia sản xuất phát triển kinh tế?


Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Mã Lương - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam.

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam hiện nay có hơn 700 doanh nghiệp hội viên dọc theo chiều dài đất nước – là một trong những Hiệp hội có số doanh nghiệp lớn trong các Hiệp hội thương binh. Thông qua chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ các văn bản để từ đó có những giải pháp giúp đỡ, động viên nhau nỗ lực vươn lên thể hiện mình là những thương binh “tàn nhưng không phế” còn sức khỏe, trí tuệ là còn đóng góp cho quê hương, đất nước, gia đình. Đồng thời là sự khẳng định chính mình, tham gia vào sự phát triển chung của đất nước. Chúng tôi đã có những tọa đàm chia sẻ với những thành viên của Hiệp hội; đồng thời, mỗi khi có cơ hội làm việc với các địa phương chúng tôi đã có chính kiến để các tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp của thương binh.

Từ khi thành lập Hiệp hội cho đến nay, nhờ sự nỗ lực phấn đấu vượt lên chính mình của những người thương binh, chúng tôi đã lập nên những doanh nghiệp để hỗ trợ lẫn nhau. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như các tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng. Chính vì thế, chúng tôi luôn luôn cùng nhau động viên, dẫn dắt cùng phát triển và được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Tháng 4/2019, Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Điều này như chất xúc tác, động viên khích lệ người thương binh tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn.


Các đại biểu tham dự Tọa đàm trực tuyến tại trường quay Báo điện tử Xây dựng

BTV: Tiếp theo, xin được dành câu hỏi cho Anh hùng Lao động, Thương binh ¼ Trần Hồng Quảng –Tổng Giám đốc Xí nghiệp Tập thể Thương binh Quang Minh

Thưa ông, là doanh nghiệp thương binh làm kinh tế, vậy hàng năm doanh nghiệp đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ như thế nào từ chính sách của Nhà nước cũng như địa phương?

Ông Trần Hồng Quảng: Có thể nói, những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, trong đó có nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của thương binh và người khuyết tật.

Các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp của thương binh được thể hiện thông qua nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Bộ Luật Lao động năm 1994 và 2005, Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 và Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998, Pháp lệnh ưu đãi người có công cách mạng 2005 và 2012, Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg ngày 24/4/2008 về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động tàn tật. Từ đó, các địa phương đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, đề án, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện.

Là một doanh nghiệp thương binh làm kinh tế, Xí nghiệp tập thể Thương binh Quang Minh nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, của TP Hải Phòng như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất, mặt nước để sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tạo điều kiện để xúc tiến thương mại.


Anh hùng Lao động Trần Hồng Quảng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam, Tổng Giám đốc Xí nghiệp Tập thể Thương binh Quang Minh.

BTV: Ông có thể cho biết những điều kiện thuận lợi cũng như những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay là gì?

Ông Trần Hồng Quảng: Là một trong những doanh nghiệp thương binh làm kinh tế, Xí nghiệp Tập thể thương binh Quang Minh đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành địa phương. Được hưởng ưu đãi từ các chính sách của Nhà nước cũng như TP Hải Phòng như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất, mặt nước để sản xuất kinh doanh, đào tạo, xúc tiến thương mại nhưng cũng gặp nhiều khó khăn về lao động do sức khỏe hạn chế ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả lao động, năng lực để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị thấp; việc tiếp cận và thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo quy định tại điều 2, Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg: Các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật được thành lập theo quy định của pháp luật có trên 51% số lao động là người tàn tật và có quy chế hoạt động hoặc điều lệ phù hợp với đối tượng lao động là người tàn tật” thì được: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước” nhưng tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 9, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ có quy định mức độ hỗ trợ của Nhà nước như sau:

“Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật”. Quy định như trên còn nhiều bất cập vì nếu doanh nghiệp sử dụng 70% lao động là người khuyết tật trở lên thì không thể phát triển ổn định, bền vững trong điều kiện kinh tế hội nhập, phải luôn đối mặt với cạnh tranh.

BTV: Tiếp theo chương trình, xin được dành cho câu hỏi cho ông Lê Văn Hùng – Tổng Giám đốc Cty CP May Lê Trực.

Là một trong những doanh nghiệp ảnh hưởng đến thị trường địa ốc Thủ đô, đồng thời là người lính trưởng thành trong doanh nghiệp, ông có thể cho biết hàng năm doanh nghiệp đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ như thế nào từ chính sách của Nhà nước cũng như địa phương?


Ông Lê Văn Hùng – Tổng Giám đốc Cty CP May Lê Trực

Ông Lê Văn Hùng: Cty CP May Lê Trực tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hoạt động trên 50 năm và đã thực hiện đúng theo nhiệm vụ, kế hoạch của Nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương chính sách của Nhà nước về việc cổ phần hóa, doanh nghiệp đã triển khai đúng quy định, năm 1999 chuyển đổi DNNN Cty May thành Cty CP May Lê trực. Doanh nghiệp có trên 500 lao động, 24 Cổ đông và CBCNV là anh em thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng. Tiếp theo, trong quá trình hoạt động kinh doanh, Cty đã có nhiều đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Từ khi chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, Cty CP May Lê Trực đã nhận được sự giúp đỡ từ Nhà nước và TP Hà Nội.

Chuyển sang hoạt động thêm trong lĩnh vực bất động sản, Cty được TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tại 8B Lê Trực. Năm 2008, được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 với quy mô công trình 20 tầng và chiều cao công trình là 70m. Sau khi được thành phố cho phép thực hiện dự án, Cty đã làm các thủ tục về đầu tư dự án theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp đã thực hiện cam kết bàn giao 1.941m2 đất cho thành phố để mở đường Trần Phú kéo dài, không yêu cầu bồi thường diện tích đất tương đương khác. Dự án triển khai thi công từ năm 2010, trong quá trình thi công xong 4 tầng hầm thì UBND quận Ba Đình đình chỉ thi công để yêu cầu đi làm thủ tục xin cấp GPXD cho dự án.

Theo quy định tại Nghị định 12/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đã quy định đối tượng không phải cấp phép xây dựng tại điểm C, khoản 1, Điều 19 như sau: “Công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nhà ở có quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”;

Nghị định số 43/NQ-CP ngày 06/06/2014 của Chính phủ quy định về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh đã quy định tại điều 2, Khoản 1, điểm (h) như sau: Không yêu cầu thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng đối với công trình của dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500”. Do đó, công trình 8B Lê Trực trong diện công trình xây dựng khu nhà ở có quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008, nên công trình thuộc diện miễn giấy phép xây dựng.

Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/03/2014 cho công trình 8B Lê Trực trái quy định pháp luật; sai với quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 và không đúng Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, sai đối tượng được miễn phép nhưng lại cấp Giấy phép xây dựng.

Giấy phép xây dựng này cấp sai với quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 theo Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 của UBND thành phố Hà Nội, cấp phép đã bị thiếu 2 tầng và chiều cao công trình cấp bị thiếu là 16,1m (số tầng bị thiếu 20 tầng - 18 tầng = 2 tầng và chiều cao công trình bị thiếu 69,10m - 53m = 16,1m).

Cụ thể: Tầng 1 có chức năng thương mại theo quy định và quy hoạch chiều cao tầng phải là 4,5m nhưng cấp phép chỉ có 2,6m/tầng (cấp phép bị thiếu 1,9m/tầng), chiều cao thông thủy sau khi trừ độ dày sàn bê tông 0,25m và chiều cao hệ thống cơ điện, điều hòa, PCCC là 0,6m thì chỉ còn 1,75m /tầng. Chiều cao các tầng có chức năng văn phòng theo quy định và quy hoạch chiều cao tầng phải là 3,9m nhưng cấp phép chỉ có 3,0m/tầng (cấp phép bị thiếu 0,9m /tầng); Chiều cao các tầng có chức năng căn hộ theo quy định và quy hoạch chiều cao tầng phải là 3,3m nhưng cấp phép chỉ có 3,0m/tầng (cấp phép bị thiếu 0,3m /tầng).

Nếu chủ đầu tư thi công xây dựng theo Giấy phép này thì tòa nhà không đáp ứng được công năng sử dụng và sẽ trở thành “phế tích lịch sử”, xảy ra tranh chấp vì thiếu chiều cao tầng nghiêm trọng, con người không thể sinh sống và làm việc khi chiều cao thông thủy tầng không đủ tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về thiết kế nhà cao tầng (từ 1,75m đến 2,09m /tầng).

BTV: Thưa ông, việc thực hiện dự án công trình số 8B Lê Trực đã gặp rất nhiều vướng mắc và cho đến nay thì những vướng mắc này vẫn đang rơi vào bế tắc, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho doanh nghiệp. Vậy, ông có kiến nghị như thế nào với cơ quan quản lý Nhà nước?

Ông Lê Văn Hùng: Do khó khăn khách quan đặc biệt về kỹ thuật kết cấu trên mái tầng 18 có hệ dầm treo rất lớn cao 1,8m, dài vượt nhịp trên 17m, dày 800mm (tương tự như kết cấu cầu treo). Nếu phá dỡ hệ dầm treo bắt buộc phải có hệ kết cấu khác thay thế, nếu không gia cố sẽ sập domino ngay toàn bộ công trình. Thực tế, việc gia cố này không thể thực hiện được vì không đưa được máy khoan cao 25-30m vào tòa nhà để thi công.

Ngày 09/01/2016, UBND quận Ba Đình đã ra quyết định cưỡng chế phá dỡ (chính quyền đã phá dỡ tầng mái 20 và tầng 19) nhưng phần còn lại hơn 4 năm qua, các Sở ngành về xây dựng vẫn không thể đưa ra phương án phá dỡ giai đoạn 2 vì khó khăn khách quan là không đảm bảo an toàn về kỹ thuật, có dấu hiệu oan sai – không có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.

Để tránh tai nạn thảm khốc, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân trong tòa nhà, dân cư liền kề công trình và người dân tham gia giao thông trên đường Trần Phú, Cty kiến nghị không tiếp tục phá dỡ vì không đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Chúng tôi tha thiết kiến nghị đến các cấp lãnh đạo xem xét giải quyết vụ việc công bằng vì doanh nghiệp đã bàn giao hiến 1.941m2 đất để mở đường Trần Phú kéo dài, không nhận bồi thường diện tích đất tương đương khác.

Ngoài ra, chúng tôi kiến nghị các cấp lãnh đạo chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/03/2014 vì cấp trái quy định pháp luật, gây khó khăn và nhầm lẫn cho chính quyền các cấp khi phải căn cứ vào một giấy phép cấp sai pháp luật để xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Kính đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm vụ việc trên, không tiếp tục kéo dài gây thêm nhiều thiệt hại cho nhân dân, tạo điều kiện giúp đỡ các anh em thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng; cũng như tạo điều kiện giúp đỡ chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện công trình, tháo gỡ cho người dân mua nhà vào sinh sống ổn định trong tòa nhà, góp phần đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.

BTV: Xin được trở lại câu hỏi với Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Mã Lương – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam.

Thông qua buổi tọa đàm ngày hôm nay, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội, ông có kiến nghị như thế nào với cơ quan quản lý Nhà nước nhằm hoàn thiện hơn vào các chính sách đối với người có công?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Vừa qua, tôi có tham dự một cuộc họp lấy ý kiến về pháp lệnh người có công, tôi có một điều băn khoăn là để những Bộ luật được ban hành đi vào cuộc sống thì tại sao không chuyển Pháp lệnh người có công thành Luật về người có công như là Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp và Luật Người có công…Mong muốn như vậy là vì, khi 4 Pháp lệnh trở thành dự án Luật, mặc dù sẽ mất nhiều thời gian nghiên cứu, nhưng nếu được ban hành thì sẽ đi sâu vào cuộc sống hơn.

Theo thông tin của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Cục Người có công thì hiện nay chúng ta có hơn 9 triệu người có công (chiếm 1/10 dân số) trong đó vẫn còn nhiều người chưa được thụ hưởng chính sách người có công. Với số lượng lớn như vậy thì việc giải quyết về chính sách vẫn cần phải có thời gian bởi thực sự họ đã hy sinh, cống hiến, nhưng do không còn giấy tờ nên rất khó để công nhận họ là người có công. Vì vậy, cần có biện pháp xử lý.

Cũng như trường hợp của dự án 8B Lê Trực, đó là một câu chuyện kéo dài đến tận 5 năm và doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản, thì đây là khó khăn không chỉ của doanh nghiệp mà còn là tổn thất của những người lao động phía sau. Do đó sẽ có tác động rất lớn đối với xã hội.

Vừa qua, Hiệp hội cũng đã gửi khá nhiều văn bản kiến nghị lên các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc mong muốn lãnh đạo các tỉnh, thành quan tâm hơn nữa tới các doanh nghiệp thương binh để họ hoạt động ổn định, phát triển, tạo công ăn việc làm cho những người lao động chính là thương binh, người khuyết tật. Tuy nhiên, trong số các văn bản gửi đi thì cũng có khá nhiều văn bản không có hồi âm. Đầu năm 2018, Hiệp hội có gửi văn bản đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc Hiệp hội muốn được thuê mảnh đất 6000m2 thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai để Hiệp hội xây dựng trụ sở và Trung tâm triển lãm những sản phẩm của Hiệp hội làm ra hàng năm. Đó là sản phẩm của các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội. Những năm qua, để phục vụ cho buổi triển lãm cuối năm của mình, chúng tôi đã phải thuê Trung tâm triển lãm số 2 Hoa Lư mất một khoản chi phí không nhỏ. Vì vậy, Hiệp hội mong muốn lãnh đạo thành phố trả lời rõ ràng về việc cho tiếp tục cho Hiệp hội thuê mảnh đất mà Hội hiện đang quản lý hay không.

Qua đây, chúng tôi mong muốn nhận được thêm sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực hơn nữa từ lãnh đạo chính quyền địa phương như tiếp tục tổ chức thêm các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ, từ thiện, trưng bày và quảng bá các sản phẩm từ chính Hội viên chúng tôi làm ra.

BTV: Trong hoạt động sản xuất kinh doanh là vậy, trong cuộc sống sinh hoạt tại cơ sở, địa phương, Hiệp hội đã có những kế hoạch như thế nào để giúp đỡ các Hội viên là thương binh, người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Với chúng tôi, hàng năm, Ban lãnh đạo lên kế hoạch hoạt động trong năm và trong kế hoạch đó có mối liên hệ thường xuyên với các tỉnh, thành phố nơi có hội doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Các tỉnh, thành phố chưa có Chi hội thì có một số doanh nghiệp thương binh nằm trên địa bàn tỉnh đó sẽ thường xuyên nắm bắt thông tin, những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp hội viên đồng thời chia sẻ.

Chúng tôi thường xuyên gắn bó với lãnh đạo các địa phương, lắng nghe địa phương chia sẻ, không chỉ về mặt tinh thần mà bên cạnh đó chính quyền còn luôn sát sao, quan tâm tới các doanh nghiệp thương binh, tạo nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thương binh thực hiện các dự án một cách thuận lợi nhất, từ đó, các doanh nghiệp tự khẳng định mình và phát triển, đóng góp cho kinh tế địa phương.

Ngoài ra, chúng tôi có mối liên hệ với các đối tác nước ngoài, Hiệp hội nước ngoài thông qua Hội thảo, cuộc gặp gỡ giao lưu, qua đó chúng tôi đã nắm bắt được nhiều thông tin đồng thời có biên bản ký kết, hợp tác. Vì thế, các doanh nghiệp thương binh có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình ra nước ngoài. Trong tương lai, Hiệp hội mong muốn sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhiều sản phẩm hơn nữa để không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. 

BTV: Xin được tiếp tục chương trình với câu hỏi dành cho Anh hùng Lao động, thương binh ¼ Trần Hồng Quảng – Tổng Giám đốc Xí nghiệp Tập thể Thương binh Quang Minh.

Vừa qua, ông đã nêu một số khó khăn của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, điển hình mới đây, vụ việc UBND tỉnh Quảng Ninh thu hồi 31,9ha đất nuôi trồng thủy sản của Xí nghiệp tại phường Đại Yên thuộc TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh khiến báo chí tốn nhiều giấy mực, gây bức xúc dư luận. Vậy, quan điểm của ông về sự việc này như thế nào ạ?

Ông Trần Hồng Quảng: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhân đạo, nhân văn để hỗ trợ các đối tượng là thương binh, người khuyết tật là một điều hết sức có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc thực hiện tại mỗi địa phương lại có sự khác nhau. Như doanh nghiệp chúng tôi có rất nhiều chi nhánh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hòa Bình… nhận thấy mỗi địa phương lại thực thi chính sách của Đảng và Nhà nước khác nhau, chưa có sự thống nhất, gây ra những phiền hà, khó khăn. Cụ thể, như việc thực hiện chính sách cho người có công tại Hải Phòng nhân ngày 27/7. TP Hải Phòng đã tặng quà cho các thương bệnh binh với trị giá 3,5 triệu đồng. Đây không chỉ là món quà hỗ trợ về vật chất, mà còn là món quà động viên tinh thần rất lớn đối với các đối tượng chính sách. Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số hạn chế về cải cách hành chính, thủ tục tạo điều kiện cho thương binh và người khuyết tật vẫn khá chậm, như việc giao mặt bằng của các Sở ngành vẫn còn chậm chạp, chưa theo kịp thời đại trong khi đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, cách mạng công nghệ 4.0… thì các doanh nghiệp đang vướng mắc khá khó khăn.

Về Quảng Ninh, hiện chúng tôi đang nuôi tôm tại 31,9ha. Năm 2010, theo chủ trương của tỉnh, Quảng Ninh sẽ thu hồi khu đất này để xây dựng Trung tâm thể thao phía Bắc. Trên quan điểm luôn luôn thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, chúng tôi sẵn sàng giao lại mặt bằng cho chính quyền, mặc dù chưa giải quyết chế độ chính sách, chưa đền bù. Đến nay là năm 2019 thì mới đền bù được một số khu vật liệu, hiện trạng nằm phía trên mặt bằng, còn về đất đai thì vẫn chưa đền bù, trong đó có những người đóng góp để đầu tư nuôi trồng thủy sản, có những người là thương bệnh binh đã mất mà số tiền này Quảng Ninh vẫn chưa giải quyết thỏa đáng cho chúng tôi. Đây là một vấn đề hết sức bức xúc không chỉ đối với dư luận, mà còn đối với các anh em là thương bệnh binh. Với tinh thần người lính, với quyết tâm ổn định xã hội, mong muốn giải quyết trong hòa bình, chúng tôi vẫn động viên anh em phải bình tĩnh chờ chính quyền giải quyết, không gây mất trật tự chính trị xã hội. Do vậy, chúng tôi mong muốn cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nhất là tỉnh Quảng Ninh cần quan tâm hơn nữa những đối tượng chính sách để giải quyết dứt điểm sự việc theo đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thương bình tại các địa phương khác cũng rất cần mặt bằng để sản xuất kinh doanh cần vốn từ chính sách xã hội, mà có rất nhiều dự án được thành phố, Nhà nước phê duyệt. Ví dụ, nhà máy Xi măng Trường Sơn của chúng tôi đã được Thủ tướng phê duyệt, sau này đổi thành nhà máy vật liệu Trường Sơn, chúng tôi đền bù từ 2005 đến nay đã gần 20 năm mà nguồn nguyên liệu vẫn chưa cấp được, đất thì để không trong khi đó tiền đóng góp lại để lại, do đó rất ảnh hưởng tới các đối tượng chính sách. Do vậy, chúng tôi kiến nghị rằng các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần hỗ trợ hơn để giúp cho những thương bệnh binh vượt lên thương tật, hòa nhập với cộng đồng.

Doanh nghiệp chúng tôi ngoài đảm bảo công ăn việc làm, chế độ chính sách đầy đủ cho người lao động, chúng tôi còn tham gia công tác từ thiện, xây dựng nhà tình nghĩa cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

BTV: Chương trình Tọa đàm trực tuyến của Báo điện tử Xây dựng xin được tạm dừng tại đây. Một lần nữa xin được cảm ơn Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Mã Lương - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam; Anh hùng Lao động Trần Hồng Quảng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam, Tổng Giám đốc Xí nghiệp Tập thể Thương binh Quang Minh; ông Lê Văn Hùng – Tổng Giám đốc Cty CP May Lê Trực đã tham gia Chương trình.

Cảm ơn Quý vị và các bạn. Xin tạm biệt và hẹn gặp lại.

Báo điện tử Xây dựng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load