Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam phấn đấu quyết liệt, đạt doanh thu ít nhất 110 nghìn tỷ đồng so với 106 nghìn tỷ dự kiến, đóng góp 0,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP chung cả cả nước trong năm 2017 – đây là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Nội dung này được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh nhiều lần khi dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra Tập đoàn Than-Khoáng sản, sáng 19/6.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi kiểm tra. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ba nội dung kiểm tra gồm tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao TKV; tình hình thực hiện các giải pháp tại TKV nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,7%; giải trình của TKV về 5 nhóm vấn đề cần lưu ý mà Thủ tướng truyền đạt thông qua Tổ công tác, gồm: xử lý than tồn kho, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư, giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tình hình than lậu, tái cơ cấu Tập đoàn.
TKV phải nỗ lực góp phần vào tăng trưởng
Kết luận buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương trong việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Tính từ đầu năm 2016 tới nay Tập đoàn được giao 66 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 64 nhiệm vụ, chỉ còn 2 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng vẫn trong hạn, tức là đã hoàn thành 100% số nhiệm vụ được giao.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, trước tình hình tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 5,1%, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp với quyết tâm đạt tăng trưởng GDP cả năm 6,7%.
Tổ công tác ghi nhận những kết quả rất đáng mừng trong hoạt động của Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm về sản lượng khai thác, doanh thu, lợi nhuận, tiền lương cho người lao động, qua đó đóng góp vào tăng trưởng, bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.
Theo dự kiến, TKV sẽ đóng góp 0,794 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm nay. Tuy nhiên, Tổ công tác yêu cầu Tập đoàn cần nỗ lực quyết liệt hơn nữa. .
“Trước đây phấn đấu 10 thì nay cần phấn đấu 15. Chúng ta đã dự kiến đóng góp 0,794 điểm tăng trưởng, nhưng có giải pháp quyết liệt để đóng góp nhiều hơn, cụ thể là 0,8 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung”, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của TKV.
Yêu cầu Tập đoàn phải quyết tâm cao nhất thực hiện mục tiêu Chính phủ đã giao, Tổ công tác đề nghị trong năm nay, doanh thu của TKV phải đạt ít nhất 110 nghìn tỷ đồng (so với dự kiến 106 nghìn tỷ). Đóng góp ít nhất 13 nghìn tỷ vào ngân sách (so với dự kiến 12.600 tỷ) và đạt lợi nhuận ít nhất 2.000 tỷ đồng.
Rút kinh nghiệm sâu sắc từ 12 dự án lớn kém hiệu quả
Về 5 vấn đề mà Thủ tướng lưu ý Tập đoàn, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị TKV và Bộ Công Thương tiếp tục có giải pháp cấp bách để giảm lượng than tồn kho. Trong đó, Tổ công tác ủng hộ đề nghị của TKV là các hộ tiêu thụ điện lớn như EVN, PVN chưa cắt giảm lượng than tiêu thụ của TKV. “Điều này phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và theo đúng cơ chế thị trường, quan trọng là giá than phải cạnh tranh theo thị trường”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Cùng với đó, EVN phải rà soát rất kỹ các dự án đầu tư theo yêu cầu của Thủ tướng, hết sức tránh tình trạng các dự án đầu tư không hoàn công được. “TKV phải rút được kinh nghiệm sâu sắc từ 12 dự án nghìn tỷ đầu tư kém hiệu quả. Điều này rất quan trọng trong thời điểm hiện nay”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ và cho rằng, việc dự án alumina Tân Rai đã lần đầu tiên có lãi 50 tỷ đồng sau 3 năm lỗ kế hoạch là hết sức đáng mừng.
Cũng theo Tổ trưởng Mai Tiến Dũng, mặc dù Tập đoàn đã thực hiện rất nhiều biện pháp công nghệ để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, nhưng cần làm quyết liệt hơn nữa, giảm tổn thất khai thác. Đặc biệt, cần rà soát lại 30 văn phòng, chi nhánh đại diện, 47 công ty thành viên bởi chi phí hành chính cho bộ máy hiện rất lớn.
Đổi mới quản trị hơn nữa để phát huy tính năng động, sáng tạo, trách nhiệm, quyền tự chủ của các công ty thành viên. Đẩy mạnh tái cơ cấu Tập đoàn. Chủ động phối hợp với các địa phương chống khai thác, vận chuyển, kinh doanh than lậu. Quan tâm hơn nữa tới đời sống của 50.000 thợ mỏ trên cả nước.
Tổ công tác cũng đề nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện tốt nhất cho Tập đoàn hoạt động. Chẳng hạn kế hoạch xuất khẩu than đã phân bổ là 2 triệu tấn nhưng nếu TKV tìm được thị trường, bảo đảm than sạch đã qua chế biến thì cũng cần xem xét, giải quyết. Trong 5 tháng đầu năm, riêng than đá xuất khẩu tới 877.000 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ, một kỷ lục từ 2010 tới nay.
“Biết rằng việc tăng doanh thu từ 106 nghìn tỷ lên 110 nghìn tỷ, đóng góp cho tăng trưởng từ 0,794 điểm phần trăm lên 0,8 điểm phần trăm là không đơn giản, nhưng Tổ công tác mong muốn Tập đoàn có quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV TKV phát biểu tại buổi kiểm tra. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
7 triệu tấn than là tồn kho chiến lược
Giải trình về các vấn đề mà Tổ công tác đặt ra, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên TKV, cho biết trong tổng số hơn 9 triệu tấn than tồn kho hiện nay, có khoảng 7-7,5 triệu tấn là tồn kho chiến lược mang tính chất dự trữ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khi tồn kho vượt định mức nói trên thêm khoảng 1,5 đến 2 triệu tấn sẽ gây khó khăn cho ngành.
Ông Chuẩn khẳng định TKV hoàn toàn có thể tăng sản lượng thêm 2 triệu tấn (từ 33,5 triệu tấn lên 35,5 triệu tấn) theo yêu cầu của Chính phủ, thậm chí có thể tăng hơn nữa. Cùng với đó, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh tiêu thụ, trong đó có biện pháp xuất khẩu và đàm phán với các hộ tiêu thụ trong nước, bởi nếu để tăng thêm tồn kho thì sẽ rất khó khăn.
Giải thích thêm về hiệu quả sản xuất kinh doanh của TKV, ông Lê Minh Chuẩn cho biết cho biết năm 2011, lợi nhuận của Tập đoàn lên tới 8.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2012 tới nay, thị trường năng lượng toàn cầu sụt giảm, buộc ngành than phải điều chỉnh lại sản xuất, trong khi các mỏ lại khai thác khó khăn hơn, phải xuống sâu hơn và đi xa hơn, riêng điều này khiến TKV mất 1.700 tỷ đồng. Cùng với đó, biến động tỷ giá USD khiến Tập đoàn mất 1.900 tỷ đồng…
Tuy nhiên trong thời gian qua, TKV đã nỗ lực trong triển khai áp dụng các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm giá thành. Cụ thể, đã giảm lượng lao động từ 120.000 xuống còn 108 nghìn hiện nay và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 100 nghìn người.
Năng suất lao động khai thác than lò chợ đã tăng từ 216 tấn/người năm 1995 lên 1.350 tấn/người năm 2016. Trong thời gian tới, TKV sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa các công đoạn sản xuất, đẩy mạnh đổi mới quản trị nội bộ…
Ông Lê Minh Chuẩn cũng khẳng định TKV đang thực hiện rất nghiêm túc việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đi đầu trong cổ phần hóa và tới năm 2020 sẽ cổ phần hóa cả Công ty mẹ của Tập đoàn. “Những lĩnh vực mà bên ngoài làm tốt hơn thì để cho khu vực tư nhân làm”, ông Chuẩn khẳng định.
Dự kiến năm 2017, TKV sẽ sản xuất 35,5 triệu tấn than, tiêu thụ 36 triệu tấn. Tập đoàn cũng sẽ sản xuất khoảng 905 nghìn tấn tinh quặng sắt và 1.050.000 tấn alumina. Sản xuất 9 tỷ kWh điện.
Doanh thu toàn tập đoàn dự kiến 105.500 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 12.600 tỷ đồng và lơi nhuận trên 2.000 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với năm 2016.
Theo Hà Chính/Chinhphu.vn