Thứ sáu 17/01/2025 22:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Hà Nội

Tình trạng vi phạm Luật Đê điều có chiều hướng gia tăng

10:56 | 07/12/2011

Hàng loạt vụ vi phạm hành lang bảo vệ đê đang diễn ra phức tạp trên địa bàn Hà Nội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, tính mạng của người dân. Phóng viên XD&PL đã phỏng vấn ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội. Ông Thịnh cho biết:

Ông Đỗ Đức Thịnh

TP Hà Nội hiện nay là một trong những địa phương có địa bàn rộng, địa hình đa dạng, phức tạp và nhiều hệ thống sông chảy qua: Sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi, sông Thanh Hà. Toàn TP hiện có 20 tuyến đê chính với tổng chiều dài 469,913km và 25 tuyến đê bối với tổng chiều dài 73,076km. Trên các tuyến đê có 119 kè hộ bờ với tổng chiều dài là 139,56km. Tổng số có 195 cống qua đê (trong đó có 11 cống đã hoành triệt tạm); 228 cửa khẩu qua đê; 370 điếm canh đê; 17 Hạt quản lý đê cùng hệ thống kho, bãi vật tư PCLB. Hệ thống giếng giảm áp trên tuyến đê hữu Hồng gồm 279 giếng. Hai công trình đầu mối phân lũ là Vân Cốc và Đập Đáy.

Tình trạng xây dựng, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê của TP Hà Nội ngày càng gia tăng, trong thời gian qua đã được xử lý ra sao, thưa ông?

- Tình hình vi phạm đê điều trên địa bàn TP vẫn diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Việc xử lý giải tỏa vi phạm đạt tỷ lệ thấp, tình trạng tái lấn chiếm còn tiếp diễn. Những vi phạm tập trung chủ yếu trên các tuyến đê tả Đáy, tả - hữu Hồng, hữu Đuống... Hình thức vi phạm chủ yếu là lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, làm nhà ở, lều quán bán hàng, sản xuất, kinh doanh vật liệu; xẻ đê làm dốc; đổ đất, trạt thải lấn chiếm lòng sông; xây dựng công trình trái phép trong chỉ giới thoát lũ... Những địa bàn có nhiều vụ vi phạm là: Ứng Hòa, Ba Vì, Phú Xuyên, Thường Tín, Sơn Tây, Phúc Thọ, Từ Liêm, Hoàng Mai.

Đáng chú ý là đã xảy ra một số vụ vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn công trình đê điều như: Tình trạng tập kết vật liệu tại khu vực kè Hồng Hậu, P.Phú Thịnh, TX Sơn Tây, là nguyên nhân chính gây ra sự cố lún sụt, đe dọa đến an toàn đê hữu Hồng; Xây dựng công trình trái phép tại khu vực bãi giữa sông Hồng, thuộc P.Phúc Tân, Q.Hoàn Kiếm; Tình trạng đổ đất, phế thải xây dựng với quy mô lớn, xây dựng nhà xưởng trái phép ở bãi sông, trong chỉ giới thoát lũ sông Hồng, tại khu vực cầu Thanh Trì, P.Thanh Trì, Q.Hoàng Mai; Xây dựng công trình ở mái đê thượng lưu tại Km65+330 đê tả Đáy, thuộc địa bàn xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa; Xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi bảo vệ đê điều hữu Hồng, trên địa bàn huyện Ba Vì.

Sau 3 năm thực hiện Luật Đê điều, trên địa bàn TP đã xảy ra 1.275 vụ vi phạm; đã xử lý được 347 vụ (bằng 27%), kết quả xử lý đạt thấp. Nguyên nhân do: Một số quận, huyện thiếu tập trung chỉ đạo: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Từ Liêm, Hoàng Mai; Việc xử lý các vi phạm thiếu kiên quyết, dứt điểm, tình trạng tái lấn chiếm vẫn còn diễn ra; Chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và chính quyền các cấp dẫn đến tình trạng xử lý còn nhiều hạn chế, kết quả thấp, tính răn đe giáo dục không cao.

 
Xâm phạm hành lang đê.

Để đảm bảo an toàn, hệ thống đê điều của TP Hà Nội đã được đầu tư nâng cấp như thế nào, thưa ông?

- Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của TP hệ thống đê điều TP Hà Nội đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện. Bằng các nguồn vốn khác nhau (vốn Trung ương, vốn TP), kinh phí đầu tư cho công tác tu bổ, nâng cấp công trình đê điều TP những năm gần đây khá lớn, đảm bảo an toàn chống lũ thiết kế cho các tuyến đê của TP và phấn đấu chống được lũ cao hơn, bao gồm: Tôn cao, mở rộng đủ cao độ, mặt cắt thiết kế; xử lý những trọng điểm xung yếu về nền đê, thân đê; cải tạo mặt đê, cơ đê thành đường giao thông; sửa chữa, xây dựng mới các cống dưới đê; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm tăng cường cho công tác quản lý đê. Đồng thời kết hợp sử dụng đa mục tiêu ngoài nhiệm vụ chống lũ công trình đê điều còn phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2011 kinh phí đầu tư cho công tác tu bổ, duy tu đê điều của TP trên 200 tỷ đồng. Các công trình gia cố đê, chống sạt lở bờ đã được tập trung đầu tư nhằm tăng cường và nâng cao khả năng chống lũ, chống úng cho các công trình với các dự án: Kè Ngọc Lâm, Bát Tràng, Thanh Điềm, gia cố nền đê Sen Chiểu với kinh phí đầu tư trong năm 2011 hơn 100 tỷ đồng.

Thời gian tới, ngoài các dự án duy tu, tu bổ đê điều thường xuyên, các dự án chống sạt lở, còn triển khai thực hiện Chương trình nâng cấp đê sông đến năm 2020 và TP đã và đang cho triển khai các dự án có quy mô lớn như: Dự án gia cố mặt đê Km0+600 - Km9+700 hữu Đà, và Km7+600 - Km26+600 hữu Hồng, huyện Ba Vì với chiều dài gia cố 28,1km; Dự án “Đầu tư cải tạo, nâng cấp đê hữu Hồng, kết hợp làm đường giao thông”; Dự án “Đầu tư xây dựng hộ chân chống sạt lở bờ sông Đà, sông Hồng và sông Đuống” theo hình thức BT cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Xin cám ơn ông!

Hữu Hoa (thực hiện)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load