(Xây dựng) - Sáng nay (7/4), tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2017).
Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn được tỉnh Quảng Trị tổ chức long trọng.
Dự lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng gia đình Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng trong gần 60 năm bền bỉ phấn đấu, cống hiến trọn đời vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì khát vọng thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa của đồng chí Lê Duẩn.
Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn thể dâng hương tại tượng đài Tổng Bí thư Lê Duẩn (công viên Lê Duẩn, TP Đông Hà, Quảng Trị).
Đồng chí Lê Duẩn (tên thật là Lê Văn Nhuận) sinh ngày 07/4/1907 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, quý nhân nghĩa và hiếu học. Thuở niên thiếu, Lê Văn Nhuận thường được nghe thân phụ và nhiều người bạn của cha kể về bao nỗi uất ức của người dân mất nước, về những tấm gương nghĩa dũng xả thân vì sự nghiệp đấu tranh chống ách thực dân phong kiến. Sự cổ vũ mạnh mẽ bởi các phong trào yêu nước diễn ra quyết liệt trên mảnh đất quê hương đã tiếp thêm dũng khí cách mạng, thôi thúc người thanh niên vừa bước vào tuổi mười tám nung nấu một ý chí “phải đánh giặc Tây” giành lại độc lập, giải phóng đồng bào khỏi gông cùm nô lệ.
Quyết tâm đi theo con đường đã chọn, năm 1925, Lê Văn Nhuận rời gia đình đi tìm việc làm và cũng từ đó chính thức tham gia hoạt động cách mạng. Từ một thanh niên yêu nước nhiệt thành, đồng chí đã đến với “Đường Cách mệnh” của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên từ năm 1928, đến giữa năm 1930 trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1931, đồng chí được phân công làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 4/1931, đồng chí bị bắt và kết án 20 năm tù cầm cố và lần lượt bị giam cầm, đày ải qua các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Năm 1936, đồng chí được trả tự do.
Trở về quê hương, đồng chí nhanh chóng tập hợp cán bộ cốt cán làm hạt nhân lãnh đạo phong trào, chắp nối cơ sở Đảng, truyền bá chủ trương mới của Quốc tế Cộng sản và Trung ương Đảng, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân chủ để đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, chống phản động thuộc địa, chống nguy cơ phát xít và chiến tranh. Trong thời kỳ này, từ quê hương Quảng Trị đến Nam Trung bộ, những nơi có phong trào cách mạng sôi nổi đều gắn với tên tuổi và hoạt động của đồng chí trên cương vị là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.
Năm 1939, đồng chí Lê Duẩn được bổ sung vào Thường vụ Trung ương Đảng và rời Trung Kỳ vào Sài Gòn công tác. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 11/1939), đồng chí đã cùng Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Đây là bước mở đầu của một cao trào cách mạng mới, tiến tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Năm 1940, đồng chí lại bị địch bắt tại Sài Gòn, bị kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo lần thứ hai. Hai lần bị bắt, bị kết án nặng và đày đi các ngục tù khét tiếng, đồng chí đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, thường xuyên tôi luyện lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Lê Duẩn được Đảng và Chính phủ đón về đất liền. Đầu năm 1946, đồng chí được ra Hà Nội, làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cuối năm đó, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng phân công vào Nam, chỉ đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Trên cương vị là Bí thư Xứ ủy Nam bộ, đồng chí Lê Duẩn đề ra nhiều chủ trương quan trọng: thiết lập sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, thống nhất các lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích, củng cố liên minh công nông, tăng cường mặt trận dân tộc, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, đem lại quyền lợi thiết thực cho nông dân nghèo trong vùng tự do.
Tượng đài Tổng Bí thư Lê Duẩn tại công viên Lê Duẩn, TP Đông Hà.
Tháng 2/1951, Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra tại chiến khu Việt Bắc, đồng chí Lê Duẩn được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1951-1954), đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó là trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ, góp phần đúc rút những kinh nghiệm, bài học quý báu cho Đảng ta không chỉ trong kháng chiến chống Pháp mà cả trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược sau này. Cảm phục trước tài năng, trí tuệ và đức độ của đồng chí, quân và dân Nam bộ coi đồng chí là “Ngọn đèn hai trăm nến”, là linh hồn của cuộc kháng chiến, người con của đất Thành đồng. Hình ảnh “Anh Ba” gần gũi, thân thương mãi mãi in sâu trong lòng đồng bào, chiến sĩ Nam bộ.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, từ năm 1954 đến 1957, đồng chí được Trung ương phân công tiếp tục ở lại miền Nam lãnh đạo phong trào cách mạng. Để tìm ra đường lối đấu tranh thích hợp, đồng chí đã lăn lộn từ vùng bưng biền hẻo lánh miền Tây, miền Trung Nam bộ đến trung tâm thành phố Sài Gòn. Chính trong những tháng năm gian khổ, hy sinh đầy thử thách ác liệt này, đồng chí Lê Duẩn đã thể hiện trí tuệ và sự sáng tạo tuyệt vời. Trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh cách mạng. Năm 1956, đồng chí đã soạn thảo “Đề cương Cách mạng miền Nam”, thổi bùng lên luồng sinh khí mới, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và dân miền Nam xốc lại đội ngũ, quyết tâm chiến đấu và vững tin vào thắng lợi cuối cùng. “Đề cương Cách mạng miền Nam” là cơ sở để Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 15 (khóa II) và nhiều Nghị quyết khác của Bộ Chính trị, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, góp phần vào việc hoạch định chiến lược cách mạng hai miền Nam - Bắc trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Giữa năm 1957, đồng chí được Trung ương Đảng điều động ra miền Bắc, được cử vào Ban Bí thư và là Phó Trưởng ban chuẩn bị văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Từ đây, đồng chí Lê Duẩn nhận được sự dìu dắt trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là điều thuận lợi để đồng chí tiếp thu và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực công tác được tổ chức phân công.
Tháng 9/1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đảm nhận trọng trách Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí cùng với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xây dựng và hoàn thiện đường lối cách mạng, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Suốt 15 năm trên cương vị này, trong hoàn cảnh đất nước trải qua những thử thách cực kỳ nghiêm trọng và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp; đặc biệt sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (tháng 9/1969), trước đau thương vô hạn, trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã đem hết năng lực, trí tuệ, nhiệt huyết cách mạng cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, thực hiện xuất sắc những điều toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã hứa trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của dân tộc ta.
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc được thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, đồng chí Lê Duẩn đã tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định, hoàn chỉnh đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Ước mơ cháy bỏng của đồng chí Lê Duẩn là xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội để nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hữu Tiến
Theo