Với tôi, TP trong ký ức, ngoài Hà Nội thì không đâu khác là TX Phú Thọ. Tôi nghe cái tên đó lần đầu ngày chị cả bị mờ mắt sau khi đi thanh niên xung phong. Thày đưa Chị lên tỉnh chữa bệnh.
Thày chăm nuôi Chị ở bệnh viện ba tháng. Bệnh không khỏi, Chị mang theo mùi thuốc kháng sinh, mùi polivitamin về ngôi nhà trong rừng kể cho tôi nghe bao điều phố thị. Ngoài ông bác sĩ cao nhẳng và dấu kim tiêm li ti như kiến nâu bò trên hai cánh tay trắng ngó sen của chị, còn là chuyện con thuyền sắt kềnh càng cõng hai ba chiếc Molotova và cơ man là người lố nhố được máy kéo qua sông. Những toa tàu chạy trên hai thanh sắt như sấm rền vọng núi. Bánh tai, dạng hình như vành tai làm bằng bột gạo. Bánh gai cùi đen sánh nhân đỗ hươm vàng. Công viên rợp hoa lá, ghế đá với những chàng trai cô gái ngồi tâm sự, ăn kem. Rạp chiếu bóng rọ rẹ loa đài ngày đêm quảng cáo phim chiến đấu. Những ngôi nhà hai ba tầng, cửa hàng bách hóa tủ kính choáng bóng. Búp bê và miên man quần áo đẹp. Và những con phố chong chong thắp đèn vàng suốt đêm.
Chủ nhật nghỉ làm thuốc, Thày đèo Chị sau xe đạp nương theo đê, một bên sông một bên đồng lúa xuống nhà thờ Hà Thạch đi lễ.
Đó là tỉnh lỵ ngày chị tôi mười tám tuổi.
Khi tôi lớn biết đến TX Phú Thọ thì phố thị ấy tự đã thiết thân qua niềm thương nỗi nhớ chị tôi.
Tôi tin ba phần tư người Việt, những trải nghiệm phố thị đầu tiên hẳn là cú giật mình giữa ngã tư thị trấn thị xã nào đấy vì tiếng còi ôtô thúc lưng khi ta đang nghểnh lên nhìn tòa nhà cao cao trước mặt. Sau đó là nỗi băn khoăn trước tủ kính xanh đỏ trưng bày những mẫu hàng lẫn lộn bánh kẹo với vật dụng gia đình...
Phố thị bên sông của miền đất cổ phong, khí chất thanh bần sáng lạnh một sự sang trọng cũ kỹ, một sắc vẻ đang phai của thiếu phụ đằm trong sự quên lãng, nhưng vẫn ngóng chờ người trở lại...
Âm thầm đứng giữa lằn ranh đồng bằng sông Hồng và mạch núi Hoàng Liên Sơn cửa ngõ tây bắc, tỉnh lỵ cũ với hai tay sang sông Hồng và con đường sắt Hà Nội - Vân Nam làm vận mạch hồi lưu giao thương xuôi ngược tiếp nguồn dưỡng sinh cho phố thị trung du xa khuất...
Thành Ma Khê nguyên dấu nội loạn mười hai sứ quân. Vó ngựa Cần vương Nguyễn Quang Bích khua giòn vây chiếm cột cờ Hưng Hóa rồi kịp lui về Yên Lập chờ cơ, tiến thoái đều hội quân chợ Mè. Gần trăm năm sau hai tám nghĩa sĩ yêu nước bị thực dân Pháp bắn quăng xác giữa dốc tỉnh. Mấy chục năm cậu học trò trung học Hùng Vương Phạm Tiến Duật qua ngang còn nghe tiếng gươm khua, đạn nổ dự báo chức phận thi sĩ chiến trận của mình.
Tôi nhớ thuở binh nhì dừng bước nơi tỉnh lỵ chờ chuyến xe ca lầm bụi tranh thủ về thăm nhà hoặc chuyến tàu nhanh ngược đến phố Lu hay xuôi Hà Nội, lang thang một mình bao nẻo phố thon thả lừng hương hoa, đếm từng bước rơi trên mặt đường nhựa tráng mòn vẹt tới lớp đá củ đậu kháng lực, ngồi gặm bánh mỳ suông bên thành cầu Trằng, ngửa mặt đón lá cây dã hương chín đỏ bay veo xuống đường sắt dưới chân. Ngẩn trước cổng trường Sư phạm thâm nghiêm cổ thụ sáng lóa áo dài mướt tóc dài. Đường bờ sông Thao, hàng mía tím, chuối hương Vực Trường vượt sang, nước chè chén, kẹo vừng kẹo lạc trên Thanh Hà đưa tới gọi mời bên kè đá xám nghiêng xuống dòng son. Lặng im lâu trước phố ga rợp mát ca du trùm phế tích bom Mỹ tòa nhà bách hóa. Bập bỗng theo đường tàu quành lên sân bay cũ đẫm xanh vườn chè xanh hái lá già chịu nắng rồi rẽ lên gò cao đồi chùa khòm dáng cọ... Nghe chuông lễ chiều nhà thờ Hà Thạch duyềnh loang sóng bến Ngọc...
Mặt phố khép mở những ô cửa sơn xanh, sơn nâu, sơn quang dầu loang ngấn bụi. Mái phố lô nhô, mái ngói, mái bằng rêu phong và dây leo, cỏ bụi nẩy mầm hạt từ những cơn gió đại ngàn thổi tới. Những biển hiệu: Chụp ảnh, cơm phở, cắt may âu phục, lộn cổ áo sơ mi, bích kê gối quần, mông quần, sửa chữa radio, tivi màu tivi đen trắng, tân trang xe máy xe đạp, cà phê, VLXD, dạy đàn ghi ta kẻ vẽ chữ bóng nghiêng nghiêng lả trên sắt tây với một màu nền duy nhất: xanh hòa bình...
Đâu đó trong những khu vườn xanh ngân buông tiếng chim cu gáy trầm sáng giọng thổ pha kim. Lấp lánh qua ô cửa mắt tân nữ sáng veo gieo chuỗi cười khúc khích theo mỗi bước chân du khách.
Đằng sau dãy phố là ao bèo, ruộng lúa, hoa rau muống trắng, tím rầu rầu bên hoa súng dại. Thi thoảng, hùng hục bò cà chĩa sừng gằm đuổi tình địch băng ngang mặt phố chạy nhào vào vườn sắn dù. Con lợn sề oằn lưng kéo lê nầm vú, dẫn bầy con nhâu nhâu bám theo dũi tung đống vỏ trấu của nhà máy xay bên hè đường đọng nước...
Nghêu ngao khúc Du kích Sông Thao, tôi bước lại con đường thày dắt tay dẫn chị quanh thị xã cho dịu bớt cơn đau. Hẳn có bước chân tôi đặt trùng dấu chân Chị, dấu chân Thày. Chẳng quen ai phố thị, tôi vẩn vơ tưởng cho mình mối tình với một nhan sắc thị xã mang cái tên phổ thông: Dung, Lan, Liên, Phương, Ngọc, Ánh, Phượng, Trâm, Bích... Và đánh bạn với người trai thị xã là: Tuấn, Hùng, Dũng, Thái, Thanh, Thành, Hải... nào đấy.
Vai đeo ba lô lộn, trong tay tôi mớ tiền lẻ đẫm mồ hôi. Thứ gì tôi cũng muốn mua và cũng chẳng biết bắt đầu mua một thứ gì. Nhớ lời chị kể, tôi tìm món bánh tai bán gần cây đa lịch sử của bà Định nhưng tiếc thay chiến tranh biên giới đói thũng mặt, người tỉnh lỵ mua gạo phiếu thì sao làm bánh tai bày bán.
Đêm đông ấy chẳng còn khoảng trống nào cho tôi trú tạm ở nhà ga lầm bụi khai khẳn, bến xe cóc cáy. Bộ đội lầm lì, thanh niên xung kích lăng xăng, công an dò xét, người dân bơ phờ gồng ghíu tay nải, trải nilon chiếm kín từng mét vuông nền xi măng có mái che vạ vật ngồi nằm.
Những chiếc xe trâu, xe ngựa thắp đèn chai, lóc tóc tóe lửa dưới móng sắt chở than, củi, muối, gạo rời ga vào trong các ngõ tối.
Săm soi toa tàu vỡ toác vì bom Mỹ còn khoảng sàn chưa sập gãy ở nhánh đường chờ, bẻ nắm lá cúc tần làm chổi tôi quét phân dơi, cứt dán làm nơi ngủ tạm qua đêm. Sau góp thêm toán quân cảnh ba người đi bắt lính đảo ngũ đến góp mặt. Bốn lính trẻ chúng tôi cùng chung mái che toa tàu hàng bỏ phế. Bất chợt mưa. Cơn mưa vô hồi. Đói bụng, tôi đắn đo không dám dùng phong lương khô dự trữ.
Viên chuẩn úy bấm đèn soi hướng sang vạt vườn bên kia đường sắt sau hàng rào cúc tần. Buồng chuối tiêu chen chúc trái tròn căng, lóng lánh ướt vụt hiện lên rờn rỡ trong ánh đèn.
Với chiếc mũ sắt in chữ QC và những tấm ván gỗ thông tẩm dầu, chúng tôi nhóm lửa trong góc toa. Nồi chuối luộc, xin vắng mặt một chủ nhân thị xã, thêm cút rượu sắn của viên sĩ quan moi dưới đáy ba lô đủ đã cho mấy chiếc dạ dày không đáy của tuổi trẻ chúng tôi sự êm ấm một đêm.
Trằn trọc, giấc ngủ bỗng khó khăn, có ai đó giống tôi đang đọc thầm những câu thơ khấp khểnh cho tôi nghe. Hình như có người bí ẩn vô hình đã viết giúp.
Tỉnh lỵ chờ một trăm năm
Tỉnh lỵ cũ, ta nằm nghe mưa trong toa tàu hàng hoen gỉ.
Không ngược Lao Kay không xuôi Hà Nội
Mưa đêm kêu trên sắt thép, trên lá gồi, vỗ bong bong mặt nước Sông Thao.
Sông Thao thôi thúc sóng ngang sườn tỉnh lỵ.
Cây Sơn Liễu chìm nửa mình kêu cứu.
Mấy người ra với sông mưa đêm.
Hàng Giã hương cặm cụi đứng chờ
chờ cả một trăm năm bóng người đẹp.
Người đẹp chưa trở về
Dốc Cầu Trắng mở vòng tay lâu sao không thấy mỏi...
Ngỡ sân ga có người thiếu phụ kín đáo như căn phòng khép cửa, choàng áo mưa lặng lẽ dưới mưa.
Cột đèn đen thui chới với đỡ quầng sáng ủng vàng, lủng lẳng đeo từng chùm bánh gai chào khách...
Lấp bấp cuống lưỡi muốn gọi thiếu phụ, chỉ có điều ta không biết tên.
Tiếng chó oẳng sân chùa rêu hoa lan
giật thột co chân vì sợ răng nanh
Ta bỗng bàng hoàng như bị dại cắn.
Lóc tóc vó ngựa, cồng cộc bánh xe trên ổ rãnh mặt đường
chiếc đèn chai ướt nhoáng lắc lẻo ánh ma trơi
Chở từ bến sông trơn lầy chum vò một năm rượu cẩm.
Có lẽ chum vò đất nung Hương Canh
Tỉnh lỵ say ngủ rồi tinh mơ say rượu.
Ta nằm khan nghe mưa rong trong toa đen của nhánh đường chờ.
(Tháng 3 năm 1979)
Sau ba mươi năm tôi mới nhớ đọc lại thơ mình.
Chị ơi, con thuyền sắt kềnh càng mà Chị kể em nghe ngày xưa ấy giờ nhà phà đã kéo ghếch đầu lên bờ cát chờ bán sắt vụn. Cây cầu bê tông uốn cong mình nối đôi bờ bến Ngọc. Hàng cây dã hương đứng nghiêng nghiêng dốc cầu Trắng, và nhiều nhiều cây ca du thân xác đã thiêu trong lò đốt gạch hoặc hóa kiếp làm giường tủ, làm ván hòm cho Cty nghĩa trang.
Lớp vỏ cứng một trăm năm đang vỡ rạn.
Nhiều cung đường mới mở vòng cánh tay thêm cho phố rộng dài.
Nhiều mái ngói nâu thay bằng tôn lợp vặn sóng.
Chị đã đến tỉnh lỵ một lần ba tháng và không bao giờ quay lại. Dường như bao nhiêu tò mò thiện cảm của chị với nơi này, lại chuyển tiếp sang tôi.
Tôi có được những người Phú Thọ tự tin hơn cả kiêu hãnh, nhũn nhặn trong sự rụt dè và tấm lòng giàu trắc ẩn chất chứa những mộng mơ đủ hiện thực nắm tay nhận làm bạn...
Mỗi một lần dừng bước là một lần tôi được đắp bồi từ Phú Thọ tình yêu bất toàn tiềm ẩn với phố thị cổ kính không thể cắt nghĩa. Có cách gì không nhỉ, hợp dung hồn cốt của tỉnh lỵ cũ với vóc dáng của một đô thành mới đang làm hình. Ừ, Phú Thọ, nơi tôi đã có giấc mơ đầu một tâm tình thiếu phụ...
Tháng 12 năm 2011.
Nguyễn Tham Thiện Kế
Theo baoxaydung.com.vn