Thứ ba 10/12/2024 15:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan của Đảng để thực sự là hạt nhân trí tuệ, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước

07:42 | 29/11/2024

Để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII đã đề ra, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước, trong cuộc trao đổi trực tiếp chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 25/11 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định nhiệm vụ: Tập trung tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “Bộ tổng tham mưu”, là đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.

Tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan của Đảng để thực sự là hạt nhân trí tuệ, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Việc tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan của Đảng hiện là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn hiện nay - đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là tổ chức các cơ quan của Đảng cần đặc biệt kiên trì, nỗ lực vượt bậc, khẩn trương, quyết liệt thực hiện thành công, hiệu quả cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy đã đặt ra.

Sách lược, tinh thần mới về tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan của Đảng

So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta nói chung và tổ chức bộ máy cơ quan của Đảng nói riêng tuy đã được đổi mới nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới và quy luật phát triển. Dưới đây là những vấn đề chính thường gặp:

Thứ nhất, tổ chức bộ máy của cơ quan Đảng hiện nay được tổ chức theo mô hình phân tầng từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và bao quát trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội. Tuy nhiên, tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc và giao thoa chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan của Đảng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến hoạt động chưa thực sự hiệu năng, hiệu quả, tăng chi phí, lãng phí các nguồn lực.

Không chỉ vậy, ở địa phương dù chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức đã được kiện toàn, nhưng vẫn thiếu tính đồng bộ và triệt để. Việc sắp xếp các tổ chức Đảng tại các cấp hành chính huyện, xã ở nhiều địa phương còn chưa khoa học, thiếu sự quyết tâm, chưa bám sát yêu cầu thực tiễn đặt ra, chưa hoàn toàn phù hợp định hướng chỉ đạo từ Trung ương, và không ít địa phương vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan.

Việc tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan của Đảng hiện là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn hiện nay - đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là tổ chức các cơ quan của Đảng cần đặc biệt kiên trì, nỗ lực vượt bậc, khẩn trương, quyết liệt thực hiện thành công, hiệu quả cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy đã đặt ra.

Bên cạnh đó, công tác rà soát và tinh giản biên chế chưa gắn kết chặt chẽ với việc nâng cao chất lượng và tái cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Một số địa phương chưa chủ động kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản và quy định không còn phù hợp, khiến quá trình cải cách và tinh gọn bộ máy chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Thêm vào đó, việc nhiều cơ quan của Đảng cùng tham gia xử lý một nhiệm vụ khiến khó xác định rõ trách nhiệm, dẫn đến tình trạng đùn đẩy hoặc né tránh khi xảy ra sai sót. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo mà còn tác động tiêu cực đến niềm tin của nhân dân.

Thứ hai, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc xây dựng một bộ máy cơ quan của Đảng tinh gọn là điều kiện tiên quyết để tăng cường năng lực tham mưu, năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý, điều hành, năng lực quản trị và dễ dàng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thế giới, đồng thời nâng cao niềm tin của người dân và cộng đồng quốc tế vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, yêu cầu này phản ánh sự mong mỏi chính đáng của nhân dân về một bộ máy quản lý công minh, hiệu quả và phục vụ tốt hơn. Điều này đòi hỏi phải mạnh dạn loại bỏ những cá nhân yếu kém, không đủ năng lực và phẩm chất trong hệ thống, đồng thời tạo cơ hội cho những công chức “vừa hồng, vừa chuyên”, không chỉ làm đúng pháp luật mà còn tận tâm, sáng tạo trong việc giải quyết những vấn đề thực tiễn của xã hội.

Thứ tư, việc xây dựng và tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng còn là trách nhiệm chính trị của Đảng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII với những bước đi mạnh mẽ trong tinh gọn tổ chức không chỉ là minh chứng cho quyết tâm đổi mới mà còn là hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững và thịnh vượng quốc gia.

Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, Kết luận của Hội nghị Trung ương Đảng ngày 25/11 vừa qua và những chỉ đạo gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định rõ, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả được xác định là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Tổ chức bộ máy cơ quan của Đảng không chỉ đóng vai trò lãnh đạo, quản lý mà còn là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Tinh gọn bộ máy không chỉ nhằm nâng cao hiệu suất, tiết kiệm nguồn lực, mà còn bảo đảm sự minh bạch, liêm chính, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và phù hợp yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển. Cuộc cách mạng về tổ chức không chỉ vì mục tiêu cải cách mà còn hướng đến xây dựng nền tảng vững chắc để hệ thống chính trị Việt Nam phát triển bền vững, phục vụ tốt nhất lợi ích của đất nước và nhân dân.

Được xác định là yêu cầu cấp bách, song việc tinh gọn hệ thống chính trị nói chung và tổ chức bộ máy cơ quan của Đảng nói riêng phải hóa giải được nhiều thách thức. Trước hết, quy mô tổ chức bộ máy đã hình thành và tồn tại trong thời gian dài, khiến việc thay đổi cơ cấu cần có lộ trình cụ thể để tránh gây xáo trộn trong hệ thống, sự thiếu quyết tâm và đồng bộ trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách tinh giản bộ máy cũng là một trở ngại lớn.

Các cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả cải cách chưa phát huy hiệu quả, khiến việc triển khai các giải pháp trở nên chậm trễ và thiếu thực chất. Đồng thời, công tác đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ vẫn chưa được thực hiện đồng đều và toàn diện, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực đủ khả năng đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh đổi mới.

Thực hiện bằng được mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan của Đảng

Việc tinh gọn bộ máy, giảm thiểu các khâu trung gian, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan của Đảng sẽ tạo ra một hệ thống tổ chức chặt chẽ, không chồng chéo, hoạt động với hiệu suất cao không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn nâng cao chất lượng tham mưu, lãnh đạo, quản lý và kiểm tra, giám sát theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Điều này đòi hỏi, những nỗ lực cải cách không chỉ dừng ở việc giảm thiểu số lượng cơ quan, ban, ngành mà còn tập trung cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ, bảo đảm sự minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động, từ trung ương đến địa phương. Một số nội dung quan trọng cần phải được tập trung trong triển khai cuộc cải cách toàn diện:

Một là, sắp xếp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực

Tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực là xu hướng tất yếu nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý và thích nghi với bối cảnh phát triển hiện đại. Mô hình này tập trung vào việc tích hợp chức năng và nhiệm vụ của các đơn vị có liên quan, giảm thiểu sự chồng chéo, phân tán trong quản lý, đồng thời tận dụng tối đa nguồn lực hiện có.

Lợi thế lớn nhất của tổ chức đa ngành là khả năng phối hợp linh hoạt, toàn diện giữa các lĩnh vực, giúp giải quyết các vấn đề phức tạp một cách đồng bộ. Tuy nhiên, mô hình này cũng đặt ra nhiều thách thức: sự đa ngành dễ dẫn đến việc một cơ quan phải đảm nhận quá nhiều nhiệm vụ, làm suy giảm tính chuyên sâu trong từng lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các bộ phận trong tổ chức đòi hỏi năng lực quản lý và điều hành cao hơn để bảo đảm không xảy ra xung đột lợi ích hoặc trì trệ trong triển khai công việc.

Để vận hành hiệu quả mô hình này, cần thiết lập rõ ràng các quy trình phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tối ưu hóa sự liên kết giữa các lĩnh vực.

Hai là, cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết

Cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết là một giải pháp quan trọng nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan của Đảng và nâng cao hiệu quả tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý. Hơn nữa, điều này thúc đẩy sự tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi của các cơ quan, giảm hiện tượng “thừa người, thiếu việc”.

Tuy nhiên, để việc cắt giảm đạt hiệu quả, cần phân tích kỹ lưỡng chức năng của từng đơn vị, bảo đảm không gây gián đoạn hoặc bỏ sót các nhiệm vụ quan trọng. Việc thực hiện cắt giảm cũng cần đi đôi với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực quản lý và điều hành, giúp duy trì hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Ba là, đẩy mạnh phân công, phân quyền

Đẩy mạnh phân công, phân quyền theo nguyên tắc “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” là một hướng đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu phát triển đa dạng của các địa phương trong bối cảnh hội nhập và đổi mới.

Nguyên tắc này nhấn mạnh vai trò tự chủ của chính quyền địa phương trong việc đưa ra quyết định và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của mình. Thay vì phụ thuộc vào chỉ đạo từ trung ương, các địa phương được trao quyền nhiều hơn để tự giải quyết các vấn đề phù hợp với đặc thù kinh tế, xã hội và văn hóa địa phương.

Việc phân quyền này giúp rút ngắn quá trình ra quyết định, giảm thiểu tình trạng trì trệ do chờ đợi sự phê duyệt từ các cấp trên. Đồng thời, nó cũng khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong cách quản lý, khi các địa phương chủ động tìm kiếm giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, đi kèm với quyền hạn lớn hơn là trách nhiệm cao hơn. Điều này buộc các địa phương phải nâng cao năng lực quản lý, minh bạch trong sử dụng nguồn lực và giải trình rõ ràng về hiệu quả hoạt động.

Mặc dù vậy, để nguyên tắc này được thực hiện hiệu quả, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ việc nghiêm túc quán triệt, thực hiện điều lệ, quy định rõ ràng nhằm tránh lạm quyền hoặc sai phạm. Bên cạnh đó, trung ương cần hỗ trợ các địa phương về nguồn lực và đào tạo, đồng thời xây dựng hệ thống phối hợp hiệu quả giữa các cấp để bảo đảm sự thống nhất, xuyên suốt.

Kế thừa giá trị cốt lõi kết hợp đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu cải cách

Để nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng và tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng, cần triển khai các giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Trên cơ sở kế thừa những giá trị cốt lõi, kết hợp đổi mới sáng tạo, khi triển khai cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy cần tập trung vào một số giải pháp chính yếu sau:

Trước hết, cần thực hiện rà soát và đánh giá toàn diện hệ thống giúp làm rõ chức năng, nhiệm vụ, loại bỏ sự chồng chéo và giảm thiểu tình trạng “làm dôi, làm trùng”. Xác định cụ thể các cơ quan, đầu mối cần tinh gọn hoặc tái cấu trúc để phù hợp với yêu cầu phát triển.

Việc đánh giá toàn diện không chỉ tiết kiệm nguồn lực mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác đảng, nhất là ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (big data) góp phần hiện đại hóa, dân chủ hóa các hoạt động trong công tác đảng hiện nay, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Thứ hai, xây dựng cơ chế giám sát và hỗ trợ từ Trung ương: Trung ương giữ vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách, đưa ra chiến lược và mục tiêu phát triển quốc gia, đồng thời giữ vai trò giám sát giúp bảo đảm các địa phương thực hiện đúng các nghị quyết, chỉ đạo, tránh tình trạng chệch hướng hoặc lạm dụng quyền lực.

Việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ đôi khi dẫn đến nguy cơ địa phương hoạt động rời rạc hoặc thiếu gắn kết với chiến lược chung. Trung ương giám sát và hỗ trợ sẽ giúp bảo đảm sự thống nhất giữa các cấp, đồng thời phát hiện và điều chỉnh kịp thời những bất cập. Trung ương hỗ trợ các địa phương bằng cách cung cấp hướng dẫn, nguồn lực, và đào tạo giúp các địa phương phát huy tốt vai trò của mình.

Sử dụng các công cụ giám sát hiện đại như cơ sở dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống quản lý trực tuyến để theo dõi và đánh giá liên tục. Trung ương tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương, bảo đảm minh bạch và công bằng. Tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm như quản lý đất đai, tài chính công, hoặc xây dựng cơ bản…

Trung ương cần có cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và đào tạo khi địa phương gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trung ương và địa phương cần duy trì các cuộc họp tham vấn để cùng tháo gỡ những vướng mắc, đồng thời điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba, đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực: Bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực và phẩm chất phù hợp với yêu cầu mới. Đây là giải pháp cốt lõi trong việc xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng tinh gọn, hiệu quả. Trước hết, chương trình đào tạo cần được đổi mới theo hướng thực tiễn, gắn lý thuyết với các kỹ năng quản lý, lãnh đạo, và giải quyết vấn đề.

Ngoài ra, việc đào tạo liên tục và học tập suốt đời là cần thiết để cán bộ không ngừng nâng cao trình độ, thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và bối cảnh toàn cầu. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển nhân lực địa phương, đặc biệt ở các vùng khó khăn, nhằm bảo đảm sự phát triển đồng đều và bền vững. Song song với đào tạo, việc đánh giá định kỳ năng lực của cán bộ là quan trọng để phát hiện và điều chỉnh những hạn chế, cũng như loại bỏ những trường hợp không đáp ứng yêu cầu.

Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong công tác đảng: Một trong những yếu tố cốt lõi của cải cách hành chính đảng là ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp tối ưu hóa quá trình ra quyết định, nâng cao hiệu năng, hiệu quả tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cơ quan Đảng.

Để công tác cải cách hành chính đảng đạt hiệu quả, cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn hệ thống. Đồng thời, cần thúc đẩy sự tham gia của nhân dân và các tổ chức xã hội trong quá trình cải cách, tạo ra một hệ thống quản lý công bằng, dân chủ, minh bạch và gần gũi với người dân hơn.

Thứ năm, tăng cường giám sát và kiểm tra: Xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ, bảo đảm tinh gọn nhưng không làm giảm hiệu lực quản lý. Giải pháp này là thiết yếu nhằm bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả trong quá trình xây dựng và vận hành bộ máy tổ chức Đảng, gắn với giám sát và kiểm tra giúp phát hiện kịp thời những sai phạm, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ, từ đó có biện pháp khắc phục hoặc xử lý phù hợp.

Để thực hiện hiệu quả, cần xây dựng cơ chế giám sát đồng bộ, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, với sự tham gia của các tổ chức và người dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống giám sát trực tuyến giúp tăng tính minh bạch và khả năng theo dõi liên tục. Đồng thời, cần thực hiện kiểm tra định kỳ và chuyên đề tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, đất đai, hay quản lý công sản, qua đó kịp thời xử lý các vi phạm và ngăn ngừa tham nhũng, lạm quyền.

Ngoài ra, chế tài xử lý vi phạm phải nghiêm minh, công bằng để tạo sức răn đe và củng cố lòng tin trong nhân dân. Giải pháp này không chỉ bảo đảm bộ máy hoạt động hiệu quả, mà còn góp phần xây dựng xã hội liêm chính, minh bạch, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Theo Trần Mai Hương/Nhandan.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load