(Xây dựng) - Sáng 12/7, tại Trung tâm Hội nghị triển lãm tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương và chính quyền bang Nebraska (Hoa Kỳ) đã ký kết Bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ hợp tác và kết nghĩa trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, với nhiều nội dung ý nghĩa nhằm cùng hợp tác, phát triển toàn diện.
Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Bình Dương và Chính quyền bang Nebraska về việc thiết lập quan hệ hợp tác và kết nghĩa trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, với nhiều nội dung ý nghĩa nhằm cùng hợp tác, phát triển toàn diện. |
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy Bình Dương cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương và ông Jim Pillen - Thống đốc bang Nebraska cùng thành viên đoàn công tác của Chính quyền bang Nebraska.
Theo bản ghi nhớ, UBND tỉnh Bình Dương và Chính quyền bang Nebraska sẽ cùng nỗ lực xây dựng mối quan hệ bền vững, trên cơ sở kết quả hợp tác cùng chung tay góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi bên. Trong đó, cả hai sẽ tăng cường mối quan hệ hữu nghị và mở rộng các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực: Quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng đô thị, phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, y tế và giáo dục.
Sau khi ký bản ghi nhớ này, hai bên sẽ ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, giáo dục đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực và chuỗi giá trị cung ứng. Đồng thời, cùng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đoàn doanh nghiệp hai địa phương tìm hiểu, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên.
Trường Đại học quốc tế Miền Đông do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư cũng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác cùng trường Đại học Nebraska – Ohama. |
Đặc biệt, tại chương trình, trường Đại học quốc tế Miền Đông do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư, cũng đã thực hiện ký kết Bản ghi nhớ hợp tác cùng Trường Đại học Nebraska - Ohama. Với sự tương đồng trong các lĩnh vực đào tạo như: khoa học công nghệ, sức khỏe, kỹ thuật, kinh tế... Bản ký kết không chỉ mở ra cơ hội hợp tác phát triển cho hai đơn vị, mà còn tạo điều kiện, mang đến cơ hội học tập, nghiên cứu, phát triển cho sinh viên thông qua các hoạt động trải nghiệm, trao đổi sinh viên, các dự án học thuật…
Được biết, mở rộng hoạt động hợp tác với các đối tác giáo dục, doanh nghiệp uy tín trong nước, quốc tế là một trong những mục tiêu mà trường Đại học quốc tế Miền Đông luôn chú trọng. Mạng lưới kết nối mạnh mẽ là cơ sở để nhà trường chia sẻ, cập nhật và hoàn thiện chương trình đào tạo sao cho phù hợp với sự phát triển không ngừng của xã hội; đồng thời góp phần tạo ra các giá trị tích cực lan tỏa đến cộng đồng.
Trước đó cùng ngày, đến thăm EIU - thành tố nòng cốt của mối liên kết ba nhà: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của tỉnh Bình Dương, ngài Jim Pillen - Thống đốc bang Nebraska bày tỏ sự quan tâm và đánh giá cao môi trường học tập hiện đại, cũng như việc nhà trường đầu tư phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Với nhiều đơn vị có mối tương hỗ chặt chẽ với nhau, mô hình này không chỉ tạo ra nhiều giá trị cho việc học tập - nghiên cứu - khởi nghiệp của nội bộ EIU mà còn góp phần lan tỏa, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ mạnh mẽ trong việc đào tạo, chuyển giao công nghệ, cung cấp nhiều dịch vụ trong lĩnh vực khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo cho cộng đồng.
Đoàn đi thăm quan các mô hình kinh tế, hệ sinh thái công nghiệp tại tỉnh Bình Dương. |
Ngoài ra, trong lộ trình thăm quan đến EIU Fablab, Trung tâm sản xuất tiên tiến (AMC), Trung tâm Đổi mới sáng tạo công nghiệp 4.0 Việt Nam - Singapore (VSIIC), ngài Jim Pillen đánh giá cao vai trò của mỗi đơn vị và cũng đặc biệt quan tâm đến Trung tâm sản xuất tiên tiến (AMC) tại EIU với nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong mảng sản xuất, gia công. Đây là hạt nhân quan trọng góp phần thu hút nguồn chất xám, đầu tư, phát triển năng lực, nhân lực phục vụ cho nhiệm vụ đổi mới sáng tạo cho tỉnh Bình Dương nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Mai Thanh
Theo