Thứ sáu 19/04/2024 20:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tin vui về sự minh bạch!

09:00 | 02/04/2020

(Xây dựng) - Trong bầu không khí đôi phần ảm đạm của nền kinh tế nước nhà bởi nạn dịch Covid-19 thì bỗng nhiên, có một dòng chảy ấm áp khiến nhiều DN phấn chấn và thấy rằng, hơn lúc nào hết, Chính phủ luôn luôn bên cạnh họ.

tin vui ve su minh bach
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Chắc hẳn ai cũng đã biết vụ việc xảy ra cách đây khoảng 3 năm, việc “thu thuế chồng thuế” theo khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các DN có giao dịch liên kết đã khiến ngân sách thu “thêm” 4.875 tỷ đồng của các DN hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.

Mấy năm nay, đã có nhiều khiếu nại của các DN nhưng Bộ Tài chính lại chần chừ, băn khoăn và đưa ra nhiều lý do thiếu thuyết phục để không đưa quy định hồi tố vào Dự thảo sửa đổi khoản 3, Điều 8 này.

Đến hôm mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về vấn đề này. Và tuyệt vời sao khi đa số thành viên Chính phủ chọn quy định cho phép hồi tố xử lý đối với các năm 2017, 2018 bị “thu oan” kia sang các kỳ tính thuế tiếp theo, nhưng không quá 5 năm.

Đúng là một tin rất vui hỗ trợ thêm nguồn lực và lòng tin cho các DN vượt qua muôn vàn khó khăn hiện nay, và vui hơn nữa là sự minh bạch của nguồn thu ngân sách Nhà nước ngày càng sáng tỏ, bởi mấy lẽ:

Thứ nhất, xưa nay, Quốc hội và Chính phủ có quản ngân sách thì cũng là quản cho dân, về bản chất nó vẫn là túi tiền của dân. Cho dù ngân sách nước nhà còn eo hẹp thì cũng không ai cho phép và cũng không ai muốn thu những đồng tiền thiếu minh bạch vào nguồn ngân sách này.

Thứ hai, cho dù khoản tiền 4.875 tỷ đồng kia “đã được quyết toán vào ngân sách Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận” thì cũng chỉ là thao tác kỹ thuật trên sổ sách cho một “túi tiền”, hoàn toàn có thể dùng các thao tác kỹ thuật khác để điều chỉnh, sửa đổi. Không vì một thao tác kỹ thuật trong hạch toán mà có thể làm “ô nhiễm” sự minh bạch và trong sáng của ngân sách một quốc gia.

Thứ ba, trong báo cáo với Chính phủ, Bộ Tài chính đã thừa nhận sự thiệt thòi (nói chính xác là thiệt hại) cho những DN đã từng nghiêm túc thực hiện chính sách thuế của Nhà nước. Nếu những người làm ăn nghiêm túc mà luôn bị thiệt hại, mà thiệt hại ấy bắt nguồn nguyên nhân là sự cố chấp của cơ quan Nhà nước, thì liệu rằng, kỷ cương xã hội sẽ đi về hướng nào, hẳn không thể khuyến khích.

Thứ tư, có thể khẳng định rằng, con số 4.875 tỷ đồng kia là đồng tiền sạch sẽ, là thu nhập hợp pháp của các DN được khoản 1 Điều 32 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam bảo hộ. Nay nó lại bị di chuyển oan ức như vậy, liệu lòng tin của dân chúng có bị ảnh hưởng?

Thật tiếc là số tiền ngót 5 nghìn tỷ kia được khấu trừ vào các năm sau. Giá như hồi tố “luôn và ngay”, tôi tin rằng một phần trong đó sẽ được các DN đóng góp hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19 đang diễn ra ác liệt này.

Nguyễn Hoàng Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load