(Xây dựng) - Vô sinh là một câu truyện rất bức xúc kéo theo nhiều hệ lụy của gia đình và xã hội. Trên thế giới hiện có rất nhiều phương pháp chữa trị vô sinh nhưng hầu hết rất tốn kém và nhiều gia đình không có đủ khả năng chi trả. May thay, TS. Bác sỹ Willem Ombelet (người Bỉ) gần đây đã ứng dụng phương pháp điều trị vô sinh bằng công nghệ mới giá rẻ.
TS Willem Ombelet – Bác sỹ khoa sản người Bỉ (ảnh BBC news)
Trước đây, TS. Ombelet cũng từng ứng dụng bằng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho nhiều bệnh nhân nhưng phương pháp này rất đắt đỏ chỉ có thể ứng dụng cho những gia đình khá giả bởi thụ tinh IVF kiểu truyền thống khá tốn kém. Đứng trước nỗi bức xúc và thương cảm cho người bệnh nghèo, TS. Ombelet đã ngày đêm trăn trở và tìm tòi phương pháp cải tiến điều trị căn bệnh này.
Có lẽ ông trời đã ủng hộ TS. Ombelet khi ông có dịp gặp chuyên gia phôi học Jonathan Van Blerkom và kể từ đó ý tưởng về một phòng thí nghiệm di động, giá rẻ đã ra đời. Câu truyện có vẻ ly kỳ về sự ra đời của một phương pháp chữa vô sinh giá rẻ có nguồn gốc khá đặc biệt nhưng rất sáng tạo. Đó là khi Jonathan Van Blerkom hồi sinh một kỹ thuật mà ông từng sử dụng vào thập niên 1980 khi vận chuyển các phôi bò qua một chặng đường rất xa. Kỹ thuật này ứng dụng phương pháp trộn thuốc muối với Citric acid để tạo nên khí CO2 nhằm giữ cho các phôi bò luôn duy trì nồng độ CO2 và độ kiềm tối ưu.
Tuy nhiên, phương pháp này khi ứng dụng vào cơ thể con người cần sự tinh tế hơn nhằm tạo ra hệ thống khép kín để ngăn ngừa bất kỳ nguy cơ gây ô nhiễm. Sự tinh tế thể hiện ở số lượng chính xác của Citric acid và thuốc muối được hòa trộn trong một ống thí nghiệm. Nhằm duy trì nhiệt độ hoàn hảo cho trứng thụ tinh và phát triển phôi, Van Blerkom đã thử nghiệm các phương pháp kỹ nghệ thấp: đặt các ống thí nghiệm vào trong bình ở nhiệt độ thích hợp. Khi không khí ổn định, trứng và tinh trùng được tiêm vào ống thí nghiệm có chứa môi trường nuôi cấy. Sau đó, đặt ống thí nghiệm dưới kính hiển vi để biết về tình trạng thử nghiệm, liệu nó có chứa phôi thai hay không – nếu có, nghĩa là quá trình trứng thụ tinh đã hoàn tất. Nếu một phôi đã được tạo ra thành công, lúc này nó sẽ chuyển từ ống nghiệm sang tử cung của bệnh nhân nữ trong khoảng thời gian 6 ngày.
Như vậy, công nghệ đơn giản này đã làm giảm sức ép của một phòng thí nghiệm IVF hoành tráng, đắt đỏ chuyển sang một khối bình có chứa một cặp ống nghiệm cho mỗi phôi. Tuy nhiên, vì sự an toàn cho các hệ thống thử nghiệm ở cơ thể con người nên cho đến nay, nó đang được thử nghiệm trong điều kiện của một phòng thí nghiệm vô trùng.
Carbon dioxide tạo ra điều kiện cho phôi thai bằng cách dùng thuốc muối và citric acid (ảnh: BBC news)
Có rất nhiều cuộc thử nghiệm tại ở Genk (Bỉ) vào năm 2012 và 17 trẻ em khỏe mạnh đã chào đời bằng cách sử dụng hệ thống đơn giản này. TS. Ombelet chỉ ra rằng tỷ lệ thụ thai và thụ tinh cùng có kết quả tương tự như các phương pháp IVF truyền thống đắt đỏ trước đây.
Phương pháp mới này sẽ được triển khai ở Nam Phi và Anh vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, để trở thành phương pháp đại trà, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng dù sao cũng là một tin rất vui cho các nước đang phát triển bởi ở đó tài chính vẫn là một trở ngại với nhiều cặp vợ chồng. Để biết thêm chi tiết, xem thêm tại: http://www.bbc.com/news/health-27814124.
Khánh Phương
Theo