Thứ tư 24/04/2024 08:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tín hiệu tích cực thu hút FDI ở Tây Nguyên

14:13 | 23/10/2021

Vốn là vùng khó thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng lần đầu tiên, một doanh nghiệp FDI lớn trong lĩnh vực chế biến chế tạo lựa chọn Đắk Lắk để đầu tư. Sự khởi đầu của đại dự án này mở ra kỳ vọng cho làn sóng FDI vào khu vực Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm cho người dân.

tin hieu tich cuc thu hut fdi o tay nguyen
Sơ chế hoa tại doanh nghiệp FDI Dalat Hasfarm

Một dự án tạo việc làm cho 5.000 lao động

Ngày 22/10, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Đắk Lắk cho biết, Cty CP Tae Kwang Vina Industrial (Cty Tae Kwang Vina, thuộc Hàn Quốc) vừa được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận đầu tư. Dự án nằm trên diện tích 40.875m2. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 486 tỷ đồng (tương đương 22 triệu USD), thời gian hoạt động 37 năm (từ 2021 đến 2058). Hiện tại, doanh nghiệp (DN) tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý, cải tạo, xây dựng hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, quản lý nhân sự khu vực Đắk Lắk của DN này cho hay, DN đang tuyển 1.000 lao động phổ thông đưa đi đào tạo tại công ty mẹ ở tỉnh Đồng Nai. Về sau, lực lượng này sẽ trở về làm việc lâu dài tại chi nhánh Đắk Lắk. Dự kiến, năm 2022, chi nhánh đi vào hoạt động, trong 3 năm, sẽ tuyển đủ 5.000 công nhân.

Theo bà Hà, từ tháng 6 đến nay, đã có khoảng 2.000 lao động tại Đắk Lắk nộp hồ sơ. Công ty sẽ phỏng vấn, tuyển chọn những người đủ điều kiện và đưa xuống Đồng Nai từng đợt. Hiện tại, công ty đã chọn được 400 công nhân và đang đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho họ. Ngoài thu nhập cơ bản, theo bà Hà, công ty còn có các chế độ dành cho công nhân như: Thưởng công nhân mới 200 nghìn đồng/tháng, trợ cấp nuôi con nhỏ, trợ cấp đi lại...

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Đắk Lắk, nhà máy sản xuất giày là dự án FDI đầu tiên đặt nền móng tại khu công nghiệp. Đắk Lắk luôn nỗ lực thu hút đầu tư, đặc biệt là với nguồn vốn FDI, song trở ngại lớn khiến “đại bàng chưa lót ổ” là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ của tỉnh còn yếu, không có cảng biển, đường sắt…Tuy nhiên, sự xuất hiện Cty Tae Kwang Vina là “ánh sáng đã xuất hiện cuối đường hầm”.

Ông Phạm Văn Tịch, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện tại trong KCN Hòa Phú có 37 dự án đang hoạt động. Dù chịu tác động của dịch COVID-19 song kết quả hoạt động của các DN rất khả quan.

Ngoài công ty trên, 2 DN FDI đang tìm hiểu đầu tư trong KCN Hòa Phú gồm Cty TNHH Lotte Confectionery, Cty TNHH Bamboo Nông nghiệp (thuộc Tập đoàn Bamboo Capital Group BCG)…

Nhiều giải pháp “níu chân” DN FDI

Tại Lâm Đồng, Sở KH&ĐT tỉnh này cho hay, hiện tại, toàn tỉnh có 101 dự án FDI với vốn đăng ký 550 triệu USD. So với các tỉnh Tây Nguyên, Lâm Đồng đứng đầu về số dự án và xếp thứ hai về vốn đầu tư đăng ký (sau Đắk Lắk). Đáng lưu ý, trong thời gian nước ta đương đầu với dịch bệnh COVID-19, vẫn có 4 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tổng vốn đăng ký hơn 12 triệu USD) tại Lâm Đồng.

Trước kia, các dự án FDI đầu tư vào Lâm Đồng tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; các lĩnh vực hậu cần, logistics như vận tải, kho bãi… Từ năm 2020 đến nay, Lâm Đồng đã thu hút FDI đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế của địa phương như nông nghiệp và du lịch. Chẳng hạn, Cty TNHH Rijk Zwaan Việt Nam (Hà Lan) đầu tư dự án lai tạo giống rau, Cty TNHH Công nghệ Sinh học - Nông nghiệp quốc tế Chia Meei (Cộng hòa Xây-Sen) sản xuất giống cây nông nghiệp, Cty TNHH Agriex (Nhật Bản) sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu…

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, tuy nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều tiềm năng thế mạnh ở Lâm Đồng nhưng DN đầu tư cũng đối mặt một số rào cản nhất định, đặc biệt là thiếu quỹ đất sạch. Để cải thiện vấn đề này, theo ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, địa phương phải quy hoạch, xác định được vị trí, quỹ đất, chuẩn bị các điều kiện cần thiết (lập kế hoạch sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch chi tiết, đề xuất dự án cụ thể…) nhằm thu hút đầu tư FDI.

Tại Đắk Nông, những năm gần đây, DN nước ngoài (đến từ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia…) cũng tìm đến, đầu tư 11 dự án với tổng vốn đăng ký 227 triệu USD, trong đó, 4 dự án đang triển khai, còn lại đã hoạt động.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đến nay, ở các tỉnh Tây Nguyên có 162 dự án FDI. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 1,52 tỷ USD, chiếm khoảng 0,4% tổng vốn FDI toàn quốc. Các dự án ở Tây Nguyên có quy mô bình quân 9,43 triệu USD/dự án, thấp hơn nhiều so với mức chung cả nước.

Dù đã đầu tư tới 12 ngành kinh tế nhưng nhà đầu tư FDI tìm đến Tây Nguyên chủ yếu trong lĩnh vực: sản xuất, phân phối điện; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản…

“Vị trí địa lý nằm xa cảng biển, xa nơi tiêu thụ sản phẩm dẫn đến chi phí vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu cao khiến Tây Nguyên khó cạnh tranh thu hút FDI so với các tỉnh có hạ tầng tốt, vị trí thuận lợi. Hầu hết các cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh chưa được xây dựng hạ tầng đồng bộ và đảm bảo điều kiện về giao thông, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, phòng cháy chữa cháy”, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá.

Để thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới, Cục Đầu tư nước ngoài khuyến nghị, các tỉnh Tây Nguyên cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả xúc tiến đầu tư gắn với việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN.

Theo HUỲNH THỦY - QUỲNH NGA - KIM ANH/Tienphong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load