(Xây dựng) – Đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, đây cũng được coi là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận người lao động, tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
Đối với các đối tượng là người nghèo và các đối tượng chính sách và còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc giúp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao trình độ, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo một cách bền vững.
Ảnh minh họa.
Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đang thực hiện cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13/4/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về cho vay đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (QĐ 365); Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/ 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 (QĐ 71); Quyết định số 1465/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc mới triển khai năm 2013; Chính sách cho vay theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Chính sách cho vay theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất.
Đến nay, tín dụng ưu đãi đối với hoạt động đưa người lao động đi XKLĐ NHCSXH đã giải ngân cho gần 108.580 hộ gia đình được vay vốn với gần 2.500 tỷ đồng, qua đó giúp cho 109.462 lao động thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách và người đi lao động tại các huyện nghèo được vay vốn đi XKLĐ có thời hạn ở nước ngoài. Cùng với đó doanh số thu nợ của chương trình cũng đạt gần 2.014 tỷ đồng cho thấy chính sách đạt hiệu quả rất tốt.
Tính đến hết 3/2017, tổng dư nợ cho vay XKLĐ đạt trên 509 tỷ đồng với 13.377 khách hàng còn dư nợ.
Có thể khẳng định, cho vay XKLĐ của NHCSXH đang triển khai là kênh tín dụng giúp các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ gia đình sinh sống tại các huyện nghèo và đặc biệt với đối tượng vay là người dân tộc thiểu số có điều kiện để cải thiện cuộc sống, thoát nghèo, nâng cao trình độ.
Nhờ được vay vốn đi XKLĐ mà hơn 100 ngàn lao động có việc làm. Người lao động đi nước ngoài làm việc có thu nhập và gửi tiền về giúp gia đình có tiền vốn làm ăn tại quê nhà.
Với việc tiếp xúc với khoa học kỹ thuật tiên tiến, phong cách làm việc khoa học, hiện đại nên người lao động đã thay đổi được nhận thức, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tích lũy được kinh nghiệm.
Đây cũng là kiến thức cần có, là tiền đề cho người lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước tham gia lao động sản xuất, kinh doanh có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Nguồn vốn cho vay đi XKLĐ từ NHCSXH được nhân dân đón nhận và đồng tình ủng hộ, góp phần đáng kể vào chương trình giảm nghèo tại địa phương nói riêng và của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nói chung.
Đồng thời, nhờ phát triển được phong trào đi lao động ở nước ngoài đã đem về đất nước một lượng ngoại tệ đáng kể, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các nước, giúp đất nước hội nhập và phát triển.
Cùng với đó, người lao động đi nước ngoài làm việc còn được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật tiên tiến, phong cách làm việc khoa học, hiện đại nên người lao động đã thay đổi được nhận thức, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tích lũy được kinh nghiệm để khi trở về nước có điều kiện mở doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho gia đình và cộng đồng. Và đây là kiến thức cần có, là tiền đề cho người lao động sau khi hết hợp đồng về nước tham gia lao động sản xuất kinh doanh có năng suất, chất lượng cao hơn.
Theo số liệu trên, điều đáng lưu ý giai đoạn từ năm 2005 – 2010 , đây là thời kỳ XKLĐ tăng trưởng mạnh, mặc dù năm 2008 kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng nhưng XKLĐ vẫn tăng trưởng chậm đến năm 2010.
Năm 2011, 2012 và 2013 việc làm giảm mạnh nên người lao động làm việc ở nước ngoài cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công việc, một số chủ sử dụng lao động không thực hiện đúng theo cam kết đã ký với người lao động... Người lao động gặp khó khăn phải bỏ về nước trước hạn, dẫn đến doanh số của chương trình giảm mạnh từ 170,744 tỷ đồng xuống còn 90,033 tỷ đồng, đây là thời kỳ khó khăn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, chương trình còn gặp khó khăn khác trong quá trình triển khai như sau: Người lao động thuộc huyện nghèo, là khu vực vùng sâu vùng xa, đi lại rất khó khăn, thiếu thông tin do đó công tác tuyên truyền quảng bá cho chương trình này còn gặp nhiều hạn chế, phần lớn là người dân tộc thiểu số nên còn một số chưa thực sự thay đổi được tư duy trong lao động, ý thức kỷ luật lao động không cao…
Chưa kể, doanh nghiệp cố tình thu phí cao hơn so với quy định gây khó khăn cho người lao động, đặt biệt là người lao động thuộc các đối tượng chính sách, hộ nghèo.
Ngoài ra, việc quản lý thu nhập của người lao động còn nhiều hạn chế, do bên tuyển dụng người lao động hoặc đối tác sử dụng người lao động thực hiện trả lương, thu nhập trực tiếp cho người lao động, trong khi đó chưa có quy chế quản lý thu nhập của người lao động đã vay vốn nên có hiện tượng chây ỳ trong việc trả nợ và Ngân hàng gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ.
Hiện tượng người lao động sang làm việc ở nước ngoài có thu nhập thấp hơn so với Hợp đồng đã ký hoặc công việc không đúng với Hợp đồng đã ký, dẫn đến người lao động không có khả năng trả nợ, người lao động bỏ về nước,... đây cũng là nguyên nhân người vay không trả được nợ vay tại Ngân hàng.
Để giảm bớt tình trạng này và nâng cao hiệu quả, chất lượng của chương trình thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa giữa các bộ, ngành có liên quan và địa phương, doanh nghiệp XKLĐ, trong đó coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động, cần có hành lang pháp lý chặt chẽ đối với đơn vị làm dịch vụ XKLĐ để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tránh các trường hợp người lao động bị lừa đảo.
Đồng thời nâng cao trách nhiệm và chất lượng tuyển chọn lao động của doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ. Có chế tài, biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp, đơn vị tuyển chọn không thực hiện đúng hợp đồng với người lao động, gây thiệt hại cho người lao động và rủi ro cho nguồn vốn vay của Nhà nước.
Các bộ, ngành liên quan mở các diễn đàn trao đổi theo định kỳ để cùng các đơn vị tham gia nắm bắt thông tin về tình hình, kết quả triển khai chương trình, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh để chương trình đạt hiệu quả hơn.
Các doanh nghiệp, dịch vụ khi tuyển lao động cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường thông qua các biện pháp tăng cường đầu tư về tổ chức bộ máy, tài chính, cơ sở đào tạo, tăng cường công tác quản lý và bảo vệ lợi ích người lao động.
Cần tập trung đầu tư cho công tác đào tạo và giáo dục định hướng đối với người lao động nhằm trang bị những kiến thức cần thiết để đáp ứng được yêu cầu công việc, nâng cao chất lượng tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Hy vọng với sự nỗ lực hơn nữa trong hành trình dẫn vốn đến với người lao động có nhu cầu XKLĐ của NHCSXH cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp XKLĐ và sự ủng hộ của nhân dân, chính sách cho vay XKLĐ sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả cao, đóng góp tích cực vào chương trình giảm nghèo của Chính phủ.
Linh Đan
Theo