Thứ bảy 20/04/2024 18:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tìm thấy thành phố La Mã 1.800 năm tuổi ở Ai Cập

14:58 | 28/01/2023

Các nhà khảo cổ tại thành phố Luxor ở miền Nam Ai Cập đã phát hiện ra một thành phố La Mã cổ.

Tìm thấy thành phố La Mã 1.800 năm tuổi ở Ai Cập
Ảnh: CNN.

Mostafa Waziri, Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập, cho biết thành phố này có từ thế kỷ 2-3 sau Công nguyên, đồng thời mô tả đây là "thành phố lâu đời nhất và quan trọng nhất được tìm thấy ở bờ đông Luxor”.

"Một ngôi làng hoàn chỉnh đã được phát hiện, với hai tháp chim bồ câu lần đầu tiên được tìm thấy", Waziri thông báo hôm 24/1 trong một video đăng trên Twitter.

Người này giải thích rằng những tòa tháp được dùng làm tổ để nuôi chim bồ câu đưa thư. Những con chim sau đó sẽ được sử dụng để vận chuyển thông điệp đến các vùng khác của Đế chế La Mã.

Tìm thấy thành phố La Mã 1.800 năm tuổi ở Ai Cập
Tàn tích thành cổ La Mã mới được phát hiện ở Luxor. Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập.

Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện ra phần còn lại của nhiều tòa nhà dân cư và một số xưởng kim loại. Bên trong các xưởng này chứa một bộ sưu tập đồ tạo tác như nồi, chậu, bình nước, chuông, công cụ mài và tiền xu La Mã bằng đồng.

Các cuộc khai quật bắt đầu vào tháng 9 cũng đã phát hiện ra một kho công cụ, nồi và đồng xu La Mã bằng đồng và đồng.

Thành phố La Mã mới được khám phá được tìm thấy ở Luxor, một thành phố hiện đại nằm bên bờ sông Nile. Luxor cũng được biết đến là quê hương của Thung lũng các vị vua và Thung lũng các Nữ hoàng nổi tiếng thế giới và được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1979.

Tìm thấy thành phố La Mã 1.800 năm tuổi ở Ai Cập
Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập, Mostafa Waziri, cầm một cổ vật mới được khai quật. Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập.

Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập ca ngợi đây là một phát hiện hiếm có. Luxor từ lâu đã là một địa điểm có nhiều phát hiện khảo cổ và khám phá mới. Khu dân cư thời La Mã được cho là một phần mở rộng của thành cổ Tiba, đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống tôn giáo, kinh tế và hành chính của Ai Cập cổ đại.

Đợt khám phá mới nhất diễn ra trước thời điểm mở cửa được chờ đợi từ lâu của Bảo tàng Đại Ai Cập ở Cairo vào cuối năm nay. Bảo tàng sẽ trưng bày nhiều di sản cổ xưa của đất nước, điều mà Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập hy vọng sẽ thúc đẩy lĩnh vực này sau đại dịch Covid-19.

Theo Hoàng Vũ (CNN)/Zingnews.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load