Năm 2011 có thể nói là một năm đầy khó khăn và thử thách trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều những khó khăn. Tuy 5 chương trình nhà ở quốc gia triển khai trong năm đã thu được những kết quả khả quan nhưng cán cân cung - cầu vẫn chênh lệch lớn... Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS diễn ra ngày 14/02, nhiều vấn đề trọng tâm đã được mổ xẻ, phân tích dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Đẩy mạnh xây dựng nhà cho thuê
Tình hình chung của thị trường BĐS năm 2011 ảm đạm và trầm lắng do sự thắt chặt tín dụng của ngân hàng, lãi suất tăng cao khiến nhà đầu tư thiếu vốn. Thực tế, giá BĐS đã giảm đi khá mạnh nhưng vẫn có sự chênh lệch lớn về giá ở phân khúc căn hộ cao cấp. Chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị đã được triển khai tại nhiều địa phương. Theo số liệu báo cáo, cả nước hiện đã có 42 dự án khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng, đáp ứng cho hơn 70 nghìn người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, cũng như chính sách nhà ở cho công nhân KCN, các dự án đều đang gặp khó khăn trong việc thu hút DN đầu tư do khả năng tiếp cận vốn ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng hạn chế.
Trong khi các phân khúc nhà chung cư, căn hộ cao cấp rơi vào tình trạng ảm đạm thì thị trường nhà giá rẻ, cho thuê vẫn sôi động với các giao dịch thành công trong năm 2011. Đánh trúng tâm lý và túi tiền của người mua nhà, các DN đầu tư đang nhận được quả ngọt từ thị trường chung cư mini. Tuy nhiên, các DN vẫn đang đau đầu với bài toán sổ đỏ. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ nhà cho thuê thường chiếm từ 80 - 90%, nhà sở hữu cá nhân rất ít. Trong khi ở Việt Nam, đất chật người đông, tỷ lệ nhà cho thuê lại quá thấp, chỉ đạt 11% ở Hà Nội và 16% ở TP.HCM là bất hợp lý. Nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn, chủ trương của Chính phủ không khuyến khích sở hữu cá nhân mà sẽ phát triển mạnh mẽ thị trường nhà cho thuê. Đây sẽ là mô hình của tương lai, đáp ứng nhu cầu nhà ở của xã hội.
Thực tế trong quá trình nghiên cứu trình Chính phủ Đề án về nhà ở và cho thuê, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển việc nghiên cứu Đề án sang nghiên cứu Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy, khuyến khích DN đầu tư xây dựng nhà cho thuê. Theo chiến lược nhà ở, từ nay đến năm 2015, nhà chung cư sẽ chiếm 80% trong các dự án nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, nhà cho thuê sẽ được chú trọng phát triển với nhiều ưu đãi để chiếm 20% tổng số căn hộ. Do vậy, bên cạnh việc Nhà nước sẽ đầu tư xây chung cư cho thuê hoặc thuê mua bằng ngân sách thì rất cần sự chung tay, hợp tác của các DN để đảm bảo cho 11 nghìn hộ dân chưa có nhà được ổn định, an cư.
Giải pháp vốn
Rõ ràng, thiếu vốn là một nguyên nhân quan trọng khiến các dự án bị đình trệ. Nhưng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến, so với mặt bằng giá hiện nay và sự sôi động của thị trường BĐS từ đầu năm 2011 trở về trước thì những phản ánh của DN về tình trạng thua lỗ là thiếu cơ sở, cần rà soát và đánh giá lại. Do vậy, trong năm 2012, NHNN vẫn là kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, chủ yếu tập trung vào kiểm soát cho vay đầu tư BĐS để thị trường BĐS phục vụ nhu cầu thực chất của người dân. Trong khi đó, một nhiệm vụ quan trọng trong năm được Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh chính là khơi thông nguồn vốn để DN BĐS tiếp tục hoàn thiện các dự án đang dở dang, khôi phục thị trường và lấy lại lòng tin của khách hàng.
Thị trường BĐS cần phải tự tìm cho mình những kênh huy động vốn mới, tránh sự lệ thuộc quá lớn vào hệ thống ngân hàng, khả năng tiếp vốn để hoàn thiện dự án hướng tới các phân phúc nhà hợp lý. Vì vậy, để khôi phục thị trường BĐs cần phải giải quyết được vấn đề nguồn vốn.
Tiếp đó phải tìm cách giảm vai trò nguồn vốn vay ngân hàng trong đầu tư BĐS, xây dựng các kênh huy động, nguồn lực quan trọng và khả thi, để tiếp tục tạo nguồn cung nhà ở, trước hết là xây dựng Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở, đảm bảo các chương trình, dự án nhà ở chính sách hiện nay tiếp tục được triển khai đúng tiến độ, mục tiêu. Bộ Xây dựng đã đề xuất hai mô hình của quỹ, gồm quỹ tiết kiệm cho những người mua nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội và quỹ tiết kiệm nhà ở cho người có thu nhập trung bình.
Nhận định Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Trí: Nhiều cơ sở có diện tích nhỏ hẹp nhưng ở vị trí có giá trị thương mại cao nên các Bộ, ngành còn chần chừ chưa đề xuất phương án bán. Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước còn tồn tại một số vấn đề như: Việc sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước không đúng mục đích được giao (cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, bố trí làm nhà ở trái thẩm quyền dẫn đến khó khăn trong việc di dời). Việc xác định giá đất theo thị trường rất khó khăn, chính sách thay đổi nhiều qua từng giai đoạn nên việc xác định giá khởi điểm để bán rất chậm và thiếu cơ sở vững chắc. Ngoài ra việc chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính tại địa phương nên quá trình thực hiện còn chậm; nhiều cơ sở nhà đất của các TCty đã được phê duyệt phương án chuyển mục đích từ 2 - 3 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong. Trong quá trình thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất, một số bộ, ngành, địa phương chưa có phương án sắp xếp hiệu quả, nhiều cơ sở có diện tích nhỏ hẹp nhưng ở vị trí có giá trị thương mại cao thì các bộ, ngành vẫn đưa ra phương án giữ lại sử dụng như cũ; chưa mạnh dạn đề xuất phương án bán để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới tại các cơ sở nhà đất khác; do đó dẫn đến việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước là trụ sở làm việc kém hiệu quả, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thông qua sắp xếp nhà đất còn nhiều hạn chế. Tiến độ thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở hoạt động đông người như bệnh viện, trường học… vẫn chưa có bước chuyển biến rõ rệt do các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, TCty chưa có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này, các đối tượng phải di dời vẫn có tư tưởng chậm chễ và không tích cực trong việc thực hiện chủ trương của Nhà nước. Một số đơn vị chậm triển khai sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước gồm: Văn phòng Chính phủ; Viện KHCN Việt Nam, TLĐLĐVN; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Người cao tuổi Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam… Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến: Giá đất đô thị không có biến động. Mức giá đất bình quân cao nhất năm 2011 của đô thị loại I là 29,244 triệu đ/m2, ổn định so với năm 2010; đô thị loại II có mức giá 25,233 triệu đ/m2, tăng 13% so với năm 2010 và bằng 84% so với mức giá đất ở tối đa quy định tại khung giá đất ở tương ứng do Chính phủ quy định. Đối với các đô thị còn lại bình quân mức giá đất ở cao nhất từ 7,699 - 13,777 triệu đ/m2; giảm từ 6,37 - 15,6% so với năm 2010 và bằng khoảng 70% so với giá đất tối đa của khung giá các loại đất đô thị loại III; IV. Riêng 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM cơ bản giữ nguyên mức trần năm 2010 và điều chỉnh cục bộ một số tuyến đường, đoạn đường được nâng cấp theo hướng giảm dần từ trung tâm ra ngoại thành, 109 tuyến phố của TP.HCM được bổ sung vào bảng giá đất mới. |
Thanh Phong - Nguyễn Cảnh
Theo baoxaydung.com.vn