Thứ ba 03/12/2024 02:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Tiêu dùng thái quá phá vỡ cân bằng

09:49 | 26/04/2017

(Xây dựng) - Nước sạch đang dần cạn kiệt, sự biến mất của sông suối ao hồ là lời cảnh báo. Nếu không biến mất, chúng cũng sẽ bị ô nhiễm đến mức mà con người và muôn loài không thể sinh sống. 2/3 dân số trên thế giới sẽ đối mặt với tình trạng khan hiếm nước vào năm 2025, đó là chưa kể những con số biết nói khác.

Người ta đã tính được mỗi năm toàn cầu tiêu thụ tới 40% vật liệu (các loại) khai thác trực tiếp từ tự nhiên để xây dựng các công trình (đường giao thông, nhà máy, nhà cửa, cầu cống…). Các công trình xây dựng ấy lại tiêu thụ từ 36 - 45% nguồn năng lượng của mỗi quốc gia. Chỉ riêng nước cho hoạt động xây dựng trên toàn cầu đã chiếm 1/6 nguồn cung cấp nước sạch.

Trong đó, các TP phát triển quá mức, tiêu thụ một lượng hàng hoá khổng lồ: Năng lượng, lương thực thực phẩm và nước… Rồi các TP lại đưa các loại rác, nước thải, khí ô nhiễm ra bên ngoài TP. Cả hai quá trình này đều phá vỡ sự cân bằng sinh thái - từ khu vực đô thị đến mức độ quốc gia và toàn cầu. Thế nên, người ta chống sự ra đời những TP siêu lớn do nó không đủ khả năng xử lý các loại rác thải làm ô nhiễm dòng chảy nước mặt, nước ngầm, ven biển…

Sự phát triển đó đã “góp phần” làm nhiệt độ trái đất khắc nghiệt hơn - thế là dẫn tới việc phải làm mát hoặc sưởi ấm các TP, như vậy, chi cho năng lượng lại cao hơn - hậu quả lượng phát thải khí nhà kính cũng tăng theo. Chu trình này như một vòng luẩn quẩn của con người trong cuộc chiến với chính các hậu quả do nó gây ra.

Theo tính toán của Global Footprint Network, trái đất phải tăng gấp 1,5 lần khả năng tái tạo tự nhiên mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của con người cho tới thời điểm năm 2014. Và nếu cứ giữ nhịp độ tiêu thụ như hiện nay thì từ nay đến năn 2050 loài người sẽ phải cần có “hai trái đất” mới đáp ứng được nhu cầu về tài nguyên.

Tại Việt Nam, hơn 20 năm qua chúng ta có thêm gần 200 đô thị mới ở các quy mô, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người cũng giảm 50% trong 10 năm (từ 2000 - 2010), mỗi năm giảm 5m2/người… Thế nhưng, dường như sự gia tăng này chưa có một tỷ lệ tương xứng về chất lượng sống tại các đô thị. Tất cả đô thị từ loại IV trở lên đều có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt nhưng quy hoạch chi tiết chưa phủ kín được các đô thị. Tỷ lệ trung bình trong cả nước mới có quy hoạch chi tiết khoảng 45%, không đồng đều giữa các đô thị và vùng, miền nên ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, bố trí nguồn lực phát triển, khai thác nguồn lực đất đai chưa hiệu quả.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị mất cân đối với các yêu cầu của sự phát triển đô thị. Nước sạch thất thoát lớn, úng ngập, nhiều đô thị lớn không được bảo vệ với triều cường, với mưa lũ. Tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng gây lãng phí và phiền hà nhiều cho người cần lưu thông trong đô thị.

Không những thế, sự tăng trưởng xây dựng đang hủy hoại nguồn tài nguyên. Đến năm 2020 chúng ta sẽ tiêu thụ khoảng 405 triệu tấn VLXD các loại. Hàng vạn héc-ta đất trồng lúa đang bị khai thác không thương tiếc để sản xuất gạch ngói, đất sét nung. Rất nhiều núi đã bị khai thác nham nhở.

Rõ ràng, sự  tiêu dùng vô độ không chỉ sẽ làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, mà sự tiêu thụ ấy còn gây ô nhiễm môi trường sống. Sự thái quá này, nói hình ảnh, con người “càng xài sang càng tự đầu độc mình”.

Ngọc Lý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load