Lắp đặt IMOP cạnh động cơ nhằm mục đích mang lại giải pháp tối ưu cho các DN sản xuất công nghiệp (xi măng, sắt, thép…) trong việc tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu điện năng tiêu thụ, nâng cao công suất hoạt động của động cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao… Đây là sản phẩm mới được Cty TNHH Minimise (Anh) giới thiệu tại Hà Nội vừa qua.
IMOP là một thiết bị mới được thiết kế để tối ưu hóa điện năng tiêu thụ. IMOP hoạt động giống như một bảng điều khiển cảm ứng tối ưu hóa động cơ (hoạt động gần giống với bộ tụ bù), có thể được lắp đặt trên các máy sưởi, động cơ hoặc trên bất kỳ bộ phận cảm ứng của thiết bị dựa trên hoạt động từ trường. IMOP hoạt động bằng cách khai thác, lưu trữ và sau đó cung cấp các yếu tố công suất phản kháng của điện cho động cơ điện cảm và tải. Khi các thiết bị điện hoạt động, công suất phản kháng này sẽ được chuyển đến và đi từ IMOP của động cơ. Phản ứng điện được đo thông qua các IMOP. Với thiết bị này, không chỉ tiết kiệm trên 25% hóa đơn tiền điện mà các động cơ cũng sẽ chạy mát hơn, hiệu quả hơn và đòi hỏi phải bảo trì cũng ít hơn.
Theo Cty TNHH Minimise (Anh), chỉ riêng tại Anh, theo tính toán đến năm 2020, giá năng lượng có thể tăng tới 25% và có thể tăng đột biến, thậm chí cao hơn nhiều so với thời điểm hiện tại. Để giảm thiểu tổn hao quá nhiều năng lượng trong việc tiêu thụ điện của các động cơ, cần phải khuyến khích các DN, nhà máy sản xuất tiếp cận các công nghệ thay thế, tiết kiệm năng lượng hiệu quả hơn; kiểm soát chặt chẽ các trang thiết bị hoạt động kém hiệu quả; đánh thuế nghiêm ngặt lượng khí carbon thải ra nhằm nâng cao ý thức “môi trường xanh” và trách nhiệm của các DN. Tính toán của tổ chức Carbon Trust (Anh) cho thấy, 1KW = 0,000573 tấn carbon (tCO2e), 1tCO2e = 1.754,5KW. Nếu lấy ví dụ lượng khí thải carbon liên kết với mỗi KW điện năng tiêu thụ có thể được tính ứng với một động cơ 50KW chạy 200 nghìn KWh điện mỗi năm, sẽ tương đương với một động cơ chạy 11 giờ mỗi ngày, khoảng hơn 16 nghìn giờ mỗi tháng. Trong một năm, một động cơ này sẽ phát thải 114 tấn khí carbon. Đối với động cơ 50KW cùng với một IMOP cài đặt bên cạnh sẽ tiết kiệm năng lượng cao nhất là 25% và thấp nhất có thể là 6%. Tương ứng khí thải carbon do động cơ thải ra sẽ giảm 28,5 tấn và 6,84 tấn.
Ông Brian Hannah - Giám đốc kỹ thuật Cty Minimise cho biết, việc lắp đặt thêm thiết bị IMOP cạnh động cơ sẽ tăng hiệu suất của động cơ, vì thế sẽ tiết kiệm được 6 - 25% điện năng tiêu thụ; làm tăng tuổi thọ của động cơ do thiết bị đảm bảo nhiệt độ khi vận hành giảm xuống đến giới hạn thiết kế bằng cách giảm nhiệt cho động cơ; giảm cường độ dòng điện, điện năng sử dụng và thải khí carbon bằng cách giảm cường độ dòng điện của động cơ, có thể giải phóng được khoảng không trong thanh cung cấp (tạo thêm công suất cho thiết bị điện khác); trong vòng 5 năm không cần bảo dưỡng, bảo hành; thất thoát trên đường dây được loại bỏ từ động cơ đến đồng hồ đo điện; kéo dài tuổi thọ của đèn; thu hồi vốn nhanh (dưới 3 năm)…
Hiện nay, các ngành sản xuất công nghiệp như sản xuất xi măng, thép… là những ngành có mức độ tiêu thụ điện cao nhất. Cùng với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu kỷ lục năm 2010 của thép, xi măng thì nhu cầu dùng điện của hai ngành này cũng đã tăng thêm tới 27,5% so với năm 2009. Trong đó, sản xuất thép tiêu thụ 4,67 tỷ KWh, chiếm tỷ lệ 5,52% và sản xuất xi măng tiêu thụ 5,52 tỷ KWh, chiếm 6,5% sản lượng điện cả nước. Để giảm thiểu tổn thất điện năng, các nhà máy và dây chuyền sản xuất tại Việt Nam đều sử dụng thiết bị biến tần được nhập khẩu từ nhiều hãng trên thế giới như Mitsubishi, Fuji, Omron, Siemens… nhưng theo thời gian, các thiết bị, động cơ bị cũ, lạc hậu, công tác bảo hành, bảo trì chưa được quan tâm cũng như tác động của môi trường cũng ảnh hưởng đến khả năng, hiệu quả hoạt động của các bộ biến tần này. Khác với bộ biến tần, IMOP được dùng để đo lường chính xác hệ số cos f khi động cơ đang chạy tải, giúp tiết kiệm năng lượng trong trường hợp động cơ chạy đầy tải, thời gian vận hành dài, chịu được áp lực môi trường.
Theo ông Phạm Trung Sơn - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Bộ Công Thương đã có hỗ trợ 30% cho các DN có dự án đầu tư lắp bộ biến tần (hiện mới chỉ có 2 DN có dự án đã được phê duyệt hỗ trợ). Đối với các DN tự mua thiết bị về lắp thì Bộ chưa có hỗ trợ cho từng sản phẩm. Vì vậy, việc sản phẩm mới IMOP được giới thiệu tại thị trường Việt Nam sẽ tạo cho các DN trong ngành sản xuất công nghiệp (than, xi măng, thép…) tại Việt Nam áp dụng vào sản xuất, góp phần tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.
Linh Anh
Theo baoxaydung.com.vn