Thứ năm 03/10/2024 18:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Hai công nghệ từ Nhật Bản:

Tiết kiệm chi phí lớn cho nhà thầu xây dựng

11:37 | 23/09/2010

Chi phí giàn giáo giàn chống trung bình chiếm 2 -4% tổng chi phí thi công xây dựng công trình cao tầng và công trình cầu tại Việt Nam. Công nghệ cho thuê giàn giáo thay vì mua và tự vận hành sẽ giúp giảm chi phí được từ 20 -30%, rút ngắn thời gian thi công bằng 1/10 so với trước đây. Công nghệ cho thuê giàn giáo và công nghệ cọc bê tông cốt thép (BTCT) dự ứng lực từ Nhật Bản là liều thuốc giúp nhà thầu xây dựng giải mã bài toán chi phí hiện nay.


Giàn giáo Nikken.

Công nghệ cho thuê giàn giáo 

Lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, Cty Nikken International Asia là nhà cung cấp dịch vụ cho thuê giàn giáo giàn chống lớn nhất tại Nhật Bản với tiêu chí an toàn, tiện dụng và vững chắc. Trước đây, 100% các nhà thầu xây dựng Việt Nam sở hữu giàn giáo, tái sử dụng với niềm tin chắc chắn sẽ chủ động và tiết kiệm chi phí. Bỏ ra một số vốn đầu tư ban đầu lên đến hàng tỷ đồng trong khi hiệu suất sử dụng rất thấp chỉ đạt trung bình 50%. Họ mệt mỏi với khối lượng sản phẩm cồng kềnh, nặng nề chất như núi trong kho bãi, dùng máy cẩu, xe tải, người lao động và tốn kém thời gian vận chuyển đến, vận chuyển đi khỏi công trường, trong khi đó vẫn mất thêm một khoản để lo quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa. Nikken cung cấp cho các nhà thầu  hệ thống giàn giáo trọn gói với thời gian linh hoạt, số lượng vừa đủ, kèm theo bản vẽ kỹ thuật (bản kế hoạch phân phối vị trí giàn chống, bảng tính chịu lực) và có chuyên gia hướng dẫn lắp ghép. Theo ông Kazumitsu Tahara - Giám đốc dự án Cty xây dựng Sumitomo Mitsui  - đơn vị thi công gói thầu cầu cạn Pháp Vân cho biết: “Do thời gian gấp rút vì tiến độ công trình bị chậm bởi công tác giải phóng mặt bằng, chúng tôi áp dụng công nghệ này đã giảm được 1/10 thời gian lắp ghép giàn giáo, trong khối lượng thi công phải xây dựng 9 nhịp cầu nhưng cách đây hai tháng khởi công đến nay đã bất ngờ hoàn thành 6 nhịp cầu”. Theo ông Sakaguchi - Giám đốc Nikken International cho biết: “Cầu cạn Pháp Vân là cơ hội để Nikken chứng minh năng lực, giới thiệu dịch vụ cho thuê giàn giáo đến tất cả nhà thầu xây dựng Việt Nam một cách thuyết phục nhất”.

Công nghệ cọc bê tông cốt thép dự ứng lực - nền móng vững chắc cho công trình cao tầng và chống sạt lở

Cách đây 50 năm, Tập đoàn PS đã phát minh công nghệ cọc BTCT dự ứng lực kiểu dáng hình học tiết diện dạng sóng. 8 năm trước đây, các chuyên gia Nhật Bản đưa vào ứng dụng công nghệ này làm kênh dẫn nước vào Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ. Nhận thấy tiềm năng trong việc áp dụng để xây các công trình hạ tầng, Cty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai sử dụng kết hợp với bê tông tiền chế trong thi công xây dựng các công trình ngầm, kè bảo vệ bờ, chống sạt lở bến sông, kè biển…


Cọc bê tông cốt thép dự ứng lực.

Trong các bản vẽ thiết kế công trình cao tầng thường có tầng hầm để xe và hệ thống kỹ thuật của tòa nhà do yêu cầu của chủ đầu tư thường bị khống chế về chiều cao và diện tích có hạn. Vấn đề phức tạp đặt ra là việc thi công hố đào sâu trong khu đất chật hẹp liên quan đến kỹ thuật và môi trường, làm thay đổi trạng thái ứng suất, biến dạng, thay đổi mạch nước ngầm gây sụt nứt nền đất xung quanh nếu không có giải pháp thích hợp. Tại công trình Trung tâm thương mại chợ Mơ do TCty Vinaconex làm chủ đầu tư, Cty Vinaconex Xuân Mai thi công kết hợp giữa bê tông đổ tại chỗ và bán lắp ghép theo công nghệ mới cọc BTCT dự ứng lực để xây dựng 3 tầng hầm. Yêu cầu đặt ra là tường BTCT có độ dày 550mm, chiều sâu trung bình đạt cùng lúc mục tiêu chịu lực, chống ồn, không tạo rung động trong quá trình ép cọc. Vinaconex Xuân Mai chọn giải pháp sử dụng cọc cừ tiền chế đưa đến công trình không phải đào đất, không phải trộn bê tông tại chỗ, sau đó dùng máy ép thủy lực 600 - 800 tấn ép 349 cọc khoan nhồi, 784 cọc cừ xuống độ sâu 20m. Vừa không tạo tiếng ồn ảnh hưởng khu vực dân cư lân cận, bố trí làm việc chế độ 3 ca, công trình vừa hoàn thành nhanh so với tiến độ và tiết kiệm chi phí 10 - 15%.

Cọc BTCT dự ứng lực còn ứng dụng rộng rãi và an toàn so với công nghệ cũ trong việc xử lý nền móng yếu: cầu, cống, thủy lợi, thủy điện, đê, kè chống sạt lở… Công nghệ truyền thống của Việt Nam dùng loại kết cấu khác nhau tạo ra hiệu quả tuổi thọ và giá thành nhiều hạn chế: Gỗ chịu nước kém và hay mục, thép và BTCT bị nước mặn ăn mòn dễ nứt vỡ, đá hộc trọng lượng nặng và khó gia cố sửa chữa. Trong khi đó, cọc BTCT dự ứng lực có tính năng vượt trội: Chịu tải lớn, ít ảnh hưởng đến công trình lân cận, phương pháp thi công đơn giản, tiết kiệm chi phí văng chống khi đào đất. Xử lý chống thấm bằng lõi bê tông nhồi vào giữa 2 cừ kết hợp bê tông đổ bù phía trong đạt độ thẩm mỹ và chống thấm tốt. Hiện công nghệ này được áp dụng trong xây dựng nhà ở xã hội, với giá thành chỉ 8 triệu/m2/ tại chung cư 61 Ngô Thì Nhậm, chung cư Kiến Hưng...

Ninh Toàn

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load