Năm 2013, vẫn còn khả năng cho việc giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát đặt ra cũng không lớn, tỷ giá VND sẽ vẫn được giữ ổn định, tình hình kinh tế vĩ mô khả quan hơn, tạo cơ sở để tiếp tục tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất.
Ảnh minh họa.
Năm 2013, kinh tế vĩ mô có thể khả quan hơn
Nhận định về tình hình kinh tế trong nước sau quý I/2013, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) cho rằng: Năm 2013, vẫn còn dư địa cho việc giảm lãi suất huy động xuống 7% và 10% với lãi suất cho vay.
Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm ở mức thấp, lại chưa có sự điều chỉnh về chính sách giá và theo thống kê 10 năm trở lại đây, bình quân lạm phát quý I bằng khoảng 40% cả năm, nên nhiều khả năng lạm phát cả năm sẽ ở mức dưới 7%.
Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP quý I/2013 đã cao hơn cùng kỳ năm trước, trong đó có sự đóng góp của những ngành liên quan đến lĩnh vực bất động sản nhờ những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực bất động sản theo tinh thần của Nghị quyết 02 đã bắt đầu có tác dụng.
Nhìn tổng thể, tăng trưởng GDP của quý I/2013 đã tạo nền tảng ban đầu thuận lợi cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm cao hơn 2012. Với giả định của UBGSTC, nếu xu hướng tăng trưởng không biến động lớn trong 3 quý cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả năm 2013 sẽ đạt mức 5,3%.
Đủ cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2013
Vẫn theo quan điểm của cơ quan này: Xét về ngắn hạn thì chính sách ổn định tỷ giá là cần thiết vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, khi lạm phát đã trong khả năng kiểm soát, “tỷ giá nên điều chỉnh với một mức độ cho phép” để không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của xuất khẩu về lâu dài và hạn chế đầu tư ngắn hạn từ nước ngoài.
Nhận định này có một số quan điểm giống với Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Một số ý kiến lo ngại với việc lãi suất VND liên tục được cắt giảm, còn lãi suất USD luôn duy trì ở mức 2%/năm, mức chênh lệch lãi suất giữa VND/USD trước đây là 5 lần, giờ đã xuống chỉ còn chênh lệch 3,5 lần, có thể dẫn đến hiện tượng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định: NHNN có đủ căn cứ và cơ sở để cam kết và khẳng định giữ vững tỷ giá trong năm 2013. Theo ông Bình, dù hạ lãi suất VND, nhưng tỷ giá trong năm 2013 vẫn sẽ được giữ ổn định. NHNN đủ khả năng can thiệp thị trường ngoại hối nếu như có biến động về tỷ giá. Theo tính toán của NHNN, lượng tiền mặt trong dân cư chỉ khoảng 45.000 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 2 tỷ USD. Nếu NHNN tung 2 tỷ ngoại tệ ra bán thì thị trường sẽ không còn sức để mua USD, trong khi đó dự trữ ngoại tệ đã tăng lên rất mạnh trong năm 2012.
Cũng về vấn đề này, đại diện Vietcombank cho rằng: Căn cứ vào các yếu tố như cán cân thương mại của Việt Nam đang dương, xuất siêu, kiều hối, nguồn vốn FDI và sự dịch chuyển tiền của dân cư từ USD sang VND… có đủ cơ sở để giữ tỷ giá ổn định trong năm 2013.
Cơ hội tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Từ kết quả phân tích các chỉ số kinh tế, UBGSTC kiến nghị: Từ nay đến cuối năm, cần tiếp tục tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất. Theo đó, cần điều chỉnh giảm lãi suất để giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, sớm đưa công ty mua bán nợ đi vào hoạt động, chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất cho khu vực xây dựng, bất động sản. Cân nhắc khả năng giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%…
Chia sẻ quan điểm này, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Chính phủ nhấn mạnh là NHNN không chỉ hạ lãi suất huy động mà điều quan trọng cuối cùng phải là hạ lãi suất cho vay. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đồng thời cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa không chỉ trong năm nay mà cả các năm sau, có như vậy mới đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, làm cho tái cơ cấu được triển khai tại từng doanh nghiệp, từng địa bàn và thông qua từng chính sách cụ thể.
Theo Chinhphu.vn
Theo baoxaydung.com.vn