Thứ ba 23/04/2024 23:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch

15:21 | 29/12/2020

(Xây dựng) - Trong những năm qua, công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị ngày càng được hoàn thiện song về tổng thể, công tác xây dựng quy hoạch còn hạn chế, chất lượng một số quy hoạch đô thị còn thấp. Để quy hoạch thực sự trở thành động lực cho phát triển bền vững, thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thông qua hoàn thiện thể chế, tạo bước chuyển biến mạnh về chất lượng phát triển đô thị, đáp ứng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại…

tiep tuc nang cao chat luong cong tac quy hoach
Công tác quy hoạch, kiến trúc trong những năm qua có nhiều đổi mới, hiệu quả…

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2016 - 2020); Định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 5 năm (2021 - 2025) và năm 2021 tuần qua tại Hà Nội, công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trong cả nước đã có nhiều đổi mới, mục tiêu, định hướng quy hoạch đã bám sát, cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành liên quan của quốc gia, vùng, tỉnh và địa phương, chú ý nhiều hơn đến yếu tố thị trường.

Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch được áp dụng thống nhất trên cả nước và có nhiều chuyển biến tích cực.

Quy hoạch xây dựng vùng, các khu chức năng, quy hoạch đô thị và hạ tầng kỹ thuật được đẩy mạnh. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong cả nước rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đô thị và đẩy nhanh tốc độ phủ kín quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, đặc biệt là tại các đô thị trung tâm, đô thị tạo động lực tăng trưởng, các khu vực phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội (các khu du lịch, khu kinh tế cửa khẩu...).

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành về cơ bản. Quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn đều đạt 100%; Quy hoạch phân khu đạt 78% và quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Thông tin về quy hoạch từng bước được công khai. Cung cấp thông tin quy hoạch đã được triển khai rộng rãi.

Về công tác quản lý kiến trúc, lần đầu tiên, các quy định về quản lý không gian, cảnh quan đô thị, quản lý kiến trúc, hoạt động và hành nghề kiến trúc, kiến trúc công trình... được luật hóa trong Luật Kiến trúc.

Công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị đã từng bước được thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch, có chuyển biến rõ nét, đã tăng cường sự kiểm soát thống nhất từ Trung ương đến địa phương; khắc phục từng bước những tồn tại về phát triển thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu kiểm soát dẫn đến phát triển thiếu đồng bộ giữa mở rộng không gian, dân số và chất lượng cuộc sống của dân cư đô thị, lãng phí tài nguyên đất đai và nguồn lực của xã hội.

Nâng cấp, nâng loại đô thị có nhiều đổi mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và tính đồng bộ của các đô thị…

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, việc đổi mới công tác lý luận, phương pháp xây dựng, quy hoạch, kế hoạch hóa đầu tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện còn nhiều nội dung bất cập; hệ thống pháp luật về phát triển đô thị, về quy hoạch quản lý đô thị còn những điểm chưa đồng bộ, mâu thuẫn.

Mặt khác, trình độ, tư duy, năng lực của một số cơ quan quản lý, một số cán bộ trong công tác thẩm định và cơ quan tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống thông tin, dữ liệu, số liệu cần thiết để phục vụ công tác lập quy hoạch còn thiếu; vấn đề tổng hợp, xử lý số liệu chưa đáp ứng yêu cầu; sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong lập và thẩm định quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa thống nhất, nội dung góp ý còn chung chung, chưa thực sự đóng góp cho chất lượng đồ án quy hoạch.

Trong khi đó, việc lấy ý kiến người dân, chuyên gia, các nhà khoa học về lập, điều chỉnh nội dung quy hoạch đô thị chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trường hợp còn hình thức…

Để quy hoạch thực sự trở thành động lực cho phát triển bền vững, kế hoạch thời gian tới, Bộ Xây dựng đề ra mục tiêu gắn kết tiến trình đô thị hóa với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, đổi mới tư duy và phương pháp luận về công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; hoàn thiện cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch.

Tiếp đó, từng bước hình thành hệ thống đô thị, phân bổ hợp lý trên cả nước, nhất là ở miền núi và duyên hải. Tạo bước chuyển biến mạnh về chất lượng phát triển đô thị trên cơ sở đáp ứng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh để khu vực đô thị thực sự là động lực chủ yếu, đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội, trung tâm đổi mới sáng tạo của từng vùng và của cả nước…

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load