(Xây dựng) – Ngày 24/10, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang về giải quyết khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư công và xuất nhập khẩu tại các tỉnh. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị. |
Nhiều khó khăn phát sinh mới
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, dù đạt nhiều kết quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh, tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc phát sinh mới trên địa bàn.
Cụ thể, tỉnh gặp khó khăn trong các quy định pháp luật về đầu tư; Quản lý quy hoạch đối với khu vực ngoài khu vực đô thị và khu chức năng; Điều kiện cấp phép xây dựng; Thủ tục đầu tư dự án, xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH); Công tác lập quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn đối với dự án đầu tư xây dựng trong khu công nghiệp…
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị các Bộ, ngành sớm có văn bản hướng dẫn tỉnh thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư đối với hai dự án là dự án Khu đô thị du lịch Long Tân và dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Nhơn Trạch; Hướng dẫn về điều kiện cấp phép xây dựng; Xem xét tình hình thực tế tại Đồng Nai để tái khởi động các đội trật tự xây dựng; Hướng dẫn về đối tượng được miễn giấy phép xây dựng; Hướng dẫn cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Về quy hoạch, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn không thực hiện lập quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn đối với các dự án trong khu công nghiệp với quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 10ha do phát sinh nhiều thời gian; Chỉ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các dự án trong khu công nghiệp có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên đối với các dự án đầu tư vào khu công nghiệp có phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh Luật Đất đai, bổ sung các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp vào tài sản gắn liền với đất.
Về phía tỉnh Bình Dương, đại diện UBND tỉnh cho biết, tỉnh gặp vướng mắc chủ yếu trong công tác thực hiện các dự án đầu tư xây dựng; Thủ tục pháp lý về đất đai và thủ tục đầu tư xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Công tác tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư; Các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch; bất cập về nhà ở xã hội (NƠXH)…
UBND tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có hướng dẫn xác định nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư; thống nhất việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài; có văn bản hướng dẫn xác định tiền sử dụng đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả có nguồn gốc ngân sách Nhà nước.
Liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng, các quy định về quảng cáo dự án cần phải được rõ ràng, cụ thể; Hướng dẫn thực hiện quy trình thẩm định chủ trương đầu tư/báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Hướng dẫn về định mức chi phí phí để làm cơ sở lập, thẩm định phê duyệt, lựa chọn chủ đầu tư cụm công nghiệp, thẩm quyền thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư; Có giải pháp thu hút đầu tư xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục…
Chia sẻ tại Hội nghị về những vướng mắc hiện nay, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh đã tổng hợp đề xuất trong kỳ họp trước đó gửi các cấp có thẩm quyền xử lý.
Về những vấn đề mới phát sinh tại địa phương, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét bổ sung đối tượng áp dụng phát triển điện mặt trời mái nhà tại nhà xưởng của doanh nghiệp.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành quy định về môi trường khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà; Ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; Có quy chuẩn hoặc hướng dẫn kỹ thuật, các yêu cầu cơ bản trong việc mời gọi đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Có quy định khoảng cách an toàn môi trường; Hướng dẫn rõ việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở…
Đối với Bộ Công Thương, tỉnh kiến nghị Bộ xem xét, có ý kiến hướng dẫn về việc tỉnh sử dụng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn thị trấn, đô thị; thống nhất việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài; sớm có văn bản hướng dẫn việc xác định tiền sử dụng đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả có nguồn gốc ngân sách Nhà nước.
Các Cục, Vụ, Viện của Bộ Xây dựng tham gia giải đáp vướng mắc, kiến nghị của từng địa phương tại Hội nghị. |
Cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng đã giải đáp vướng mắc, kiến nghị của từng địa phương, nhất là về đầu tư công, cấp phép xây dựng dự án, dự án điện mặt trời, phân cấp quản lý cho địa phương về tổ chức lập quy hoạch, đất ở xây dựng nhà ở thương mại, thủ tục mua bán NƠXH, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư thực hiện NƠXH…
Đại diện các đơn vị cho biết sẽ luôn sẵn sàng cùng đồng hành với địa phương giải quyết từng nội dung mà địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 3 điểm cầu Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang. |
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thông qua các báo cáo, có thể thấy tình hình sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, phát triển kinh tế xã hội, đầu tư tại các địa phương đã có chuyển biến tích cực.
Các địa phương đã chủ động làm rõ khó khăn, vấn đề nổi lên trên địa bàn, từ đó đề xuất, kiến nghị để các Bộ, ngành giải quyết theo thẩm quyền.
Về lĩnh vực đất đai, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ nội dung còn vướng mắc để có hướng dẫn cụ thể, từ đó các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; Làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương về các dự án điện mặt trời, phân bổ vốn đầu tư cho các dự án, công trình và chủ trương đầu tư dự án trên địa bàn các tỉnh.
Về lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Hiện Bộ Xây dựng là đơn vị chủ trì soạn thảo và xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Trong dự thảo Luật lần này, các nội dung về phân cấp cho địa phương sẽ được cụ thể hóa với mục tiêu tạo điều kiện tối đa cho các địa phương về quy hoạch.
Đối với nhà ở, đặc biệt là NƠXH, Bộ đã nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi quy định dành cho loại hình này trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Các nội dung về điều kiện mua, thủ tục mua, bán, cho thuê; chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư NƠXH… sẽ rõ ràng, đảm bảo thực hiện thành công Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét, thông qua trong Kỳ họp thứ 6.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Bộ trưởng cũng cho biết, đối với công tác phòng cháy chữa cháy, thông qua rà soát, lấy ý kiến nhiều lần, có sự thống nhất với Bộ Công an, Bộ Xây dựng đã xem xét, sửa đổi QCVN 06:2022/BXD quy chuẩn về An toàn cháy cho nhà và công trình. Nội dung sửa đổi sẽ có các quy định cụ thể, điều kiện thông thoáng cho các đối tượng liên quan để đảm bảo khả thi khi áp dụng.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên để làm rõ quy định về hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại, giúp các địa phương có cơ sở để giải quyết khó khăn trên địa bàn…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị đại diện các Bộ, ngành sẽ tiếp tục lắng nghe, ghi nhận thêm ý kiến của từng địa phương trên nguyên tắc giải đáp, tháo gỡ, phản hồi chính thức bằng văn bản theo thẩm quyền. Các vấn đề về sửa đổi, điều chỉnh văn bản pháp luật, Bộ cũng sẽ có báo cáo với Chính phủ để trình Quốc hội xem xét.
Yến Mai – Nhật Minh
Theo