Thứ bảy 20/04/2024 10:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tiếng rao mùa dịch

09:38 | 02/03/2022

(Xây dựng) - “Ai chanh, sả, gừng tỏi, lá xông đi…” - Đó là tiếng rao tôi nghe thường xuyên và rõ nhất trong suốt đầu tiết thanh minh này…

tieng rao mua dich

Nếu không có dịch bệnh thì tháng ba là những ngày thời tiết cuối xuân đẹp nhất. Những gánh hàng hoa bưởi thơm lừng lựng được người nông dân mang đi khắp ngõ phố Hà Nội. Tiếng chị Lan hàng hoa quen thuộc sẽ rao từ đầu ngõ vang vọng vào nhà tôi “Ai mua hoa bưởi thơm lừng thơm lựng không…”. Tiếng “không” cuối của chị kéo dài ra thành một âm sắc ngọt lịm khiến ai nghe cũng chợt thoáng chút mỉm cười.

Lâu rồi chị không còn bán hoa nữa, chị chuyển hẳn sang nghề bán chanh sả gừng tỏi và lá xông. Ngày nào chị cũng rao từ đầu ngõ “Ai chanh sả, gừng tỏi lá xông đi…” cả ngõ ai cũng sẽ mua bó lá xông, vài lạng gừng, sả, tỏi, chanh, vì đó là những thực phẩm cấp thiết trong lúc này.

Chị Lan kể: Vợ chồng chị quê ở Nam Định, lên Hà Nội thuê đất ở ven sông Hồng để trồng hoa bán theo thời vụ, mùa nào hoa ấy nở rực rỡ, thu nhập cũng đủ để nuôi 2 đứa con và ông bà nội ở quê. Nếu không có dịch bệnh thì mùa này đang tiết thanh minh, mọi người sẽ đi chùa, đi thăm mộ ông bà tổ tiên nhiều mà hoa của chị vì thế cũng đắt hàng. Nhưng nay dịch bệnh đang căng thẳng, F0, F1 nhiều nên người người nhà nhà ở nhà cách ly chữa bệnh, ai còn hơi sức đâu mua hoa của chị. Vợ chồng chị bàn nhau chuyển sang trồng chanh, sả, gừng, tỏi từ gần 2 năm nay. Nhờ thức thời và chịu thương chịu khó mà vợ chồng chị có tiền sửa lại ngôi nhà khang trang ở quê cho các con.

Anh Nguyễn Văn Lùng quê ở tận Điện Biên xuống Hà Nội làm thợ phụ hồ, hết việc trong lúc chưa tìm được việc mới, anh lân la ra bãi sông Hồng chơi thì gặp anh Hùng thuê đất để trồng các loại lá xông bán cho người dân. Vậy là anh nảy ra ý định mua lá xông lại của anh Hùng và mang vào các ngõ phố Hà Nội bán cho người dân đang chống chọi với dịch bệnh. Không ngờ lá xông của anh bán rất chạy khiến thu nhập của anh tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần lương thợ phụ hồ. Tết vừa rồi, anh chỉ về quê ăn Tết với vợ con đúng 3 ngày, sau đó anh lại xuống Hà Nội rong ruổi xe máy đi bán lá xông.

Dù có thu nhập cao hơn những ngày không dịch bệnh, nhưng chị Lan và anh Lùng đều có chung một mong muốn được trở về với đúng nghề của mình. Anh lùng không còn muốn nhìn thấy cảnh biết bao con người đang phải ngày đêm vật lộn với dịch bệnh, bao người phải chịu cảnh sinh ly tử biệt, bao người phải chịu cảnh nghèo khó, thất nghiệp, mệt mỏi vì ngày đêm lo lắng chống chọi với dịch bệnh. Anh ao ước cuộc sống được trở về như trước đây, phố phường lại nhộn nhịp, đồng quê lại bình yên và anh Lùng lại là anh thợ hồ vui vẻ.

Chị Lan cũng mong vợ chồng chị lại được trồng hoa, mùa hè thì trồng hoa sen, mùa thu thì trồng hoa cúc họa mi, mùa đông thì trồng hoa hồng, mùa xuân thì trồng hoa đào, hoa thược dược, hoa lay ơn… dù thu nhập của chị có giảm đi chị cũng bằng lòng.

Còn tôi vẫn ao ước có một sáng mai bừng thức dậy trong ánh nắng bình minh đang rọi vào chiếu lung linh nơi gác hai nhà mình, tôi ngó xuống, thấy bóng chị Lan gánh những bông hoa đung đưa đi trong ngõ vừa đi vừa rao ngọt lịm “Ai hoa bưởi thơm lừng thơm lựng không…”.

Chao ôi, một giấc mơ bình thường mà biết bao giờ mới được bình thường!

Hạ Ly

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load