Thứ bảy 20/04/2024 17:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tiếng rao

09:00 | 11/02/2018

1. Thành phố mở rộng. Người đông nghìn nghịt. Xe cộ nườm nượp suốt ngày đêm. Trên đường phố không lúc nào vắng tiếng gầm gào của động cơ xe ô tô và tiếng còi xe máy rú rít. Trong muôn ngàn thứ âm thanh hỗn độn ấy, thi thoảng ta vẫn nghe đâu đây một tiếng rao khắc khoải, gọi mời của người bán hàng rong nào đó. Tiếng rao như chìm đi trong ồn ào đô thị, như phận người lầm lụi và nhẫn nại với đôi quang gánh trên vai trĩu nặng nỗi lo cơm áo giữa chốn phồn hoa.

tieng rao

Ngày trước, ấy là nói từ những thập niên 80 trở về trước của thế kỷ XX. Hà Nội còn chưa đông đúc, chưa mở rộng như bây giờ. Nhà cửa cũ kỹ nhưng ngăn nắp, trật tự. Không có chuyện lấn chiếm đất công, vỉa hè để cơi nới, xây dựng không phép. Đường phố như rộng ra vì ít ôtô, xe máy. Giao thông chủ yếu bằng xe đạp, xe bus và xe điện, mà ga chính là nơi xây tòa nhà “Hàm cá mập” đối diện Bờ Hồ, trước Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Thời ấy, đất nước vừa mới trải qua cuộc chiến tranh, còn nghèo lắm. Cuộc sống của người Hà Nội tất tật trông vào mấy ô tem phiếu và sự phân phối của Nhà nước. Từ lít dầu hỏa, cân gạo, lạng thịt, mét vải kaki Nam Định, hay của dệt 8/3 cho đến cái săm, cái lốp xe đạp Sao Vàng… Nghèo nên chẳng mấy ai có thứ vứt đi. Quần áo rách thì vá lại mặc tạm. Áo mẹ cũ thì sửa lại cho con gái mặc đi học. Hộp sữa bò dùng hết còn gò mép xung quanh cho nhẵn nhụi để làm bơ đong gạo. Có lẽ vì thế mà trên đường phố cũng ít có rác, cũng chẳng có nhiều công nhân mặc áo xanh có vạch vàng to tướng trên lưng, suốt ngày đi quét dọn ngoài đường như bây giờ. Và tất nhiên, khi ấy cũng thưa thớt bóng dáng tất tưởi của người đi thu mua sắt vụn, “chai chè đồng nát”. Nhưng trên các con phố, con ngõ của Hà Nội thì chẳng khi nào vắng tiếng rao của những người bán dạo.

Không biết ở đâu trên thế giới này có những tiếng rao như ở thành phố thân yêu của tôi?. Tiếng rao chẳng giống nhau. Thăng trầm như đời người. Tiếng khàn khàn khê đục: “Quất…ơ!” mỗi khi đêm xuống của ông lão mù làm nghề tẩm quất, lúc nào một bên nách cũng cắp chiếc chiếu cũ mèm nhưng tươm tất, tay kia cầm chiếc gậy khua “cốc…cốc!” trên hè phố! Hay tiếng rao lanh lảnh, trong vắt của cô bé bán xôi vò, chè đường giữa trưa hè nơi phố cổ. Rồi tiếng kéo lách cách… lách cách ròn tan, đều đều, của ông Tầu áo đen bán nộm thịt bò khô nổi tiếng trên con phố ngắn nhất Thủ đô, phố hồ Hoàn Kiếm. Trong tối mùa thu heo hút gió và xác xao lá rụng, tiếng kéo lách cách kia cứ gợi cho ta cái vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay nơi đầu lưỡi, để rồi đã một lần ăn là mãi không quên được. Rồi nữa, giữa đêm về khuya se lạnh. Ngoài đường vắng lặng. Dáng người con gái đội thúng bánh khúc rảo bước dưới ánh sáng vàng ệch của ngọn đèn đường cùng tiếng rao: “Ai khúc nóng ơ… khúc ơ…!” da diết, gọi mời nghe đến nao lòng.

Có nhiều tiếng rao lắm. Vậy mà nghe ra, chẳng có tiếng rao nào giống nhau. Tiếng rao không chỉ là giai điệu ngân nga, ngọt ngào hay xót xa cho thân phận, mà dường như qua đó, ta có thể cảm nhận được cả hương thơm, mùi vị, màu sắc… của thứ hàng quà mà người bán dạo mang đến. Có phải vì thế không, mà cách đây hơn 80 năm, nhà nghiên cứu xã hội học người Pháp F.Fénis, khi đến Hà Nội đã bất ngờ và xúc động đến ngỡ ngàng trước giai điệu-tiếng rao, mà những người bán hàng rong nghèo khổ cất lên bền bỉ trên các con phố nhỏ hẹp, gập gềnh của Hà thành thời đó. Để rồi, từ những năm 1929, ông đã viết cuốn sách có tựa đề “Hàng rong và tiếng rao trên đường phố Hà Nội” (Les marchands ambulants et les cris de la rue à Hanoi) hiện đang được lưu giữ tại Viện Viễn đông Bác cổ Paris - Pháp. Trong cuốn sách mỏng khoảng 40 trang này, F.Fénis đã mô tả khá đầy đủ các loại hàng rong và tiếng rao ở Hà Nội thời bấy giờ thông qua hình vẽ cùng các khuông nhạc minh họa. Đặc biệt là hình minh họa trong cuốn sách là do các sinh viên của Trường Mỹ thuật Đông Dương vẽ, trong đó có Tô Ngọc Vân, người sau này trở thành danh họa hàng đầu của nền Mỹ thuật Việt Nam đương đại.

tieng rao

2. Năm tháng trôi đi. Hà Nội ngày nào giờ đã trở thành một siêu đô thị, là thành phố lớn vào loại bậc nhất thế giới. Cuộc sống của người Hà Nội giờ cũng đổi thay nhiều. Giàu hơn. Ăn mặc đẹp hơn. Nhiều ôtô, xe máy đến độ để cứ mỗi khi ra đường là lại thấy ùn, thấy tắc. Nhà cửa khang trang hơn, to hơn và cao hơn. Hàng quán mọc lên san sát với đủ loại biển quảng cáo to nhỏ, treo ngang treo dọc màu sắc rực rỡ. Người bán hàng rong cũng ngày một đông, trở thành một phần của cộng đồng cư dân đô thị, cho dù hầu hết những người bán hàng rong chẳng có hộ khẩu, chỗ ở cố định và họ cũng chẳng được ai quản lý về mặt hành chính.

Người bán hàng rong giờ cũng dăm bảy loại và tiếng rao cũng khác xưa. Nhiều người đã khôn ngoan thu sẵn tiếng rao vào cái máy cát sét cũ kỹ, rồi cứ thế mà đẩy xe đi bán hàng, với cái ămply phát ra tiếng rao vừa rè vừa to, làm chói tai người đi đường. Đô thị hóa như vết dầu loang, lan nhanh đến các vùng quê của đất nước. Các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu resot, nghỉ dưỡng và cả sân golf… mọc lên ngày càng nhiều trên những mảnh đất mà hôm qua là cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu thẳng cánh cò bay. Mất đất, nhiều người bỏ làng quê ra phố kiếm ăn. Và, bán hàng rong, thu mua đồ đồng nát… là nghề được ưa chuộng nhất. Bởi đó là cái nghề tự do, chẳng phụ thuộc ai, tiền đầu tư cho gánh hàng rong lại ít, nhưng lãi nhiều, một vốn ba bốn lời, hợp với đàn bà, con gái?! Dẫu rằng có phải vất vả mưa nắng, đêm ngày phơi mình trên đường phố, len lỏi trong các con ngõ nhỏ, hẹp sâu hun hút, chằng chịt như mạng nhện… rồi còn bị công an, dân phòng xua đuổi ở chỗ này, chỗ kia vì lấn chiếm vỉa hè, làm mất trật tự và mỹ quan đô thị?!

tieng rao

Đã hơn tám thập kỷ qua, kể từ khi F.Fénis xuất bản cuốn sách độc đáo về hàng rong và tiếng rao trên đường phố Hà Nội. Những gì xưa cũ của Hà thành giờ đã là dĩ vãng, nhường chỗ cho cái mới và sự phát triển. Vậy nhưng, người bán hàng rong và tiếng rao kia dường như vẫn không mấy thay đổi. Ngày ngày họ vẫn hiển hiện trên đường phố với cái dáng lam lũ, vất vả, cam chịu và tiếng rao cũ mèm lúc ngọt ngào, lúc xót xa… mà 80 năm trước, nhà nghiên cứu xã hội học người Pháp F.Fénis đã từng xúc động.

tieng rao

3. Nghiên cứu về đô thị, ta hay nói đến bản sắc kiến trúc và văn hóa. Nhưng tiếng rao của những người bán dạo, một lát cắt nhỏ nhoi của ký ức đô thị lại bị lãng quên, ít được nhắc đến. Trước những biến động dữ dội của thời đại công nghiệp và kỹ thuật số, đời sống đô thị không thể không thay đổi. Đó là quy luật của sự phát triển và hội nhập. Hà Nội cũng thế, trung tâm thương mại, siêu thị rồi sẽ thay thế cho chợ cóc, chợ tạm và cả chợ truyền thống. Các thế hệ 20X hay 30X… sống trong các căn hộ chung cư cao tầng đầy đủ tiện nghi hiện đại, lái xe ôtô đời mới, liệu có còn nghe thấy tiếng rao và hình bóng vất vả của những người bán dạo nữa không? Tôi cũng không rõ nữa. Chỉ biết rằng, ngày hôm nay, mỗi khi bắt gặp trên đường phố, những cô gái đạp xe chở hoa cúc vàng đi bán dạo trong sáng sớm mùa thu se lạnh và hanh hao nắng, hay những ngày giáp Tết sương mờ mưa bụi bay lại thấy lòng mình xốn xang!

Và khi ấy, tôi hiểu rằng, dù thành phố này, lối sống này có đổi thay thế nào đi nữa, thì những tiếng rao khắc khoải, da diết kia sẽ vẫn mãi là một nét rất riêng của cuộc sống đô thị.

Nó hằn sâu trong ký ức và ám ảnh theo ta suốt cuộc đời.

KTS Phạm Thanh Tùng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load