(Xây dựng) - Quảng Trị - nơi an nghỉ của hơn 61.000 phần mộ liệt sĩ với 72 nghĩa trang liệt sĩ, là nơi nằm lại của những người con trung dũng khắp mọi miền đất nước đã hy sinh vì sự nghiệp độc lập dân tộc.
Tháng 7, Quảng Trị khô khóc giữa cái nắng như thiêu như đốt của gió Lào rát bỏng. Mảnh đất nhỏ bé nhưng gánh chịu bao nỗi đau mất mát trong chiến tranh. Quảng Trị như một nút thắt giữa hình chữ S, phải oằn mình hứng chịu số bom đạn còn nhiều hơn số người đang sống, sự khốc liệt của chiến tranh để lại trên mảnh đất này mà dẫu cố gắng miệt mài gỡ bỏ số bom đã dội xuống thì đến 30 năm nữa Quảng Trị mới hết bom mìn.
Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau chứng kiện sự ra đi của hàng vạn người con ưu tú của cả nước ngã xuống. Các anh đã hy sinh cho nền độc lập, hòa bình dân tộc.
Quảng Trị có biết bao dòng sông yên ả chảy qua những làng quê nhưng trong chiến tranh những dòng sông ấy đỏ ngàu màu máu của các chiến sĩ quả cảm.
Cây cầu Hiền Lương nung nấu nỗi đau chia cắt hơn 20 năm. Chiều dài cây cầu chỉ chưa đầy 200m mà cả dân tộc Việt Nam đã phải đi suốt hơn 20 năm mới đến được bờ bên kia. Cây cầu ấy không bình thường như bao cây cầu khác. Ở đó, quặn thắt lòng chứng kiến những phút oai hùng giành nền độc lập của tổ quốc và cả những đau thương để có được nền độc lập ấy.
Mảnh đất Quảng Trị nhỏ bé đến mức nghẹn lòng khi chỉ đi mấy mươi km lại gặp một địa danh lịch sử mà người đến thăm nghe kể không sao cầm được nước mắt. Dòng sông Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị, Sông Thạch Hãn, Tà Cơn … Tháng 7 về, mảnh đất Quảng Trị rưng rưng niềm tri ân của hàng triệu triệu người khắp mọi miền lại trở về thắp nén hương lên bia mộ tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi an nghỉ của 10.263 liệt sĩ. Nghĩa trang được phân theo từng khu theo những vùng đất quê hương các anh đã ra đi và nay về nơi đây yên nghỉ. Hòa bình lập lại các anh đã về nằm lại trong lòng đất mẹ giữa đồi thông vi vu gió ngàn ru hồn các anh vào giấc ngủ ngàn thu. Mỗi người dân Quảng Trị cảm thấy tự hào hòa lẫn trọng trách lớn lao mà lịch sử đã gửi gắm chăm sóc hương khói linh hồn các liệt sĩ được bình yên, thanh thản nơi các anh đã đến hy sinh và nằm lại.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9 nơi an nghỉ của hơn một vạn liệt sĩ, những hàng bia mộ thẳng tắp từng hàng. Những người cựu chiến binh chân đã không còn vững, trên cơ thể còn mang nỗi đau chiến tranh, mắt đã mờ nhưng giữa nắng nóng Quảng Trị họ vẫn vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số lặng lẽ trở về đến bên phần mộ đồng đội thắp nén hương. Dang rộng vòng tay ôm chầm phần mộ đồng đội vào lòng, mắt nhòa lệ nhớ đồng đội nhiều nhưng các anh đã nằm yên trong lòng đất lạnh. Biết nói gì đây, chỉ biết lặng nhìn dòng chữ gắn tên đồng đội trên bia mộ.
Lòng mỗi người khi đến thăm nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9 nơi tập trung hàng trăm, hàng ngàn phần mộ các chiến sĩ chưa có tên. Không khỏi xót xa khi vẫn còn chừng ấy ngôi mộ chưa được ghi danh. Trên bia mộ chỉ có hai dòng chữ lạnh lẽo chưa biết tên; Đơn vị để trống. Đó là nỗi đau lớn là phần thiêng liêng mà những người đưa các anh về vẫn không yên lòng vì chưa thể tìm ra danh tính để nâng niu đặt vào bia mộ các anh. Để phần nào giảm mờ nỗi khắc khoải của bao nhiêu người đồng đội, thân danh các anh thanh thản khi đến đây thắp một nén hương và gọi tên các anh. Để bao nhiêu người mẹ xua đi phần nào nỗi mỏi mòn chờ danh tính của con, để các mẹ yên lòng biết các con của mẹ đang nằm lại nơi đâu. Có những người mẹ đã lặn lội hàng trăm cây số từ miền Bắc hay miền Nam xa xôi, sức khỏe các mẹ đã yếu nhiều cần đến hai người dìu nhưng mỗi dịp tháng 7 về các mẹ lại đến bên phần mộ các con ngồi trước bia mộ các anh, mẹ như thể nhìn vào hình hài các anh, nhìn thật kỹ con của mẹ. Để phần nào nguôi nỗi nhớ con ngày đêm. Những người con ấy đã đi khi tuổi còn thanh xuân và các mẹ đã mòn mỏi chờ đợi đến hôm nay mẹ lặng người ngồi trước phần mộ các anh thắp nén hương thơm đặt nhành hoa tươi mong các anh nhận lấy niềm tin yêu ấy của mẹ.
Mỗi tháng 7 những đoàn cựu chiến binh họ lặng lẽ đến bên các phần mộ, trang trọng hát trong tiếng nấc nghẹn nỗi nhớ cồn cào về đồng đội:
Tôi gọi mãi sao đồng đội không thưa,
Mà mưa cứ rơi gió cứ gào cứ thét,
Mà cứ thẳng hàng ngang hàng dọc,
Hết giặc rồi sao không dậy mà vui.
Tôi gọi mãi sao không ai trả lời,
Lạnh trắng một màu cắt da cắt thịt,
Tổ quốc sum vầy các anh đâu hết,
Cứ vô tình hay rong hay chơi?
Đồng đội ơi!
Dù năm tháng không nguôi,
Hãy để cho tôi được khóc,
Với những ngôi mộ có tên không tên hàng ngang hàng dọc,
Bài hát “Đồng đội ơi!” của nhạc sĩ Nguyễn Giang, phổ thơ Trương Vĩnh Tuấn nén lại vỡ òa trong tiếng nấc nghẹn của đồng đội, lời bài hát day dứt cất lên vang xa giữa những ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9.
Quảng Trị mảnh đất đau thương và rưng rưng mỗi dịp tháng 7 về, những đoàn người từ mọi miền đất nước lặng lẽ đến đây kính cẩn thắp nén hương tri ân, kết những vòng hoa tươi, thắp ngọn nến lung linh, thả đèn hoa đăng trên những dòng sông lịch sử cầu cho linh hồn các anh linh liệt sĩ thanh thản.
Phan Bảo Hòa
Theo