Cty CP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON là Cty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, trong đó tập trung vào chuyên ngành sâu là nền móng và công trình ngầm. Ngay từ khi thành lập năm 2004, với định hướng phát triển kinh doanh dựa trên nền tảng sâu về khoa học công nghệ (KH&CN), FECON đã chú trọng đầu tư nguồn lực trong công tác ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, luôn coi đây là một trong những chiến lược cốt lõi ưu tiên hàng đầu FECON theo đuổi nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Nhờ đó, nhiều công nghệ mới, hiện đại đã được nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng thành công, mang lại thương hiệu, uy tín cho FECON trên con đường trở thành một trong các Cty về nền móng và công trình ngầm hàng đầu Việt Nam.
Gần 9 năm hình thành và phát triển, FECON đã định vị được thương hiệu, uy tín với các chủ đầu tư, nhà thầu trong nước cũng như quốc tế trong lĩnh vực nền móng công trình. Với trên 500 công trình trong đó nhiều công trình là trọng điểm quốc gia thực hiện trải dài trên khắp đất nước, FECON đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho khách hàng, chủ đầu tư và đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý do các tổ chức uy tín bình chọn và Nhà nước trao tặng. Yếu tố quyết định đến thành công của FECON đó chính là yếu tố con người và khoa học công nghệ.
Với trách nhiệm của một doanh nghiệp trẻ, hoạt động theo phương châm "Mọi công việc đều hướng tới mục tiêu dài hạn là ích nước - lợi nhà", đặc biệt đóng góp cho sự phát triển bền vững nước nhà là một sứ mệnh quan trọng, trong những năm qua, với đội ngũ cán bộ tâm huyết với nghề gồm 16 tiến sỹ, 36 thạc sĩ và 150 kỹ sư chuyên ngành Nền móng, địa kỹ thuật, luôn tập trung nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới trong việc thiết kế thi công nền móng và công trình ngầm, FECON đã triển khai áp dụng thành công một số công nghệ mới tiên tiến, mang lại hiệu quả cao với chi phí tối ưu, được chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị thiết kế xây dựng đánh giá tích cực về cả hai mặt kinh tế - kỹ thuật. Cụ thể như:
1. Công nghệ xử lý nền bằng cố kết chân không được áp dụng tại hàng loạt các công trình quan trọng tại Việt Nam và đã cho hiệu quả xử lý vượt trội so với các công nghệ truyền thống. Đảm bảo 4 tiêu chí quan trọng là: Chất lượng được kiểm soát tuyệt đối, tiến độ rút ngắn 50% so với phương pháp bấc thấm gia tải và giá thành giảm 50% so với công nghệ cọc xi măng đất và giảm 30% so với công nghệ cọc cát và thân thiện môi trường. Công nghệ này hoàn toàn có thể áp dụng phù hợp cho hầu hết các vùng địa chất đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, và các dự án ven biển Việt Nam. Phương pháp này đã được áp dụng tại nhiều công trình lớn, trọng điểm quốc gia như Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai); Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng); Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (Thái Bình); Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 (Trà Vinh); Nhà máy PVTEX Đình Vũ (Hải Phòng); Kho Lạnh LPG Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu); Đường cao tốc HCM - Long Thành - Dầu Giây; Khu luyện thép Formosa, Vũng Áng, Hà Tĩnh và rất nhiều công trình khác… Với sự tham gia tích cực trong công tác biên soạn và xây dựng tiêu chuẩn của Viện nền móng và Công trình ngầm (đơn vị thành viên của Cty FECON), tiêu chuẩn về công nghệ này đã được Bộ GTVT ban hành ngày 7/2/2013 kèm theo Quyết định số 384/QĐ-BGTVT quy định tạm thời về kỹ thuật thi công và nghiệm thu hạng mục xử lý nền đất yếu bằng phương pháp cố kết hút chân không có màng kín khí trong xây dựng công trình giao thông.
Xử lý nền bằng công nghệ chân không tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1.
2. Công nghệ sản xuất cọc bê tông ly tâm dự ứng lực (PC/PHC) mang thương hiệu FECON Pile có độ bền và sức chịu tải cao, được định hình và dưỡng hộ theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng tiêu chuẩn TCVN 7888:2008; JIS A 5335-1987, 5373-2004 (Nhật Bản). Đây là loại cọc được đánh giá là tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào với giá thành rẻ hơn khoảng 15 - 20% so sánh với cọc bê tông cốt thép thông thường cùng sức chịu tải. FECON đã cung cấp và thi công loại cọc này cho rất nhiều dự án, trong đó tiêu biểu là các dự án: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (Thanh Hóa); Nhà máy Brother (Hải Dương); Nhà máy Honda 3 (Hà Nam); Nhà máy Pepsico (Bắc Ninh); Nhà máy PVTEX Đình Vũ (Hải Phòng); Nhà máy ABB (Bắc Ninh); Nhà máy Vinamilk Thanh Hóa; Nhà máy bia SABECO Hà Nam.
Nhà máy sản xuất cọc bê tông ly tâm dự ứng lực FECON Pile.
3. Công nghệ xuyên tĩnh CPT-u, nén ngang DMT phục vụ khảo sát thiết kế nền móng nhận thức được thí nghiệm xuyên tĩnh và nén ngang là các thí nghiệm hết sức quan trọng, cung cấp các thông số không thể thiếu cho công tác đánh giá nền đất cũng như thiết kế công trình. Tuy nhiên, cho đến nay, trang thiết bị phục vụ cho các thí nghiệm này tại Việt Nam đều đã xuống cấp hoặc không còn đáp ứng được điều kiện thí nghiệm cho các công trình lớn như hiện nay, FECON đã mạnh dạn nhập khẩu thiết bị thí nghiệm xuyên tĩnh tự hành của Hãng Geomil (Hà Lan) - nhà sản xuất máy xuyên tĩnh hàng đầu thế giới nhằm nâng cao chất lượng và độ tin cậy của kết quả thí nghiệm để giúp các nhà thiết kế, lựa chọn được giải pháp nền móng tối ưu hơn nhằm đảm bảo tính bền vững của công trình dự án và tiết kiệm tối đa cho chủ đầu tư.
Máy CPTu với tải trọng xuyên 27 tấn dễ dàng xuyên qua các lớp đất, loại cát có SPT lên đến 50.
Ngoài ra, hàng năm FECON phát động phong trào nghiên cứu cải tiến công nghệ đối với các công nghệ sản xuất, thi công và quản lý dự án đang triển khai. Mỗi năm từ 80 - 100 cải tiến được nghiệm thu đưa vào áp dụng, làm lợi cho Cty hàng chục tỷ đồng. Điển hình như các cải tiến: Xử lý nền bằng cố kết chân không không sử dụng lớp cát đệm; Nén tĩnh cọc ứng dụng sensor và loadcell; Thiết kế cọc dựa trên nguyên lý nền và cọc làm việc đồng thời (pile raft).
Từ năm 2012, FECON chú trọng vào nghiên cứu các công nghệ thi công, công tác khảo sát, thiết kế, quan trắc đối với dạng công trình ngầm qua nền đất yếu - những lĩnh vực mà FECON đã có nhiều kinh nghiệm trong việc khảo sát thiết kế từ trước đến nay, hiện nay cùng một lúc các kỹ sư của Cty đang triển khai 3 đề tài nghiên cứu phục vụ thiết kế và thi công công trình ngầm tại Hà Nội và TP. HCM. Dự kiến các đề tài sẽ được đánh giá và nghiệm thu trong năm nay, để có thể đưa vào đầu tư áp dụng trong năm 2014.
Hội nghị Quốc tế “Địa kỹ thuật vì sự phát triển bền vững” – GEOTEC HANOI 2011.
Bên cạnh đó, tiếp nối sự thành công của hội nghị quốc tế “Địa kỹ thuật vì sự phát triển bền vững” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2011 và được ấn định tổ chức hai năm một lần tại Việt Nam, năm 2013, FECON tiếp tục phối hợp với Hội cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam -VSSMGE và Viện công nghệ châu Á - AIT (Thái Lan) đứng ra đồng tổ chức hội nghị quốc tế "Địa kỹ thuật vì sự phát triển bền vững" lần 2 (gọi tắt là: GEOTEC HANOI 2013) sẽ được tổ chức vào ngày 28 - 29/11/2013 tại khách sạn Melia, Hà Nội, 44B, Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Hội nghị năm nay đã vinh dự đón nhận sáu bài giảng chuyên sâu trong lĩnh vực Địa kỹ thuật của các giáo sư hàng đầu trên thế giới: GS. Sven Hansbo (Thụy Điển); GS. Neil Taylor (Anh), GS. Rolf Katzenbach (Đức); GS. Fumio Tatsuoka (Nhật), GS. Helmut Schweiger (Áo), GS. Kenichi Soga (Anh) và được kỳ vọng là một hội nghị hàng đầu về địa kỹ thuật thế giới tổ chức tại Việt Nam. Hội nghị là nơi quy tụ những bài giảng chuyên môn và những bài tham luận chất lượng nhất về lĩnh vực địa kỹ thuật, mang lại nhiều bổ ích cho sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng.
Ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh từ khi thành lập đến nay luôn là một trong những chiến lược cốt lõi của FECON. Các công nghệ đã, đang và sẽ được áp dụng trong tương lai chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế - kỹ thuật lâu dài, góp phần vào sự phát triển của ngành Xây dựng nói riêng và đất nước nói chung.
Hà Phương
Theo baoxaydung.com.vn