Chủ nhật 15/09/2024 03:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Tiền Hải (Thái Bình): Hành trình 9 năm định hình nông thôn mới

10:12 | 27/10/2019

(Xây dựng) - Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Tiền Hải, Thái Bình thu nhập bình quân đầu người mới đạt 19,6 triệu đồng, về cơ sở hạ tầng hệ thống đường giao thông đã xuống cấp, tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn theo quy định 59%, bình quân các xã đạt 5/19 tiêu chí. Sau 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, ngày 17/10, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1403/QĐ-TTg công nhận huyện Tiền Hải, Thái Bình đạt chuẩn NTM 2019.


Thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Những ai đã từng đến Tiền Hải – một huyện đồng bằng ven biển tỉnh Thái Bình cách đây 9 năm trở về trước, chắc hôm nay trở lại sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi sự thay đổi của mảnh đất, con người nơi đây.

Kí ức về một huyện thuần nông, với những con đường đất đá gồ ghề, những tuyến đường nhỏ bé bị ngập lụt vào mùa mưa, hay những trục đường nội đồng bằng đất lầy lội nay đã được thay thế bằng những con đường bê tông, đường nhựa khang trang. Nhiều ngôi nhà mới to đẹp mọc lên san sát; đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao.

Đó là kết quả từ sự đoàn kết, nỗ lực của chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải suốt 9 năm miệt mài thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Từ nguồn vốn hơn 2.249 tỷ đồng mà Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương, doanh nghiệp, người dân đóng góp trong 9 năm (trong đó vốn huy động nhân dân đóng góp và các vốn khác là hơn 814 tỷ đồng (chiếm 36,4%)) huyện đã đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học và các thiết chế văn hóa trên địa bàn, làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng tích cực.

Về giao thông, toàn huyện đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được hơn 1.093km đường giao thông nông thôn, bảo đảm theo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải. Các xã thường xuyên phát động nhân dân, các tổ chức đoàn thể tham gia phong trào làm vệ sinh môi trường, trồng hoa ven đường tạo cảnh quan khu dân cư.


Người dân xã Đông Trà, Tiền Hải, Thái Bình cùng nhau vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng hoa ven đường tạo cảnh quan tươi đẹp.

Hệ thống thủy lợi của các xã được thiết kế và xây dựng phù hợp với quy hoạch hệ thống thủy lợi chung của huyện, đảm bảo tưới tiêu cho 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (10.500ha).

Tập trung các nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình kiên cố hóa trường lớp. Toàn huyện đã huy động các nguồn vốn đầu tư xây mới và nâng cấp được 11 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non.

Huyện đầu tư nâng cấp, sửa chữa xây mới 149 nhà văn hóa và 174 sân thể thao thôn xóm; 34/34 trạm y tế xã được cải tạo sửa chữa khang trang; 27 chợ đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa, thương mại cho người dân. Cùng với đó người dân các xã đã được sử dụng điện an toàn, nước sạch, internet...

Đặc biệt về vấn đề nhà ở nông thôn, đến nay huyện không còn nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định là 93,51%.

Chính sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Tiền Hải.

Bên cạnh đó, huyện có nhiều cơ chế chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các doanh nghiệp về đầu tư, phát triển hạ tầng khu công nghiệp; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi mở rộng sản xuất phát triển kinh doanh...

Nhờ đó, đến nay giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN đạt 3.893 tỷ đồng so với năm 2010 tăng 21,81%. Huyện đã phối hợp với các ngành của tỉnh quy hoạch mở rộng và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghiệp với diện tích 466ha, tăng 215ha so với năm 2015. Nhiều dự án lớn được các doanh nghiệp đầu tư đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện, giải quyết việc làm cho 20.000 lao động với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45,7 triệu đồng/người/năm.


Khu công nghiệp huyện Tiền Hải, hạ tầng đảm bảo để các nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh.

Song song với phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân môi trường sống của địa phương cũng được bảo vệ nâng cao. Toàn huyện có 35/35 xã, thị trấn có phương án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, 150 tổ vệ sinh làm nhiệm vụ thu gom từ chủ nguồn thải đến khu xử lý, sử dụng với tổng số 162 phương tiện thu gom là các xe đẩy tay và gắn máy, ôtô tải.

Huyện đã xây dựng trên 142km mương tiêu thoát nước khu dân cư, các hộ gia đình đều có biện pháp xử lý nước thải sơ bộ bằng các bể thu gom, lắng lọc trước khi đấu nối với mương tiêu thoát nước khu dân cư, không có hiện tượng nước thải ứ đọng ngập úng từ những năm gần đây.

Như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Tiền Hải đã mang lại lợi ích cho người dân đúng như mục tiêu của lãnh đạo huyện đề ra, miền quê năm nào nay đã sầm uất, sôi động với nhiều công ty, nhà máy, đường làng ngõ xóm khang trang...

Nhìn lại chặng đường đã qua trong phong trào xây dựng NTM, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải thực sự tự hào. Đó không chỉ là thành quả của sự nỗ lực, đoàn kết của toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện mà còn là sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của các cấp ngành Trung ương, của tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Vang - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tiền Hải, Thái Bình cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì kết quả đạt được và phấn đấu có 8 xã đạt NTM nâng cao vào năm 2020. Mỗi xã ngoài việc nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí xã NTM còn phải xây dựng được một số hình mẫu tiêu biểu về tổ chức sản xuất, bảo vệ môi trường, hoạt động văn hóa, xã hội giữ gìn an ninh trật tự”.

Kim Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load