Thứ tư 18/09/2024 09:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Tích cực tìm giải pháp khắc phục sự cố do mưa lũ tại Quảng Ninh

21:42 | 08/08/2015

(Xây dựng) - Như tin đã đưa, sáng 8/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã dẫn đầu đoàn công tác Bộ Xây dựng kiểm tra các điểm sạt lở tại Quảng Ninh.

Trong buổi sáng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cùng đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã kiểm tra thực địa tại khu vực ngập lụt dốc Đèo Bụt, lở cầu dẫn cảng Cái Lân cũng như đã kiểm tra việc xử lý đường ống cấp nước 800mm của Nhà máy Nước Diễn Vọng Quang.

Hiện Thứ trưởng Lê Quang Hùng đang làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ và khắc phục sự cố.

Theo Báo cáo của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) về tình hình thiệt hại, sự cố công trình xây dựng do mưa lũ tại tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm này, thiệt hại trên toàn tỉnh Quảng Ninh ước khoảng 2.700 tỷ đồng, trong đó ngành than là 1.200 tỷ.

Cụ thể, số người chết: 17 người; người bị thương: 32 người; nhà đổ: 104 nhà; nhà ngập và phải sơ tán: 9.046 nhà; lúa và hoa màu bị ngập, hư hại: 4.328,7ha; diện tích đầm bị ngập: 1.069,75 ha; lồng bè thủy sản hư hỏng: 882 lồng; gia cầm chết: 2.079 con; tường kè bị đổ: 4.285 m2; cột điện bị đổ: 171 cột; máy biến áp hỏng: 06 máy; đất đá đường giao thông sạt: 300.000 m3; vỡ đường ống 800mm, gây mất nước hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả. Ngành than bị trôi sạt 300.000 m3 đất đá, vùi lấp 14 thiết bị xe máy, ngập 03 trạm xử lý nước, trôi hàng vạn tấn than; hơn 30.000 thợ mỏ phải tạm nghỉ việc. 

Đánh giá nguyên nhân ban đầu, Cục Giám định cho rằng, quy hoạch chung đô thị và các điểm dân cư của tỉnh Quảng Ninh (nói chung) và TP Hạ Long (nói riêng) với các quy hoạch ngành vẫn còn những bất cập cần rút kinh nghiệm và sớm có kế hoạch khắc phục.

Hạ tầng kỹ thuật công trình (nhất là hệ thống thoát nước từ đất liền ra biển) chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa phù hợp với địa hình, địa chất khu vực. Công tác bảo trì và định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng, an toàn của công trình đập xỉ than chưa được đảm bảo.

Để tránh tình trạng lặp lại, theo Cục Giám định, tỉnh Quảng Ninh cần khẩn trương khắc phục thiệt hại về cơ sở hạ tầng sớm nhất, có thể bảo đảm sinh hoạt cộng đồng sớm được bình ổn trở lại; bảo đảm an toàn, tính mạng của người dân vùng lũ; ổn định nguồn nước cấp bảo đảm an toàn cho người dân.

Địa phương chủ động rà soát, kiểm tra chất lượng, vận hành bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, kể cả các hồ đập do người dân tự đắp để bảo đảm an toàn công trình và tính mạng, tài sản của người dân; chỉ đạo chủ động tiêu thoát nước chống ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính.

Theo dự báo, thời tiết còn diễn biến phức tạp, cần theo dõi chặt chẽ để chỉ đạo kịp thời, sẵn sàng ứng phó, ứng cứu khi tình huống xấu tiếp tục xảy ra; tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng tránh mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng; đề phòng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, kiên quyết di dời, sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, ngập lụt sâu.

Rà soát, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các khu dân cư, khu vực tỉnh Quảng Ninh, trong đó lưu ý việc đảm bảo thông suốt hệ thống thoát nước từ đất liền ra biển, tránh để xảy ra tình trạng ngập úng.

Sau đợt mưa lũ này, cần xác định, khoanh vùng những nơi có nguy cơ cao khi thiên tai mưa lũ để phục vụ trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nhằm đảm bào an toàn cho người dân. Sớm quy hoạch lại các điểm dân cư an toàn theo hướng tính toán, rà soát và phân bố các điểm an toàn cho dân khi mưa lũ kéo về.

Đối với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam cần nhanh chóng có phương án phòng chống sạt lở, nhất là các bãi xỉ thải; trong đó lưu ý có giải pháp kỹ thuật đảm bảo thoát nước ngập khi cần thiết (để giảm áp lực nước lên thân đập xỉ thải). Lập quy trình bảo trì và thực hiện bảo trì  đối với các đập xỉ thải và công trình khai thác mỏ theo quy định.

Có phương án hỗ trợ người lao động ổn định đời sống, nhanh chóng khôi phục sản xuất, bảo đảm kế hoạch cung ứng than; phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh chủ động rà soát lại quy hoạch các bãi thải (hiện có) để có kế hoạch điều chỉnh, di dời và có phương án bảo đảm an toàn.

Chủ động lập Quy hoạch chung các khu vực đổ thải làm cơ sở quản lý, quy hoạch chung đô thị, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cho khu đô thị giáp khu khai thác than và khu vực đổ thải, đảm bảo môi trường đô thị và phải tuân thủ chặt chẽ theo đúng các Quy hoạch chi tiết khu vực đổ thải đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có kế hoạch phòng ngừa dịch bệnh do ô nhiễm môi trường sau thiên tai lũ lụt.

Báo Xây dựng sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về hoạt động của đoàn.

Lê Mỹ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load