Thứ ba 19/03/2024 09:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thủy Môn Đình - Bia chủ quyền nơi biên ải

10:01 | 02/05/2021

Ngay tại phên dậu xứ Đồng Đăng - Lạng Sơn có một tấm bia đá quý hiếm sau này trở thành bảo vật quốc gia. Nó hiên ngang nơi biên viễn, là bản hùng ca hào sảng của người Việt.

thuy mon dinh bia chu quyen noi bien ai
Thủy Môn Đình ở thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc)Ảnh: Duy Chiến

Thiêng liêng 2 chữ “Việt Nam”

Cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) chừng 2 km có một mái đình, phía dưới dựng tấm bia đặc biệt. Đây chính là phiên bản của bia Thủy Môn Đình do Nguyễn Đình Lộc, một viên quan triều Lê Trung Hưng, dựng tại đình Thủy Môn (xứ Đồng Đăng, châu Văn Uyên) vào năm Cảnh Trị thứ 8 (1670) đời vua Lê Huyền Tông. Tấm bia gốc hiện trưng bày ở Bảo tàng Lạng Sơn.

Sử sách ghi lại rằng, mới ngoài 20 tuổi, Nguyễn Đình Lộc được phong chức Đô Tổng Binh sứ Ty, Bắc quân Đô đốc phủ, hữu Đô đốc, Thao quận công - làm nhiệm vụ trông coi, trấn giữ vùng biên giới Lạng Sơn và tiếp đón các sứ thần của hai nước Việt Nam, Trung Quốc. Đình Thủy Môn chính là nơi làm việc của các phiên thần họ Nguyễn.

thuy mon dinh bia chu quyen noi bien ai

Bà Chu Quế Ngân, Trưởng phòng kiểm kê - bảo quản Bảo tàng Lạng Sơn cho biết, điều làm nên giá trị đặc biệt của tấm bia chính là nội dung văn bia chứa đựng thông tin, tư liệu vô cùng quý giá về tên gọi, chủ quyền lãnh thổ của đất nước ở nơi địa đầu Tổ quốc, có ý nghĩa hành chính rõ rệt và thể hiện vai trò của các dòng họ thổ ty.

Theo bà Ngân, bia Thủy Môn Đình là một trong 7 hiện vật, tài liệu, thư tịch cổ có hai chữ “Việt Nam” với ý nghĩa như danh xưng của đất nước từ trước năm 1804 còn nguyên vẹn. Trong văn bia có câu: “Việt Nam hầu thiệt/ Trấn Bắc ải quan/ Thạch bích hoàn vũ/ Uyên quận giới phiên/ Đồng Đăng linh ấp” (Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc, vách đá giữa trời, quận sâu nơi biên giới. Ấp thiêng xứ Đồng Đăng).

“Như vậy, từ hơn 3 thế kỷ trước, tên gọi Việt Nam chính thức nằm trên tấm bia hiên ngang nơi quan ải, khẳng định chủ quyền, lãnh thổ của đất nước. Với dữ liệu lịch sử này, cho thấy 2 chữ Việt Nam xuất hiện sớm hơn, chứ không phải đến thời Nguyễn (1804) mới có”, bà Ngân nói.

Trường tồn cùng sông núi

Theo cuốn “Di sản Văn hóa Lạng Sơn” (NXB Văn hóa-Thông tin xuất bản 2006), bia Thủy Môn Đình được làm từ đá núi, chế tác công phu, mang đặc trưng điển hình của nghệ thuật tạo hình thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII). Bia có kích thước khá lớn: cao 130cm, rộng 84cm, dày 23 cm. Trán bia hình bán nguyệt, phần chính giữa mặt trước trang trí chạm nổi hình mặt trời, có các đao mác tỏa xung quanh. Thân bia dẹt, hình khối hộp chữ nhật. Bia có chân mộng hình chữ nhật (dài 60 cm, rộng 20 cm, dày 17 cm) liền với thân dùng để lắp khớp vào đế bia.

Mặt trước bia, phần trên của thân bia ghi tên bia viết bằng chữ Hán, theo kiểu đại tự, bố trí theo chiều ngang: “Thể tồn bi ký” (Bia gìn giữ bảo tồn truyền thống tộc họ). Hai bên dòng chữ này là hình đôi chim phượng trong tư thế nhìn nghiêng đang sải cánh, hình dáng, kích thước giống hệt nhau chầu vào.

Dọc hai bên thân bia có đôi câu đối với nội dung: “An trấn Thủy Môn Đình đình tiền thủy lục/Tỏa thược Thiên Nam giới giới hạn thiên thư” (tạm dịch: Gìn giữ đình Thủy Môn/ trước đình đường quanh suối lượn/ Khóa chặt ải Nam Quan/ quan ải phân định sách trời).

Ngay dưới dưới đôi câu đối này trang trí chạm nổi hình đôi hạc (cao 40cm) trong tư thế chân dứng thẳng, đầu ngẩng cao, mỏ ngậm cành sen đứng trên lưng rùa, đối xứng nhau - tượng trưng cho sự trường tồn, bền vững. Lòng bia khắc bài ký (chữ Hán) với chủ đề chính là “Liên kết để tồn tại”. Nguyễn Đình Lộc đã ghi lại những việc đã làm đúng đắn, tốt đẹp của mình để đoàn kết các tầng lớp nhân dân chung tay chung sức bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Ngoài ra, lòng bia còn ghi tên, chức vị của ông cùng vợ và các con và thời gian tạo dựng bia (lạc khoản). Chữ viết trên bia theo kiểu chữ Chân, nét mảnh, khắc hơi nông, chia làm 25 cột/dòng. Bài ký trong văn bia được viết theo lối tự sự, hành văn khúc chiết, hào sảng; ngôn ngữ chọn lọc, súc tích, giàu hình ảnh, vần điệu. Nội dung chứa đựng giá trị nhân văn cao cả, thấm đẫm tư duy, đạo lý truyền thống, có sức lay động lòng người. Sát chân bia trang trí một băng hoa văn cúc dây mềm mại.

Bà Chu Thúy Ngân kể: Qua thời gian và chiến tranh, thiên tai, có những lúc đình Thủy Môn bị hư hỏng trở thành phế tích, tấm bia này vẫn nằm ở địa điểm cũ của ngôi đình nhưng đã bị đổ, rời khỏi phần đế bia. Năm 1971, một chuyên viên Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đi công tác từ Nam Ninh (Trung Quốc), ghé qua Đồng Đăng, trong lúc cao bước ngắm phong cảnh nơi biên viễn, ông bất chợt phát hiện một tấm bia đá trong bụi rậm.

“Ngay sau đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cùng ông Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học), ông Hoàng Giáp (Viện Nghiên cứu Hán - Nôm), gặp chuyên viên Bộ Ngoại giao tìm hiểu thông tin rồi lập tức lên Đồng Đăng phối hợp với cơ quan chuyên môn ở địa phương tìm lại tấm bia. Sau khi dịch nội dung tấm bia, nhận thấy tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của di vật (có chữ “Việt Nam” ở ngay phần đầu của tấm bia), được sự đồng ý UBND tỉnh Lạng Sơn, tháng 5 năm 1991, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đã đưa bia về Bảo tàng để gìn giữ, phục vụ nghiên cứu, trưng bày. Tại địa điểm tìm được tấm bia đã dựng phiên bản của tấm bia này để phục vụ tham quan, nghiên cứu. Điểm di tích này đã được UBND tỉnh Lạng Sơn xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh tháng 10 năm 2002 theo quyết định số 41/2002/QĐ-UB”, bà Ngân thuật lại.

Giữ gìn, phát triển

Bà Hoàng Thị Minh Thảo, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng cho biết: Trong những năm gần đây, di tích Thủy Môn Đình đã thu hút rất nhiều nhà nghiên cứu, khách trong và ngoài nước tham quan, nghiên cứu. Ngành Văn hóa - thông tin và chính quyền địa phương quan tâm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, tu bổ di tích, đem lại vẻ đẹp, tôn nghiêm ở nơi này. Trong năm 2021, bằng sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như sự đóng góp của nhân dân, dự án cải tạo, nâng cấp khu di tích Thủy Môn Đình sẽ được triển khai, xây dựng, xứng đáng là nơi được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia ở vùng đất biên ải này.

Theo Nguyễn Duy Chiến/Tienphong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load