9h sáng 21/11, Cty CP Điện Việt - Lào, Cty TNHH Điện Xêkaman 3 cùng với tổng thầu xây lắp (Tập đoàn Sông Đà) đã ngăn sông đợt 2 thắng lợi. Từ nay dòng chảy của sông Xêkaman 3 đã bị chặn lại để tích nước lòng hồ phía thượng lưu nhằm phục vụ cho nhà máy phát điện.
Đăk Tà Ock cuối tháng 11 năm Tân Mão 2011.
Khó khăn và thách thức
Để có được thành công này, các lực lượng xây dựng gồm nhiều đơn vị chuyên ngành tinh nhuệ của tổng thầu Sông Đà đã hoàn thành việc đào đắp gần 3 triệu m3 đất đá hố móng của 2 đập dâng và đập tràn, đổ 52.300m3 bê tông cộng với 27 nghìn m3 bê tông bản mặt tại đập dâng chiều cao 101m, mặt đập rộng 10m cùng với gần 4 triệu m3 đất đá được đắp nên. Với 7km chiều dài, để lắp tuyến ống dẫn nước vào gian máy chính phải đào ngầm trong lòng đất là một kỳ công, gian khó chưa từng gặp phải trong bất kỳ một dự án thủy điện nào mà thợ Sông Đà 10 đã gặp phải. Địa chất khu vực là loại đất mùn, xốp, đào sâu gặp đá trầm tích nên vài vị trí trong số 8 gương hầm phải đào đã bị lún sụt dẫn đến sập đổ, đơn vị phải thay đổi lại biện pháp khác để kịp tiến độ phục vụ cho ngày chặn dòng. Đơn vị cơ khí lắp máy đã có nhiều sáng kiến cải tiến để hoàn thành lắp đặt thiết bị thủy công, các cánh van đóng - mở tại khu vực cửa nhận nước, nổi bật là việc tự thiết kế, chế tạo, lắp đặt cần trục lớn 250 tấn và 130 tấn phục vụ thi công tại gian máy và cửa nhận nước. Thủy điện Xêkaman 3 công suất 250MW là dự án lớn đầu tiên do Tập đoàn Sông Đà được 2 Chính phủ Việt Nam và Lào cho phép đầu tư và khởi công xây dựng vào tháng 6/2007 đúng dịp chào mừng Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Xây dựng một nhà máy thủy điện có công suất lớn đến 250MW, Cty CP Tư vấn thiết kế Sông Đà sau nhiều lần thăm dò, khảo sát đã đặt địa điểm xây dựng nhà máy trên địa bàn bản Đăk Ock Nhày thuộc huyện Đăc Chưng, tỉnh Sê Kông. Dự án được xem như một thuận lợi về việc tận dụng nguồn nước từ sông Xêkaman 3, các khu vực nhà máy và các hạng mục phụ trợ được xây dựng trên diện tích khả quan về mặt bằng do dân cư thưa thớt, đất và cây rừng ít bị tổn hại nhưng khí hậu và thời tiết thì vô cùng khắc nghiệt. Nơi đây như một lòng chảo nằm dưới dãy Trường Sơn, đây là cái túi khổng lồ hút gió từ 2 luồng, gió mùa Đông Bắc của Việt Nam tràn sang và gió mùa Tây Nam thổi từ Thái Lan đến. Giám đốc Ban Điều hành Phạm Văn Kiểm là người có mặt tại công trình từ ngày đầu đến nay nói như than phiền: “Chúng tôi là dân thi công mà 1 năm chỉ được làm việc có 3 - 4 tháng thì thật bứt rứt, khó chịu. Vì sao ư? Mưa, lũ thường xuyên bất kỳ lúc nào, quanh vùng sương giăng mù mịt khiến bầu trời như thấp xuống, mặt đất lầy lội, trơn trượt quanh năm. Với số vốn đầu tư gần 300 triệu USD nhưng không chỉ riêng cho mua thiết bị và xây dựng nhà máy, nhà đầu tư cùng nhà thầu đã phải làm mới 1 con đường giao thông trên 50km từ cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ock để vận chuyển máy móc, thiết bị, vật tư vào công trình, tiếp theo đó là 20km đường rải nhựa dọc theo triền sông từ cửa nhận nước vào nhà máy. Ông Phạm Văn Tăng - Giám đốc Cty CP Điện Việt - Lào cho hay: Công việc được thực thi ở nước ngoài nên công tác xuất, nhập khẩu vật tư, thiết bị, xăng dầu, vật liệu… đều phải xin quota từ các cơ quan chức năng của 2 Chính phủ, đó là chuyện đương nhiên. Tuy vậy, việc thi công một dự án quy mô lớn thế này thì vấn đề thiếu hụt vật tư, thiết bị, xăng dầu hoặc sự cố xảy ra bất thường cũng là chuyện thường xuyên. Vì vậy hàng tháng, hàng quý công trường vẫn phải trình, báo xin cấp phép nhập cảnh các thiết bị, vật tư còn thiếu hụt. Chưa hết, công trường lúc đông nhất phải huy động đến 2 nghìn con người, nhưng khắp cả vùng trong huyện Đăk Chưng không có siêu thị, không chợ búa, dân cư thưa thớt, từ hạt muối, bó rau hay cân thịt… nhất nhất phải trông chờ nguồn cung ứng từ Quảng Nam, Đà Nẵng đem sang, giá cả đắt gấp rưỡi, gấp đôi. Nhưng nếu gặp phải sự cố mưa lũ sạt lở, tắc đường thì khó khăn còn tăng thêm gấp bội!
Những tưởng sau khi ngăn sông đợt 2 thắng lợi thì có thể tiến hành công tác hoàn thiện tổ máy để chuẩn bị cho việc phát điện, nhưng không phải vậy! Đây là giai đoạn nước rút, toàn công trường đang nóng lên, sôi sục khẩn trương bởi những công việc chính còn phải làm là: Tập kết cho đủ vật tư, thiết bị để lắp đặt vào vị trí tổ máy 1 như buồng xoắn, stator, các thanh dẫn và rất nhiều thiết bị phụ khác; Đào và hoàn thiện khoan phun chống thấm gần 1km đường hầm ở các gương số 8, các giếng nghiêng; Đổ xong bê tông cho 10.420m dài ở các gương hầm số 3 và số 6. Đặc biệt còn gần 20 nghìn m3 bê tông phải hoàn thành trước 20/12 năm nay ở tại giếng đứng số 1, ở gương hầm số 8; tuyến ống hở, ở các mố néo và gian máy. Với khối lượng bê tông còn phải thực thi nhiều như vậy mà cứ theo định mức tại một số dự án khác thì ở đây cần phải có thời gian đến hơn 70 ngày đêm mới xong. Nhưng ở Xêkaman 3 tiến độ đó không cho phép vì sẽ đẩy lùi thời gian chạy máy 1 sang đầu quý II/2012 mới khởi động. Trước sức nóng này, Cty CP Sông Đà 5 không chỉ đã điều động chi nhánh 5.05 cùng với một số nhóm thi công bê tông thiện chiến rút từ Sơn La đưa sang mà nay còn có đích danh Chủ tịch HĐQT Cty Vũ Khắc Tiệp đem theo quân số nhân lực cùng với 1 số máy trộn, máy bơm phụt bê tông công suất lớn có độ dài 70m đến thi công song hành với công tác lắp tuyến ống áp lực. Công việc của một tuần qua đi cho thấy tác dụng, hiệu quả, năng suất đã tăng từ 1,5 - 1,7 lần so với định mức cao nhất ở các công trình khác. Những người thợ bê tông của Sông Đà 5 và toàn bộ lực lượng lắp thiết bị đều có cùng một quyết tâm lao động liên tục 3 ca trong giai đoạn nước rút này, nhằm rút ngắn thời gian thi công chỉ còn lại 40 ngày đêm để hoàn thành bàn giao cho nhà máy.
Khí thế Sông Đà
Thủy điện Xêkaman 3 khi hoàn thành với công suất 250MW tương ứng với lượng điện có được bình quân hàng năm trên 1 tỷ KWh nhưng nhu cầu tiêu dùng lại đưa trở lại cho Việt Nam. Vì thế một tuyến đường dây mới dài 70km sẽ được xây dựng từ nơi này đưa trở về trạm 500KW Thạnh Mỹ (Quảng Nam). Chi nhánh 11.5 thuộc Cty CP Sông Đà 11 - Thăng Long đảm nhận thi công hạng mục này.
KS Tống Văn Hiếu - Giám đốc chi nhánh kể rằng: Hơn 10 năm cùng Chi nhánh gắn với nghiệp dựng cột, kéo dây. Nhưng chưa có công trình nào gian khó phức tạp như Xêkaman 3. Việc thông tuyến phải qua nhiều sông, suối, rừng rậm, núi cao đã là chuyện thường ngày của cánh thợ. Nhưng việc vận chuyển từng gùi xi măng, cát, đá để xây dựng hàng nghìn mố cột là những gian khổ vất vả nguy hiểm cho người thợ thi công.
Theo ông Phạm Văn Kiểm - Giám đốc Ban Điều hành thì tại thời điểm này, dù phải tốn kém thêm chút ít nhưng dự án cũng vẫn thuê thêm 10 chuyên gia từ Cộng hòa Áo đến công trình để vừa kiểm định thiết bị toàn bộ vừa hướng dẫn công tác lắp đặt cùng với lực lượng Someco. Bước nhảy vọt từ tháng 10 đến nay là năng suất lên cao gấp 2 lần tiến độ thi công so với những tháng đầu do đã thay đổi biện pháp liên kết giữa tổ hợp hàn và công tác đổ bê tông cùng lúc…
Thủy điện Xêkaman 3 đang vào hồi kết, sẽ không có trở ngại nào cản nổi sức rướn mạnh mẽ của những người thợ Sông Đà đang bừng bừng khí thế lao động, tất cả cho dòng phát sáng từ vùng đất sâu thẳm, lặng lẽ ở miền núi rừng xứ Lào vào dịp đầu năm Nhâm Thìn 2012 tới.
Nguyễn Tất Lộc
Theo baoxaydung.com.vn